Tình hình dịch Covid-19 tại Nam Phi
Ngày 17/12, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết, mặc dù số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng phải nhập viện trên khắp Nam Phi tăng 70% trong tuần, nhưng tỷ lệ người nhiễm bệnh nặng phải nhập viện thấp hơn nhiều so với các đợt lây nhiễm với các biến thể trước đó.
Số ca mắc biến thể Omicron ở Nam Phi đang giảm mạnh. (Nguồn: Reuters)
Tuy số ca nhiễm biến thể Omicron ở Nam Phi trong đợt dịch đợt thứ tư này tăng cao hơn nhiều so với các đợt lây nhiễm các biến thể khác nhưng chỉ có 1,7% trong số này chuyển nặng phải nhập viện, trung bình 350 ca nhập viện mới mỗi ngày trong tuần cao điểm. Trong khi đó, tại làn sóng lây nhiễm thứ ba do biến thể Delta gây ra, Nam Phi ghi nhận 800 người bệnh nặng phải nhập viện hàng ngày, chiếm 19%/ tổng số ca mắc.
Tính từ khi biến thể Omicron được phát hiện (ngày 11/11) đến ngày 17/12, chỉ có hơn 7.600 bệnh nhân nhập viện, con số này chiếm khoảng 40% so với mức đỉnh dịch của các làn sóng lây nhiễm thứ hai và thứ ba trước đó. Số ca tử vong dưới 2.000 ca/ tuần, bằng 1/8 so với mức đỉnh dịch trước đó do các biến thể khác gây nên.
Lý giải tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong giảm ở làn sóng lây nhiễm thứ tư do biến chủng Omicron gây ra, các chuyên gia cho rằng, có thể khả năng miễn dịch cộng đồng ở dân số Nam Phi đã tăng lên.
Theo Giáo sư Cheryl Cohen thuộc Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NICD) Nam Phi, đến nay, ước tính khoảng 60%-70% người dân Nam Phi đã từng bị nhiễm Covid-19 ở các làn sóng lây nhiễm trước đó. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm ngày 14/12, 41% dân số Nam Phi trong độ tuổi trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và 35,6% người dân đã được tiêm phòng hai mũi. Trong khi đó, số người mắc bệnh nặng nhập viện trong đợt lây nhiễm thứ 4 chủ yếu là người chưa được tiêm chủng.
Nhìn lại làn sóng lây nhiễm thứ ba với biến thể Delta, Nam Phi là quốc gia đứng thứ 5 về tổng số ca mắc Covid-19, chỉ sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nga. Đỉnh dịch do biến thể này rơi vào cuối tháng 7/2021 khi nước này ghi nhận 15.000 ca mỗi ngày.
Tuy nhiên, số ca nhập viện và tử vong ở Nam Phi lúc đó thấp hơn Anh, Italy và Mỹ. Một số chuyên gia y tế cho rằng, tuy tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 chưa cao nhưng hàng triệu người ở các thành phố nghèo và đông dân cư của Nam Phi có thể đã hình thành khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 do sự lây lan thường xuyên từ các loại virus corona khác trước đây, trong đó có virus cúm.
Nam Phi có khả năng đã vượt qua đỉnh dịch với biến thể Omicron
Các nhà nghiên cứu cho biết, Nam Phi dường như đã vượt qua đỉnh dịch Covid-19 từ làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron. Các số liệu thống kê tại nước này cho thấy, số ca mắc mới Covid-19 giảm đáng kể trong những ngày gần đây.
Chỉ trong vòng một tháng lây nhiễm biến thể Omicron tại Nam Phi, đồ thị ca mắc mới tại từng tăng thẳng đứng đã sụt giảm liên tiếp.
Sau khi đạt đỉnh gần 27.000 ca/ngày vào hôm 16/12, con số này rơi xuống khoảng 15.424 ca vào ngày 21/12.
Theo bác sĩ Unben Pillay, Giám đốc Hiệp hội bác sĩ đa khoa ở Nam Phi cho biết, tỉnh Gauteng - địa phương đầu tiên phát hiện biến thể Omicron, ghi nhận sự gia tăng 400% số ca mắc mới trong tuần đầu tiên của tháng 12.
Số ca mắc mới tại tỉnh đông dân nhất Nam Phi này vẫn tiếp tục trên đà giảm. Sau khi đạt 16.000 ca mắc mới/ngày vào hôm 12/12, con số này đã giảm xuống còn 3.300 ca vào ngày 21/12.
Ridhwaan Suliman, nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Nam Phi nhận định, đỉnh dịch với biến củng Omicron đã qua, do sự suy giảm đáng kể số ca mắc ở tâm dịch Gauteng.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu cấp cao Marta Nunes, Đại học Witwatersrand Nam Phi cũng cho biết, sự sụt giảm số ca mắc mới ở Nam Phi, đặc biệt là ở tỉnh Gauteng, trong nhiều tuần là tín hiệu chứng minh đỉnh dịch đã qua.
'Chìa khoá' kiểm soát dịch là vaccine, hiệu quả hơn ở mũi tăng cường
Từ số liệu thống kê ca mắc ở Nam Phi, các chuyên gia dự đoán sự lây lan trong vài tuần tới ở Mỹ, nơi biến thể Omicron hiện đang chiếm ưu thế. Nếu theo diễn biết dịch ở Nam Phi, Mỹ có thể đạt đỉnh dịch vào tháng 1/2022.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, từ ngày 12 đến ngày 18/12, Omicron chiếm 73% trong tổng số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này, một bước nhảy vọt so với tuần trước chỉ chiếm 12%. Tuy nhiên, số ca tử vong do biến thể mới này rất thấp, không đáng kể so với các biến thể trước.
Giải thích nguyên nhân trên, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci cho hay, phần lớn những người được tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc lại liều vaccine tăng cường sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Omicron.
Nhiều nước trong đó có Việt Nam đã triển khai tiêm mũi thứ ba vaccine Covid-19. (Nguồn: AFP)
Một nghiên cứu quy mô lớn trên bệnh nhân Covid-19 ở Nam Phi cho thấy, tiêm đủ hai liều vaccine của Pfizer chỉ có hiệu quả 30% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm đáng kể so với mức 80% đối với các biến thể trước đó. Tuy nhiên, vaccine này vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng do Omicron.
Ngày 23/12, AstraZeneca cho biết, dữ liệu từ một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Đại học Oxford, một liệu trình ba liều vaccine Covid-19 của hãng này có hiệu quả chống lại biến thể Omicron.
Nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm ba liều vaccine, mức độ kháng thể trung hòa có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron tương tự như liều thứ hai đối với biến thể Delta. Theo đó, mức độ kháng thể trung hòa sau liều thứ 3 cũng cao hơn ở người mắc và tự khỏi bệnh.
Tại Anh, tiêm thêm liều vaccine tăng cường làm tăng đáng kể khả năng bảo vệ, đẩy hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm lên 75%.
Không chỉ AstraZeneca, các nghiên cứu của Pfizer-BioNTech và Moderna cũng cho thấy liều vaccine thứ ba của cả hai hãng có tác dụng chống lại Omicron.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci nhấn mạnh, biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm hai mũi vaccine theo công nghệ mRNA của Pfizer hay Moderna, nhưng việc tiêm thêm mũi thứ ba sẽ nâng cao hiệu quả chống lại biến thể này.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Rockefeller ở New York cũng phát hiện rằng, ở những người đã tiêm mũi tăng cường có mức độ hoạt động của kháng thể trung hòa với Covid-19 cao gấp 38 lần.
Trước hiệu quả cao của mũi tăng cường, Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky khuyến nghị mọi người từ 18 tuổi trở lên nên tiêm mũi tăng cường sau 6 tháng kể từ khi hoàn thành đủ hai mũi vaccine của Pfizer hoặc Moderna, hoặc 2 tháng đối với vaccine Johnson&Johnson nhằm tăng cường sự bảo vệ trước biến thể Omicron.