Chết oan...sau phẫu thuật thẩm mỹ?
Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, vào ngày 19/4, bà L. đến Bệnh viện thẩm mỹ (BVTM) Kangnam Sài Gòn ở địa chỉ số 666 CMT8, phường 5, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh để khám sức khỏe trước khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Đến 6 giờ ngày 20/4, bệnh nhân nhập viện để chuẩn bị mổ nâng ngực, và phương pháp được lựa chọn là cấy mỡ ngực.
Cùng ngày vào lúc 11 giờ, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở. Phía BVTM Kangnam Sài Gòn phải nhờ sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 11 giờ 15. Theo đó, bệnh nhân được đặt ECMO (hồi sinh tim phổi) ngay tại BVTM Kangnam Sài Gòn, đến 13 giờ thì chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị. Nhưng đến 16 giờ 20 phút ngày 20/4, bệnh nhân tử vong.
Hình ảnh bên trong BVTM Kangnam Sài Gòn (ghi nhận ngày 29/4) - Ảnh: Tiểu Thuý
Ngay sau vụ việc, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an phường 5, Công an quận Tân Bình lập tức tiến hành xác minh. Cụ thể, Thanh tra Sở Y tế cho biết, đơn vị này đã niêm phong hồ sơ bệnh án và yêu cầu BVTM Kangnam Sài Gòn tạm ngưng hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ cho đến khi có kết luận của cơ quan điều tra. Ngoài ra, Thanh tra Sở cũng đến Bệnh viện Chợ Rẫy để xin hỗ trợ hồ sơ bệnh án.
Sự cố tử vong sau cấy mỡ ngực tại BVTM Kangnam Sài Gòn, chẩn đoán ban đầu được đưa ra do sốc phản vệ. Trong khi kết luận cuối cùng vẫn đang chờ cơ quan chức năng xác định, thì theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, cấy mỡ ngực là dịch vụ nằm ngoài phạm vi hoạt động mà Bộ Y tế cấp phép cho BVTM Kangnam Sài Gòn, theo Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 287/BYT-GPHĐ.
Cụ thể, dựa theo thông tin đăng tải công khai trên cổng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, BVTV Kangnam Sài Gòn có hình thức hoạt động là bệnh viện chuyên khoa, giấy phép hoạt động số 287/BYT-GPHĐ được Bộ Y tế cấp ngày 12/3/2020.
Người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của BVTM Kangnam Sài Gòn là Bác sĩ Lê Văn Quý (SN 1986), số chứng chỉ hành nghề 030881/BYT-CCHN.
Tại danh sách phạm vi hoạt động đã đăng ký, phần chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, BVTM Kangnam Sài Gòn được Bộ Y tế phê duyệt các dịch vụ: tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; và tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai.
Đáng chú ý, trong phần danh sách phạm vi hoạt động đã đăng ký nói trên cũng nêu rõ, những dịch vụ mà BVTM Kangnam Sài Gòn không được thực hiện gồm: phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi, lấy mỡ cơ thể.
Nếu như phần phạm vi hoạt động đã đăng ký rất chi tiết, thì hiện nội dung danh mục kỹ thuật của BVTM Kangnam Sài Gòn vẫn còn khá sơ sài.
Thông tin đăng tải trên cổng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho thấy, Bộ Y tế quy định, BVTM Kangnam Sài Gòn không được cấp phép thực hiện phẫu thuật nâng ngực, lấy mỡ cơ thể (phần khung đỏ) - Ảnh: Tiểu Thuý
Như vậy, với nội dung phạm vi hoạt động được Sở Y tế công bố, Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn không được cấp phép thực hiện phẫu thuật nâng ngực, lấy mỡ cơ thể? Điều này đồng này, ca phẫu thuật cấy mỡ ngực khiến bà L. tử vong vào ngày 20/4 vừa qua là hành vi cố tình hoạt động vượt phép, gây hậu quả nghiêm trọng?
Liên quan đến nội dung này, ngày 28/4, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà L., người tự nhận là đại diện truyền thông của BVTM Kangnam Sài Gòn khẳng định, bệnh viện hoạt động theo đúng giấy phép được cấp. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu cung cấp các giấy tờ để chứng minh thì bà L. cho biết, Giấy phép hoạt động của bệnh viện hiện đã được niêm phong gửi lên Sở Y tế cùng các hồ sơ liên quan. Đồng thời, hẹn sẽ cung cấp đầy đủ khi cơ quan chức năng có kết luận cụ thể, rõ ràng về vụ việc tử vong của bà L.
Chuyên gia pháp luật nói gì?
Luật sư Lê Ngô Trung – Giám đốc Công ty luật TNHH Trung Lê và cộng sự cho biết, khoản 3 Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh đã quy định rất cụ thể về các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi 'cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu'. Do đó, trường hợp cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc cung cấp dịch vụ vượt quá phạm vi hoạt động đã đăng ký mà không thuộc trường hợp buộc phải cấp cứu theo luật, và dẫn đến hậu quả chết người thì cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở để khởi tố vụ án với hành vi của 'tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính' được quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự.
Đồng thời, luật sư này lưu ý thêm, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay, khi cơ quan chức năng thụ lý và xem xét, nếu xét thấy có cơ sở và dấu hiệu của tội danh này sẽ tiến hành khởi tố vụ án mà không phụ thuộc vào việc bị hại có đơn yêu cầu hay không.
BVTM Kangnam Sài Gòn không từ chối khách nâng ngực trong thời gian Thanh tra Sở Y tế yêu cầu tạm ngưng hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ…Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau!
Cấy mỡ ngực có thể gây tử vong!
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, một bác sĩ thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, cấy mỡ ngực là phương pháp nâng ngực thẩm mỹ bằng kỹ thuật lấy mỡ từ chính cơ thể bệnh nhân ở các vị trí như bụng, đùi... để cấy vào ngực.
Cấy mỡ ngực (hay còn gọi là nâng ngực bằng mỡ tự thân) là quá trình mỡ được đưa sâu vào ngực. Tuy nhiên, dễ gây xơ, u cục...tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường. (Ảnh minh hoạ).
'Thông thường phụ nữ mong muốn có ngực đẹp tự nhiên mà không đặt túi nâng ngực sẽ chọn phương pháp này. Tuy nhiên, cấy mỡ tự thân thường chỉ áp dụng ở vùng diện tích nhỏ như rãnh mắt, hố thái dương, nếp nhăn, má hóp…nơi cần lượng mỡ ít, mục đích là làm đầy vùng lõm, rãnh khuyết trên cơ thể' – bác sĩ này nói và nhấn mạnh, kỹ thuật cấy mỡ ngực đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến cáo không nên thực hiện, bởi phương pháp này rất dễ gây tắc mạch dẫn đến thuyên tắc phổi.
Theo đó, thao tác thực hiện sẽ bắt đầu bằng việc sác sĩ dùng ống tiêm chuyên dụng, hút một lượng chất béo vừa phải. Sau đó, dùng kỹ thuật quay ly tâm để tách bỏ huyết tương và máu, giữ lại mỡ thuần chất. Tiếp tục cấy mỡ vào bộ phận cần làm đầy. Sau khi gây tê vùng cần làm đầy, bác sĩ rạch một đường nhỏ, dùng kim cấy mỡ chuyên dụng để bơm mỡ vào đúng vị trí.
Tuy nhiên, với lượng mỡ lớn nguy cơ có thể tiêm vào mạch máu gây thuyên tắc. Biến chứng này diễn tiến rất nhanh, tạo ra cục mỡ di chuyển trong mạch gây tắc mạch sâu, di chuyển lên phổi gây tắc mạch phổi. Nghiêm trọng nhất, bệnh nhân có thể tử vong.
Cần lưu ý, cấy mỡ tự thân không được áp dụng với người có rối loạn đông máu nặng, đang dùng thuốc chống đông, có bệnh lý về máu. Ngoài ra, cần thận trọng với người bị bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch…