3 người tử vong do sét đánh
Ông ĐBT (50 tuổi, ở Vũ Thư, Thái Bình) điều khiển xe máy đi một mình, còn anh NCĐ (ở Đông Hưng, Thái Bình), điều khiển xe máy chở mẹ là bà NTQ (36 tuổi) lưu thông trên đường, khi tới đoạn đường giáp ranh giữa xã Thụy Thanh và xã Thụy Duyên thì bất ngờ bị sét đánh trúng, sự việc khiến cả ba người tử vong tại chỗ.
Cả ba người đều làm nghề thợ sơn. Người chồng của bà Q. đi sau cách vài chục mét thoát nạn.
Sét thường xảy ra trong các đám mây, tuy nhiên hiện tượng cực đoan này cũng 'thích' phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và mặt đất, hoặc những đám mây mang điện tích trái dấu.
Tia sét có thể di chuyển với vận tốc 36.000 km/h và ảnh hưởng trong vòng 8 km. Vì thế, thiệt hại mà sét gây ra rất lớn, làm chết người hoặc bị thương, phá hỏng công trình nhà cửa, cầu cống, cháy rừng...
Sét có xu hướng tấn công những vật cao hoặc bị cô lập, bao gồm cây cối, tháp, mái che, cột cờ, các ô cửa và hàng rào. Một người có thể là vật thể cao nhất trong khoảng trống. Vật kim loại và nước không thu hút sét nhưng dễ dàng truyền điện một khi sét đánh trúng.
Sét đánh có thể trực tiếp trúng người hoặc dòng điện có thể truyền đến người qua mặt đất hoặc vật gần đó. Sấm sét đã được quan sát thấy để tấn công cách xa cơn bão từ 10 dặm trở lên, ngay cả ở những khu vực có bầu trời rõ, tạo ra nguy cơ bất ngờ.
Sét cũng có thể đi từ điện ngoài trời hoặc đường dây điện đến thiết bị điện trong nhà hoặc đường dây điện thoại. Sét đánh có thể ném người lên đến vài mét.
Theo bác sĩ Nguyễn Thống – nguyên trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, sét đánh giống như bỏng do điện giật. Nạn nhân bị sét đánh thường bỏng nặng. Sét đánh nguy hiểm hơn điện giật nhiều vì nó được xem là dòng điện siêu cao thế. Vì vậy, đa số nạn nhân sét đánh đều tử vong.
Ngoài ra, sét đánh người dân thường trong hoàn cảnh ở giữa nơi vắng vẻ, dưới gốc cây, bên cột điện không phải là ở trong cộng đồng nơi đông người. Vì vậy, đa số nạn nhân sét đánh đều ít được sơ cứu.
Bỏng do sét đánh điều trị giống như bỏng điện, nhiều bệnh nhân phải cắt bỏ da, ghép da. Sơ cứu nạn nhân sét đánh đầu tiên phải xác định cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người bệnh.
Hình ảnh sét đánh ngày 12/5 tại Thái Thuỵ, Thái Bình.
Việt Nam là một đất nước nhiệt đới, nên mưa giông kèm theo sấm sét xảy ra khá nhiều. Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 100 ngày có giông kèm theo sấm sét. Số giờ giông hàng năm lên tới con số 250 với hơn 2 triệu cú sét. Mỗi năm trên thế giới có khoảng trên 2.000 người chết do sét đánh.
Sơ cứu như thế nào?
Theo BS Huỳnh Bá Tản, Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM sét đánh là một tình huống đa chấn thương, bởi ngoài yếu tố nạn nhân có thể bị ngưng tim còn nguy cơ có kèm nhiều tổn thương khác như bỏng, chấn thương tủy sống cổ, yếu liệt thần kinh, tổn thương phổi, gãy xương, trật khớp, xuất huyết nội, ...
Đa chấn thương là tình huống bệnh nhân có từ 2 tổn thương nặng trở lên ở các vùng cơ thể hoặc hệ thống cơ quan khác nhau, trong đó có ít nhất 1 tổn thương đe dọa nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Các tổn thương này thường rất phức tạp, mất nhiều máu, bệnh nhân có nguy cơ rối loạn tri giác và suy hô hấp tuần hoàn
Khi gặp trường hợp có người bị sét đánh đầu tiên gọi cấp cứu 115. Nếu nạn nhân vẫn còn tỉnh, chỉ cần ủ ấm, cho uống ít rượu (khoảng 20ml) và nước trà đường nóng. Sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Đối với nạn nhân hôn mê, người cấp cứu cần kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không. Nếu ngừng thở ngay lập tức tiến hành hồi sức tim phổi bằng cách thức sau:
- Đặt nạn nhân nằm ngửa.
- Tiến hành hồi sức hô hấp miệng - miệng: Lấy tay bịt mũi nạn nhân lại, hít một hơi thật sâu sau đó ngậm kín miệng nạn nhân, thổi một hơi dài rồi buông ra để nạn nhân thở bình thường. Tiếp tục làm như vậy khoảng 2 lần.
- Ép tim ngoài lồng ngực và ép liên tục khoảng 30 lần với tần số khoảng 100 lần/ phút
- Luân phiên thổi ngạt ép tim với tỷ lệ 2 lần thổi ngạt, 30 lần ép tim đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ.
- Sau khi cấp cứu, sơ cứu nạn nhân, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý, vận chuyển bệnh nhân đa chấn thương an toàn sau khi đã đảm bảo đường thở, cố định vững chắc cột sống cổ và các ổ gãy xương, có tối thiểu 2 đường truyền và gắn monitor theo dõi sinh hiệu ổn định trong tầm kiểm soát. Kiểm tra mỗi 5 phút trong suốt quá trình vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Để phòng sét đánh, bác sĩ Thống cho biết thêm tốt nhất hạn chế ra đường khi thời tiết có mưa dông kèm theo sấm sét. Người đang làm việc ngoài trời nên tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh đứng dưới gốc cây, cột điện và cột thu phát sóng điện thoại.
Nếu không kịp đến nơi an toàn, thì nên núp nơi thấp nhất, thu mình và chụm hai chân lại, phải tìm nơi an toàn, khô ráo, tốt nhất là tòa nhà lớn (nếu có). Tuyệt đối không sử dụng điện thoại trong khi đi ngoài trời có sấm sét.
Nếu ở nhà, trời mưa nên rút cầu dao điện, rút hết ổ cắm điện để tránh điện thế cao làm hư hỏng vật dụng, cháy nhà..