Người bệnh thực hiện các cận lâm sàng để kiểm tra sức khỏe tổng quát sau mắc Covid-19. Ảnh: THÀNH AN
Lo lắng quá mức
Sau gần 2 tuần điều trị Covid-19 tại nhà và đã âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng bà Nguyễn Thị Thu (60 tuổi, ở Trung Hòa, Hà Nội) vẫn rất mệt mỏi. Người phụ nữ này luôn trong tình trạng thiếu ngủ và đuối sức mỗi khi làm việc hơi nặng một chút. 'Suốt cả tháng qua, mỗi đêm tôi chỉ ngủ được 2-3 tiếng, nhiều khi thức đến sáng. Thiếu ngủ nên cơ thể tôi lúc nào cũng mệt mỏi, không thiết làm việc gì, ăn uống cũng chẳng ngon', bà Thu chia sẻ. Lo lắng, bà đã đi khám tại một số bệnh viện và được cho biết mắc một số hội chứng hậu Covid-19. Dù các triệu chứng bệnh của bà Thu không quá nghiêm trọng, nhưng khó hoàn toàn bình phục sức khỏe trong ngắn hạn.
Cũng lo lắng sau khi mắc Covid-19, nên cứ mỗi 1 tuần, chị Nguyễn Thị Thanh Trâm (31 tuổi, ngụ tại Củ Chi, TPHCM) lại đi chụp X-quang phổi để kiểm tra bị tổn thương hay không. Chị Trâm cho hay: 'Vì đọc thông tin Covid-19 sẽ làm tổn thương phổi nên mọi người bảo nhau sau khi hết bệnh phải thường xuyên đi chụp X-Quang phổi để tầm soát. Mỗi lần chụp X-Quang mất 200.000 đồng, CT-Scan là 1,5 triệu đồng, nhưng nếu không đi chụp lại không an tâm'.
Sau nhiều lần đi khám hậu Covid-19 ở nhiều nơi nhưng không hiệu quả, ông Hà Thế Minh (62 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) quyết định mua gói khám sức khỏe tại một bệnh viện lớn có giá gần 10 triệu đồng. Ông Minh kể, tháng 9-2021, ông bị mắc Covid-19 và phải nhập viện điều trị. Sau khi được xuất viện, ông thường xuyên bị ho, khó thở, mất ngủ.
'Tôi đã đi khám nhiều nơi nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, các bác sĩ bảo phải điều trị trong thời gian dài', ông Minh lo lắng. Không chỉ đi khám thường xuyên, ông Minh còn được các con mua nhiều loại thực phẩm chức năng để 'tẩm bổ' với mong muốn vượt qua các di chứng sau mắc Covid-19 kéo dài.
Nở rộ dịch vụ thăm khám
Tăng theo nhu cầu của người dân, thời gian qua, các cơ sở y tế cũng đua nhau xây dựng các gói khám hậu mắc Covid-19 với giá từ 1 triệu đến gần chục triệu đồng. Các dịch vụ này đang 'ăn nên làm ra' khi ngày càng có nhiều người dân tìm đến để khám bệnh.
Cụ thể, tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 người đến khám di chứng sau mắc Covid-19, chủ yếu là người trên 60 tuổi, với các triệu chứng phổ biến là hụt hơi, khó thở, giảm thể lực, mất ngủ. Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết, những trường hợp tới khám hậu Covid-19 được các bác sĩ thăm khám, chỉ định xét nghiệm máu hay chụp CT phổi để đánh giá những tổn thương. Trên cơ sở kết quả thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, hoặc yêu cầu người bệnh nhập viện điều trị sau mắc Covid-19, tùy theo diễn biến bệnh.
Không chỉ có các cơ sở y tế của Nhà nước, một số bệnh viện ngoài công lập cũng đã mở thêm phòng khám sau mắc Covid-19. Tại Bệnh viện Hồng Ngọc, gói khám bệnh sau mắc Covid-19 được quảng cáo có giá từ 4 triệu đồng, bao gồm dịch vụ tư vấn kèm chỉ định cận lâm sàng sau khi có xét nghiệm RT-PCR âm tính. Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đưa ra 5 gói khám bệnh, từ khám tại nhà cho tới bệnh viện, với các danh mục kiểm tra sức khỏe từ cơ bản tới chuyên sâu, có giá từ 450.000 đồng tới vài triệu đồng/người.
Còn tại TPHCM, sau khi Bệnh viện Thống Nhất mở đơn vị điều trị hậu Covid-19 đầu tiên thì đến nay đã có hàng trăm cơ sở y tế đưa vào hoạt động dịch vụ này với nhiều gói khám linh hoạt để người bệnh lựa chọn với giá 1-9 triệu đồng. Nhìn chung, các gói khám bao gồm: khám tổng quát, kiểm tra chức năng gan, thận, chẩn đoán hình ảnh, công thức máu, chụp CT, MRI… Ngoài ra, tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ của bệnh nhân, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác.
Thực tế, hậu Covid-19 đã và đang là 'từ khóa' được nhắc liên tục trong thời gian vừa qua. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc khám hậu Covid-19 là cần thiết, nhưng không nên lạm dụng. Để phát hiện sớm tình trạng mắc di chứng, bệnh nhân sau khi xuất viện, hay có kết quả âm tính, cần quay lại cơ sở y tế để tái khám trong khoảng thời gian 2-4 tuần: kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát. Tuy nhiên, người dân nên tránh làm xét nghiệm, thực hiện cận lâm sàng không cần thiết mà chỉ nên khám theo biểu hiện bệnh lý của mỗi người.
Người bệnh thực hiện các cận lâm sàng để kiểm tra sức khỏe tổng quát sau mắc Covid-19. Ảnh: THÀNH AN
Thay đổi suy nghĩ, kiên trì tập luyện
Rất nhiều trường hợp đã vượt qua các triệu chứng sau mắc Covid-19 như: trầm cảm, mất ngủ, lo âu kéo dài… chỉ bằng cách thay đổi suy nghĩ, tập luyện và cân bằng lại tâm lý. Tuy nhiên, những trường hợp có bệnh nền, tổn thương đã được bác sĩ hẹn khám lại thì cần phải đi tái khám. Nếu có triệu chứng ảnh hưởng tới sinh hoạt thì cần đi khám tại các cơ sở y tế. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không có giấy phép hay các bài thuốc truyền miệng để chữa bệnh. Vì điều này không chỉ khiến bỏ lỡ 'thời gian vàng' để điều trị bệnh mà còn có thể dẫn đến tiền mất, tật mang.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế
Chớ lạm dụng
Theo BS CKI Nguyễn Thành Luân, Bệnh viện Chợ Rẫy, việc thăm khám sau khi khỏi Covid-19 phải cá thể hóa từng bệnh nhân vì hội chứng sau mắc Covid-19 rất khác nhau, sẽ được bác sĩ thăm khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác nhau, đôi khi không cần X-Quang, CT-Scan phổi, hoặc có khi cần phải thực hiện nhiều hơn 2 phương pháp cận lâm sàng hình ảnh này. Đặc biệt, CT-Scan phổi lại là một xét nghiệm tốn kém, phải dùng nhiều tia X, không nên chỉ định thường quy cho bệnh nhân mắc Covid-19, mà phải cân nhắc kỹ càng. Vì thế, theo bác sĩ Thành Luân, người dân tự ý chụp X-Quang, CT-Scan phổi đôi khi không cần thiết, thậm chí gây lãng phí. Thêm vào đó, khi kết quả X-Quang hay CT-Scan phổi bình thường sẽ gây tâm lý chủ quan lơ là, có thể bỏ sót bệnh lý khác của hội chứng sau mắc Covid-19.
Về phía cơ quan quản lý, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, cùng với gánh nặng tiếp nhận, điều trị các ca mắc Covid-19, ngành y tế còn phải đối mặt với thực trạng người bệnh đã hồi phục nhưng vẫn có các triệu chứng kéo dài nên Bộ Y tế đã có những bước chuẩn bị cho sự xuất hiện của hội chứng sau mắc Covid-19. Hiện nay, đối với những di chứng về mặt tinh thần của người bệnh, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Tâm thần Trung ương xây dựng phác đồ cụ thể để hướng dẫn các bác sĩ điều trị các triệu chứng có liên quan. Về mặt thể chất, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện hướng dẫn, đưa ra những bài tập để giúp người dân tập luyện phục hồi chức năng.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh, ngay khi số ca mắc Covid-19 có chiều hướng tăng cao ở nước ta, Bộ Y tế đã có chiến lược là các bệnh viện hoạt động bình thường và bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh nền thuộc chuyên khoa nào thì sẽ được điều trị tại bệnh viện chuyên khoa đó. Người bệnh sẽ được theo dõi, dự phòng và điều trị về tình trạng sau mắc Covid-19 của bản thân dưới sự giúp đỡ của các bác sĩ đúng chuyên khoa.
'Đối với việc một vài bệnh viện thành lập phòng khám, chuyên khoa để thăm khám người bệnh sau mắc Covid-19, theo tôi là tốt, nhưng không cấp bách. Việc thành lập bệnh viện chuyên điều trị sau mắc Covid-19 cũng là không thực tế', ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh và khẳng định, thực tế các hội chứng sau mắc Covid-19 không hề đáng sợ nếu chúng ta hiểu rõ về nó.
Ai nên khám hậu Covid-19?
Hội chứng sau mắc Covid-19 có thể xảy ra với bất kỳ người nào đã mắc Covid-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ. Thậm chí trong thời gian mắc bệnh, họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, với những bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch, cần can thiệp y tế trong giai đoạn điều trị chính của bệnh; riêng những người có bệnh nền thì phải quan tâm điều trị toàn diện do thường có những biểu hiện bệnh lý trầm trọng hơn sau mắc Covid-19. Có 3 nhóm người nên đi khám sau khi mắc Covid-19: người có bệnh nền (tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa); người từ 60 tuổi trở lên; nhóm người phải nhập viện khi mắc Covid-19 bị suy hô hấp phải can thiệp thở oxy trở lên.