Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội phê duyệt, từ ngày 8/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 các địa bàn có mức độ dịch cấp độ 1, 2 sẽ tới trường học trực tiếp. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị xã trở lại trường từ ngày 10/2. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, công tác chuẩn bị hiện đã được các trường cơ bản hoàn tất.
Học sinh, phụ huynh phấn khởi
Hôm nay, 7/2 là ngày nghỉ cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 của em Lưu Mỹ Uyên, học sinh lớp 7A3, Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ), nhưng em thức dậy từ khá sớm.
Uyên chia sẻ: 'Mai được đến trường học trực tiếp sau hơn nửa năm ở nhà nên em rất háo hức, cả đêm không ngủ được. Sáng nay, em dậy sớm chuẩn bị cặp sách, sách vở, hoàn thiện bài tập về nhà, chuẩn bị sẵn sàng cho buổi học trực tiếp vào ngày mai'.
Buổi diễn tập công tác đón học sinh trở lại trường tại Trường THCS Giảng Võ.
Háo hức, mong chờ 'ngày mai được đi học' là tâm trạng chung của nhiều học sinh. Nhớ lại những tiết học trên lớp như trước đây, em Lại Khánh Vy, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) rất mong chờ buổi học trực tiếp vào sáng mai.
Khánh Vy cho biết: 'Ở nhà quá lâu khiến nhiều bạn ngại đến trường học trực tiếp. Để chuẩn bị cho việc trở lại trường, từ ngày mùng 5 Tết, cô giáo chủ nhiệm của em đã nhắn tin động viên tinh thần cả lớp khiến chúng em rất phấn khởi. Dù việc trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài ở nhà sẽ vất vả hơn nhưng em thấy rất cần thiết'.
Việc cho học sinh trở lại trường từ ngày 8/2 nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh học sinh. Chị Nguyễn Diệu Thùy (quận Hà Đông) cho biết, con chị năm nay học lớp 10, từ đầu năm học tới nay con chị cũng như các bạn lớp 10 khác chưa được gặp giáo viên, chưa được gặp bạn mới trực tiếp. Thế nên, con mong chờ được đến trường từng ngày.
Diễn tập phổ biến quy định phòng, chống dịch bệnh khi học trực tiếp tại Trường THCS Giảng Võ.
'Chúng tôi đã sắp xếp thời gian đưa đón con đi học, bảo đảo việc phòng chống dịch. Con học một buổi/ngày tại trường rồi bố mẹ đón luôn về nhà nên con sẽ không tiếp xúc với người lạ. Thấy con háo hức được đến trường, cả gia đình tôi cũng vui theo', chị Thùy nói.
Bên cạnh nhiều ý kiến tích cực, một số phụ huynh lại cho rằng, việc cho học sinh tới trường trong thời điểm số ca F0 tại Hà Nội còn cao liệu có liều lĩnh hay không, nhất là ngay sau dịp nghỉ Tết.
Dù con gái của anh Cung Việt Trường (quận Đống Đa) đã tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng anh vẫn lo lắng khi nghe tin trường học mở cửa trở lại đón học sinh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo anh Trường, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày nên mọi người di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác khá nhiều, số ca F0 có khả năng sẽ tăng cao. Trong khi đó, thành phố lại quyết định cho học sinh trở lại trường đúng dịp này.
Anh Trường cho biết: 'Chúng tôi cũng mong con sớm được đến trường học trực tiếp để ổn định sức khỏe tâm sinh lý khi học trực tuyến quá lâu. Nhưng tôi vẫn còn e ngại khi con đến trường học vào thời điểm này. Cách đây 2 ngày, giáo viên chủ nhiệm cũng gửi cuộc khảo sát nhanh tới phụ huynh về việc đồng ý hay không đồng ý cho con đi học trực tiếp từ ngày 8/2. Kết quả, cả lớp có hơn chục phụ huynh không đồng ý cho con tới trường'.
Trường học đã sẵn sàng
Để phụ huynh và học sinh yên tâm đến trường học trực tiếp, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đón học sinh vào ngày mai được được các nhà trường cơ bản hoàn tất.
Ngay sau khi TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch mở cửa trường học, các trường đã khẩn trương rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch; đồng thời tổ chức diễn tập, lên phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh khi học sinh học tập trực tiếp tại trường.
Huyện Quốc Oai hiện có xã Đại Thành còn ở mức độ dịch cấp độ 3. Theo ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng phòng GDĐT huyện Quốc Oai, toàn huyện có 23 trường THCS, 4 trường THPT công lập, 1 trường THPT ngoài công lập và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Hiện các trường đã hoàn tất việc vệ sinh, khử khuẩn, đồng thời đã xây dựng phương án, kịch bản để ứng phó với các tình huống phát sinh của dịch Covid-19 khi học sinh tới trường học trực tiếp.
Một trong những điểm mới trong công tác đón học sinh trở lại trường học đợt này là tổ chức diễn tập với nhiều tình huống giả định có thể xảy ra trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp.
Ông Thắng cũng cho biết, với địa bàn xã Đại Thành là 'vùng cam', Phòng GDĐT huyện đã chỉ đạo các trường linh hoạt trong công tác giảng dạy, không để việc học tập của học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các trường cũng đã gửi thông báo và đăng tải đầy đủ thông tin về việc học sinh chuẩn bị đến trường cũng như khi ở trường để phụ huynh nắm rõ, yên tâm cho con đi học.
Để tạo sự đồng thuận, bảo đảm cho việc tổ chức dạy học trực tiếp hiệu quả, Sở GDĐT Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường thông tin đầy đủ tới gia đình học sinh về công việc cần chuẩn bị khi đưa học sinh trở lại trường.
Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết, nhà trường tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại trường an toàn.
Theo bà Yến, nhà trường lưu ý phụ huynh về việc không tổ chức bán trú, căng tin và chỉ tổ chức học trực tiếp một buổi/ngày, nên phụ huynh cần chuẩn bị nước uống, cho con ăn ở nhà và nhắc nhở con tuân thủ đúng các quy định phòng, chống dịch. Nhà trường cũng chuẩn bị 3 phòng học trực tuyến dành cho học sinh không thể đến trường học trực tiếp.
Căn cứ thông báo của UBND thành phố, Hà Nội còn 9 đơn vị cấp xã có mức độ dịch ở cấp độ 3. Như vậy, các trường học ở những địa bàn này vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến; các trường học ở địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1 và 2 dạy học trực tiếp đối với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12.
Hôm nay, 7/2, Sở GDĐT Hà Nội sẽ rà soát một lần nữa công tác chuẩn bị đón học sinh của các đơn vị, trường học.