Tết không trọn vẹn
Là bệnh viện tầng 3 của Thành phố, hầu hết bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang đều trong tình trạng nguy kịch. Nếu không xử trí kịp thời người bệnh có thể tử vong ngay khi vừa nhập viện.
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết thời gian đầu khi bệnh viện được giao tiếp nhận theo dõi, điều trị các F1, F2 có nguy cơ cao gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó là những ngày đầu tiên, Hà Nội ghi nhận ca mắc Covid-19.
Các y bác sĩ Bệnh viện Đức Giang chăm sóc bệnh nhân F0 nặng
'Anh em lo sợ lây nhiễm Covid-19 vì đây là bệnh mới, chưa gặp bao giờ. Trong khi chuyên môn chưa biết điều trị ra sao, phác đồ điều trị chưa rõ ràng, trang thiết bị lúc đầu chưa có quy chuẩn… mà đọc trên báo chí thì tỷ lệ tử vong cao. Chưa kể áp lực từ gia đình, làng xóm, láng giềng…. cũng làm anh em tâm tư', BS Thường cho biết.
Do đó, khi được giao nhiệm vụ, BGĐ Bệnh viện đã họp đặt ra những tiêu chí (y bác sĩ trẻ, không có bệnh nền…) sau đó vận động anh em tự nguyện tham gia. Ban đầu số y bác sĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay phục vụ F1, F2.
Thế nhưng đến tháng 5/2021, Bệnh viện Đức Giang đã phải huy động tới 60 y bác sĩ, điều dưỡng sau khi có quyết định chính thức được giao tiếp nhận, điều trị BN F0 thuộc tầng 3.
'Ca nặng cứ tăng dần lên. Hiện bây giờ bệnh viện được giao số giường là 400 giường nhưng thường xuyên hơn 300 bệnh nhân, cụ thể như ngày hôm 22/2 bệnh viện đang phải tiếp nhận điều trị cho 380 bệnh nhân tầng 3 trong đó bệnh nhân nặng 120 thở oxy trở lên', TS. BS Nguyễn Văn Thường cho hay.
Bệnh nhân nặng tăng, phải chăm sóc toàn diện nhưng lực lượng y bác sĩ mỏng nên hầu như phải làm việc với gần 200% sức lực.
BS Lê Mạnh Trường, trưởng đơn nguyên Covid 2, là một trong những bác sĩ đầu tiên của bệnh viện được phân công nhiệm vụ theo dõi, điều trị cho bệnh nhân F1, F1 thời gian đầu tháng 3 năm 2020 cho biết, thời gian đầu 'rất lo'.
'Lúc đó nhiều băn khoăn lắm. Tôi lo không biết điều trị bệnh nhân như thế nào, khám ra sao, giao tiếp với bệnh nhân như thế nào khi mình mặc bảo hộ kín mít, rồi lo lây nhiễm. Tôi tự hỏi nếu lây thì không biết sẽ như thế nào? Nhưng xác định đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của bác sĩ nên tôi cũng gạt những lo lắng để lao vào công việc', bác sĩ Mạnh Trường cho hay.
Với tâm thế sẵn sàng, Mạnh Trường đã tận tuỵ với công việc bất chấp những hiểm nguy, thậm chí nhận cả những thiệt thòi về phía mình. Khi nhiều tháng nay anh không về nhà.
Ngay cả dịp Tết, theo lịch, mùng 2 anh sẽ về nhà. Vừa về quê cách bệnh viện hơn 40km thì nhận được điện thoại kíp trực báo có ca sản phụ diễn biến nhanh buộc phải đặt ECMO, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong.
Đó là sản phụ sinh năm 1993 mắc Covid-19 vào viện với diễn biến rất nhanh, bệnh nhân suy hô hấp, đặt ống nội khí quản, thở máy. Bệnh nhân đủ điều kiện chuyển tuyến trên nhưng ở đó cũng quá tải. Không thể để bệnh nhân chết khi vẫn còn có thể. Nghĩ là làm, anh vội vàng buông bát cơm, vội vã quay lại viện.
'Lúc đó vào đêm mùng 2 Tết. Đây cũng là trường hợp đầu tiên đặt ECMO của Bệnh viện. Sau nỗ lực của cả tập thể bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Đến nay, sau 3 tuần đặt ECMO bệnh nhân đang được theo dõi tại bệnh viện', bác sĩ Mạnh Trường cho biết.
Không muốn nhắc đến những ca bệnh không có người thân bên cạnh, Mạnh Trường lặng đi khi nói về những cuộc điện thoại trong đêm, đặc biệt là vào những ngày Tết báo tin 'bệnh nhân tử vong'. Anh bảo 'đó là những ký ức buồn rất khó có thể quên'.
Mong thất nghiệp
Giám đốc Bệnh viện Đức Giang cho biết, tính đến thời điểm này bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân F0 thuộc tầng 3. Dự báo thời gian tới số ca tiếp tục tăng lên do đó, ban giám đốc bệnh viện luôn động viên anh em cố gắng nỗ lực hơn nữa, xác định hết năm 2022 dịch mới 'hạ nhiệt'.
Điều dưỡng Đào Thị Hằng, trực tiếp tham gia chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 đến nay 3 tháng. Không cảm thấy lo lắng, Hằng tham gia cuộc chiến với tâm thế sẵn sàng tiếp lửa cho các đồng nghiệp.
Ở nơi tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Hà Nội
Em cho biết trong suốt 3 tháng qua, công việc của Hằng là thực hiện y lệnh của bác sĩ tiêm truyền thuốc, hút đờm, vỗ rung long đờm, bơm ăn qua sonde giúp bệnh nhân không bị suy dinh dưỡng… Đã có quá nhiều hình ảnh 'ghim' vào đầu nữ điều dưỡng trẻ.
'Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên ca bệnh tôi tiếp nhận ngày hôm ấy. Bà cụ 83 tuổi được chẩn đoán dương tính với Covid-19, không có người thân bên cạnh. Bà được xe 115 đưa đến trong tình trạng thở oxy mask. Khi tôi hỏi bà có người nhà không thì bà lắc đầu. Thực sự lúc đó tôi chỉ lặng đi, không dám khóc', Hằng ngậm ngùi.
'Đại dịch đã kéo dài hơn 2 năm, mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là ngày gần nhất Hà Nội giảm số ca mắc mới. Và đến 1 ngày đẹp trời nào đó, tôi được nghe công bố hết dịch', Hằng ước mơ.
Ước mơ của Hằng cũng là ước mơ chung của các y bác sĩ. Hơn lúc nào hết, họ là các y bác sĩ khu điều trị Covid-19 luôn mong được thất nghiệp.