Theo tờ Izvestia (Nga), các cấp cao nhất vẫn chưa sẵn sàng thảo luận hiệp ước hòa bình giữa Nga và Ukraine và thảo luận hiện tiếp tục ở cấp chuyên viên dưới hình thức trực tuyến vào ngày 4/4. Cả hai bên đều ghi nhận tiến triển trong mọi vấn đề nhưng vẫn có ý kiến khác nhau về việc ai sẽ là bên chi phối cuộc đàm phán.
Phía Ukraine cho rằng các cuộc đàm phán đã sẵn sàng tổ chức ở cấp tổng thống, trong khi Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky khẳng định rằng còn quá sớm để nói về cuộc gặp cấp cao này trước khi hoàn thành thỏa thuận.
Một trong những 'nút thắt' chính hiện nay là việc công nhận tình trạng của bán đảo Crimea và Donbass. Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông báo rằng khó có thể tổ chức trưng cầu dân ý về việc Donbass sáp nhập vào Nga trước cuối năm nay. Ưu tiên là kết thúc chiến dịch quân sự và khôi phục kinh tế của khu vực.
Mặc dù vậy, vẫn có khả năng tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Ukraine. Để tổ chức cuộc gặp này, Giám đốc Chương trình của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) Ivan Timofeev nhận định rằng tất cả các nội dung của thỏa thuận cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó. 'Một cuộc gặp không có kết quả gì là điều không thể chấp nhận được đối với nhà lãnh đạo Nga. Do đó, cuộc hội đàm như vậy trên thực tế vẫn chưa xảy ra', ông nói.
Theo vị chuyên gia này, các cuộc đàm phán phần lớn phụ thuộc vào tình hình cuộc xung đột và lập trường của Kiev cũng như Moscow có thể trở nên cứng rắn tùy thuộc vào kết quả của hoạt động quân sự trên thực địa. 'Việc các lực lượng Nga bị chặn lại có thể được coi là lợi thế của Kiev. Hiện tại, Nga cũng có thể đẩy mạnh kiểm soát hoàn toàn khu vực Donbass. Trong trường hợp thành công, Moscow sẽ chiếm ưu thế trên bàn đàm phán. Đây là lý do tại sao cho đến nay hai bên rất khó đạt được thỏa hiệp', ông lưu ý. Theo đánh giá của ông Ivan Timofeev, quan điểm của Nga và Ukraine có khả năng xích lại gần nhau hơn về vị thế trung lập và đảm bảo an ninh của U
Cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Volodymyr Zelensky (trái) tại Paris, Pháp năm 2019. Ảnh: TASS.
kraine. Tuy nhiên, các thỏa hiệp về vấn đề Donbass và Crimea vẫn là một vấn đề 'hóc búa'. Về phần mình, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện về châu Âu và Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế Nga, ông Dmitry Suslov nhận xét, phương Tây không thống nhất về mối liên hệ giữa các lệnh trừng phạt và tiến trình các cuộc đàm phán.
Ông Dmitry Suslov nhấn mạnh, các nước như Hà Lan, Anh, Ba Lan và Mỹ cho rằng việc ngừng các hoạt động quân sự và ký kết thỏa thuận hòa bình là không đủ để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Theo quan điểm của họ, các lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục làm suy yếu vị thế quốc tế của Nga. Ngược lại, các cường quốc châu Âu như Pháp, Đức và Italy không đồng ý với quan điểm trên và ủng hộ việc dỡ bỏ hoàn toàn hoặc một phần các lệnh trừng phạt sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga kết thúc.
Về phía Ukraine, trong tuyên bố ngày 5/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khẳng định Kiev và Moscow sẽ không thể thống nhất tất cả các quan điểm ngay một lúc, nhưng cần tháo gỡ những điểm bất đồng. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng khẳng định việc tiến hành các cuộc đàm phán với Nga là lựa chọn duy nhất đối với đất nước ông mặc dù triển vọng tiến hành các cuộc đàm phán giờ là một 'thách thức'.
Theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, có khả năng ông và người đồng cấp Vladimir Putin sẽ không có cuộc gặp riêng. Trong khi đó, theo hãng tin Interfax, Nga và Ukaine sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán theo hình thức trực tuyến. Trước đó, ngày 4/4, Tổng thống Volodymy Zelensky đã ký sắc lệnh thành lập phái đoàn đàm phán với Nga về đảm bảo an ninh.
Văn kiện được đăng tải trên trang web của Tổng thống Ukraine viết: 'Thành lập phái đoàn của Ukraine để tham gia các cuộc đàm phán với LB Nga về việc chuẩn bị và thông qua dự thảo hiệp ước về đảm bảo an ninh cho Ukraine'. Sắc lệnh cho biết Tổng thống Ukraine đã chỉ định ông David Arakhamia làm trưởng đoàn.
Liên quan tới tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 4/4, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hy vọng Ukraine và Nga sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán cho đến khi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời bày tỏ mong muốn của Bắc Kinh là hòa bình ở Ukraine.
Trong cuộc điện đàm, ông Vương Nghị nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc là thúc đẩy đối thoại và đàm phán hòa bình trong vấn đề Ukraine. Ông cũng đánh giá cao các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, theo đó cho rằng dù đàm phán có khó khăn và có nhiều điểm khác biệt thì hai bên vẫn nên tiếp tục đàm phán cho đến khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn và cuối cùng đạt được hòa bình.
Ông Vương Nghị thể hiện tin tưởng rằng Ukraine có thể đưa ra lựa chọn có tính đến lợi ích cơ bản của người dân nước này. Ông Vương Nghị cũng bày tỏ hy vọng Ukraine sẽ tiếp tục có những bước đi hiệu quả và tích cực để sơ tán cũng như bảo đảm an toàn cho công dân Trung Quốc ở Ukraine mà quốc gia Đông Âu này đã và đang làm.
Về phần mình, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cũng đã nhất trí quan điểm với ông Vương Nghị, đồng thời thông báo cho người đồng cấp Trung Quốc về tình hình Ukraine-Nga. Ông cho biết Ukraine muốn duy trì liên lạc với Trung Quốc và hy vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Ông Dmytro Kuleba cũng đánh giá cao sự hỗ trợ nhân đạo của Trung Quốc. Ông cho biết thêm Ukraine đang nỗ lực đàm phán với Nga để tìm ra một giải pháp cuối cùng và quốc gia này sẵn sàng trở thành 'cánh cổng' của châu Âu.
Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã ra tuyên bố chung bày tỏ ủng hộ các cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kiev. Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Thái Lan tại tỉnh An Huy (Trung Quốc) ngày 2/4 vừa qua để thảo luận các vấn đề liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine.
Tại cuộc gặp, hai bên chung quan điểm ủng hộ Nga và Ukraine tiếp tục hòa đàm cho đến khi đạt được một thỏa thuận hòa bình, đồng thời nhất trí cùng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn và hỗ trợ nhân đạo kịp thời.
Cũng liên quan tới vấn đề hỗ trợ nhân đạo tại Ukraine, ngày 5/4, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, chính phủ nước này đã quyết định hỗ trợ nhân đạo bổ sung 100 triệu USD cho Ukraine và các nước láng giềng thông qua các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.
Khoản tiền hỗ trợ lần này chủ yếu sẽ được chi cho việc đảm bảo y tế, chăm sóc sức khỏe, lương thực thực phẩm. Ngoài ra một phần sẽ dùng để hỗ trợ Ukraine khôi phục sản xuất nông nghiệp, xử lý bom mìn và cải tạo đất. Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng cho biết, chính phủ đang xem xét cử đoàn công tác để khảo sát khả năng hỗ trợ nhân lực cho Moldova trong việc tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine.
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Brussels, Vương quốc Bỉ ngày 24/3 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thông báo hỗ trợ thêm 100 triệu USD (ngoài 100 triệu USD đã công bố trước đó) cho Ukraine và các nước láng giềng vì mục đích nhân đạo.