'Tôi nghĩ ông ấy sẽ đến. Tất nhiên, đây là quyết định của ông ấy. Vấn đề là an ninh. Nhưng tôi nghĩ, với tư cách là nhà lãnh đạo của Mỹ, ông ấy nên đến đây và xem', ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN.
Ông Zelensky cũng nói thêm rằng ông đã mời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Ukraine. 'Tôi đã mời ông ấy khi ông ấy có cơ hội', ông Zelensky nói.
Tuy nhiên, trước đó Nhà Trắng đã tuyên bố rằng ông Biden không có kế hoạch đến Ukraine.
Tổng thống Volodymyr Zelensky mới đây nói rằng, ông đang đợi Tổng thống Joe Biden ở Kiev. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine)
Khủng hoảng ở Ukraine đe dọa 1,7 tỷ người nghèo đói
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết trong một bài bình luận cho ấn phẩm trực tuyến Seznam Zprávy của Czech, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể khiến hơn 1/5 nhân loại, tức là có tới 1,7 tỷ người rơi vào cảnh đói nghèo.
'Tất cả chúng ta đều thấy thảm kịch đang diễn ra ở Ukraine. Nhưng ngoài biên giới của nó, chiến tranh đã bắt đầu một cuộc tấn công thầm lặng vào thế giới đang phát triển. Cuộc khủng hoảng có thể khiến 1,7 tỷ người, tức là hơn 1/5 nhân loại rơi vào cảnh nghèo đói và trên một quy mô chưa từng thấy trước đây', ông Guterres nói.
'Ukraine và Nga chiếm 30% sản lượng lúa mì và lúa mạch trên thế giới, 1/5 lượng ngô và hơn một nửa lượng dầu hướng dương. Ngũ cốc từ hai quốc gia này nuôi sống những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Chúng chiếm hơn một phần ba lượng lúa mì nhập khẩu tới 45 quốc gia kém phát triển nhất', Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết.
Ông Guterres nói thêm, nhưng chiến tranh, đang ngăn cản nông dân thu hoạch, khiến các cảng phải đóng cửa, chặn xuất khẩu ngũ cốc, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến giá cả tăng vọt.
'Nhiều nước đang phát triển chỉ đang phục hồi sau ảnh hưởng của Covid-19, vốn trầm trọng hơn do gánh nặng nợ quá khứ và lạm phát tăng cao. Kể từ đầu năm 2022, giá lúa mì và ngô đã tăng 30%. Trong năm qua, giá dầu đã tăng hơn 60%, giá khí đốt và phân bón tăng hơn gấp đôi', ông Guterres nhấn mạnh.
'Để khắc phục tình trạng lương thực, Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì thị trường mở, tránh tích trữ, hạn chế xuất khẩu phi lý và quá mức, đồng thời cung cấp dự trữ cho các quốc gia có nguy cơ đói kém nhất', ông Guterres nói thêm.
Nga đã phá hủy hơn 470 máy bay không người lái của Ukraine
Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, cho biết quân đội Nga đã phá hủy hơn 470 máy bay không người lái của Ukraine trong một chiến dịch quân sự đặc biệt.
'Tổng cộng, kể từ khi bắt đầu hoạt động quân sự đặc biệt, 136 máy bay, 471 máy bay không người lái, 249 hệ thống tên lửa phòng không, 2.308 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 254 bệ phóng tên lửa, 998 khẩu pháo dã chiến và súng cối, cũng như 2.171 xe quân sự đặc biệt', ông Konashenkov nói.
Nga phá hủy thêm 44 cơ sở quân sự ở Ukraine
Đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho hay, máy bay Nga đã phá hủy 44 cơ sở quân sự khác của Ukraine.
Theo ông Konashenkov, các lực lượng tên lửa và pháo binh của Nga đã tấn công 4 sở chỉ huy, 4 khẩu đội pháo, 2 kho nhiên liệu và dầu nhờn cũng như hơn 100 mục tiêu khác của Ukraine .
'Lực lượng tên lửa và pháo binh đã đánh trúng 113 mục tiêu, trong đó có 4 sở chỉ huy, 4 khẩu đội pháo, 2 kho chứa nhiên liệu và dầu nhờn, cùng 103 cứ điểm và khu vực tập trung nhân lực của đối phương', ông Konashenkov nói.
Moldova từ chối bán máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine
Tờ European Pravda của Ukraine cho biết, Kiev đã yêu cầu Moldova bán hoặc chuyển nhượng máy bay chiến đấu MiG-29, nhưng bị từ chối vì không muốn 'chọc tức Nga'.
Ấn phẩm này trích dẫn các nguồn tin cho hay, Kiev đã đưa ra yêu cầu như vậy trong những ngày đầu của hoạt động quân sự đặc biệt của Nga, nhưng đã nhận được 'sự từ chối dứt khoát' từ giới lãnh đạo Moldova, trong đó giải thích rằng họ không muốn 'chọc tức Nga'.
'Moldova cho rằng Nga sẽ coi đây là hành vi vi phạm nguyên tắc trung lập', European Pravda viết.
Ukraine yêu cầu IMF và G7 hỗ trợ 50 tỉ USD
Ông Oleg Ustenko, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay, Ukraine đang yêu cầu hỗ trợ tài chính 50 tỉ USD từ các nước thành viên Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ông Ustenko nói thêm rằng, một khoản vay không lãi suất và áp dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cho IMF cũng đang được xem xét để gây quỹ, khi số tiền nhận được sẽ không cần phải trả lại.