Gần đây, một chiêu trò lừa đảo tinh vi đã xuất hiện trên không gian mạng khiến người dân rơi vào bẫy mất cắp thông tin và tài sản. Các đối tượng mạo danh cán bộ Công an, tự xưng đến từ các đơn vị chức năng, liên hệ trực tiếp với nạn nhân qua điện thoại để hướng dẫn 'tích hợp điểm giấy phép lái xe' (GPLX). Đây là chiêu thức lợi dụng lòng tin của người dân nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.
Tinh vi quy trình 'tích hợp điểm' giả mạo
Theo Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thủ đoạn lừa đảo bắt đầu bằng cuộc gọi điện trực tiếp đến số điện thoại cá nhân của người dân. Các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, thông báo thông tin liên quan đến Luật Giao thông đường bộ mới có hiệu lực từ đầu năm 2025, theo đó mỗi GPLX được cấp 12 điểm. Người dân được hướng dẫn 'tích hợp' điểm qua việc cập nhật thông tin trên một ứng dụng dịch vụ công.
![]()
Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới về tích hợp điểm giấy phép lái xe. (Ảnh: Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT )
Mới đây, chị L.T.L, ở xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa được một phụ nữ gọi điện thoại tự xưng là cán bộ công an và tư vấn Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, áp dụng mỗi công dân tham gia giao thông được cấp 12 điểm, sẽ có cán bộ của phòng Kỹ thuật gọi điện để hướng dẫn cài đặt, tích hợp 12 điểm vào dịch vụ công.
Sau khi phụ nữ này tắt máy, khoảng 15 phút sau có số điện thoại 0818050180 gọi đến chị L giới thiệu cài đặt dịch vụ công để thực hiện luật giao thông mới. Mặc dù chị L cảnh giác nói bản thân đã cài đặt dịch vụ công và nghi ngờ lừa đảo, nhưng đối tượng trấn an chị L nếu lừa đảo, đối tượng sẽ yêu cầu chị L cung cấp thông tin nhưng đối tượng chỉ hướng dẫn chị L cài đặt dịch vụ và yêu cầu chị L kết bạn qua Zalo để được hướng dẫn cài đặt dịch vụ.
Tin lời đối tượng, chị L đã cài đặt dịch vụ, các đối tượng đã yêu cầu chị L nhập các thông tin giấy tờ cá nhân, chụp hình thẻ ngân hàng mặt trước, mặt sau. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, tài khoản của chị L đã bị trừ mất số tiền 7.910.000 đồng.
Phòng CSGT Hà Nội khẳng định, điểm GPLX sẽ được tự động cập nhật khi công dân sử dụng dịch vụ công mức độ 2, không có bất kỳ yêu cầu nào về việc cài đặt ứng dụng hoặc cung cấp thông tin qua điện thoại.
Theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm. Khi người điều khiển phương tiện vi phạm, số điểm sẽ bị trừ tương ứng với mức độ vi phạm.
Nếu trong vòng 12 tháng kể từ lần vi phạm gần nhất mà người điều khiển phương tiện không bị trừ thêm điểm, hệ thống sẽ tự động phục hồi về 12 điểm.
Tuy nhiên, nếu bị trừ hết điểm, GPLX sẽ bị tạm giữ và người vi phạm phải thi lại lý thuyết sau 6 tháng để được cấp lại toàn bộ 12 điểm.
Việc trừ điểm là biện pháp quản lý, không đồng nghĩa với việc tước GPLX, nhưng trong một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng, giấy phép có thể bị thu hồi hoặc tạm giữ theo quy định.
![]()
Phòng CSGT Hà Nội khẳng định, điểm GPLX sẽ được tự động cập nhật khi công dân sử dụng dịch vụ công mức độ 2. (Ảnh: Đời sống và pháp luật)
Phòng CSGT Hà Nội khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai qua điện thoại hoặc mạng xã hội, không chuyển tiền theo yêu cầu, không tải về ứng dụng lạ hoặc truy cập các đường dẫn không rõ nguồn gốc. Khi nhận được cuộc gọi nghi vấn, hãy liên hệ cơ quan công an nơi gần nhất để xác minh và phản ánh.
Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, mạng xã hội.
Thêm nữa, điểm giấy phép lái xe sẽ được tự động tích hợp khi cài đặt dịch vụ công mức độ 2. Cơ quan công an không yêu cầu người dân phải cài đặt bất kỳ dịch vụ nào để được tích hợp điểm.
Người dân nên lưu ý khi tiếp nhận cuộc gọi lạ tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, cần kiểm tra và xác minh danh tính đối tượng. Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu, không tải về ứng dụng lạ hoặc các trang web không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong thời gian gần đây, công an ra nhiều thông tin cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mạo danh cán bộ công an để hướng dẫn tích hợp điểm giấy phép lái xe, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, các đối tượng gọi điện trực tiếp đến số điện thoại cá nhân, tự xưng cán bộ công an để tạo niềm tin, sau đó yêu cầu người dân đến trụ sở công an gần nhất để bổ sung, cập nhật dữ liệu giấy phép lái xe. Khi người dân cho biết không có thời gian, các đối tượng sẽ tiếp tục dụ dỗ làm việc qua điện thoại, yêu cầu tải ứng dụng, truy cập trang web giả mạo để đánh cắp thông tin. Sau khi thực hiện xong, đối tượng sẽ chặn liên lạc, sử dụng thông tin nạn nhân cung cấp để chiếm đoạt tài sản.
![]()
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP, tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao. Tội phạm công nghệ cao hiện nay được xếp vào nhóm các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ Điều 285 đến Điều 294 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt tù cao nhất là 20 năm.
Bên cạnh đó, Nghị định 25/2014/NĐ-CP cũng định nghĩa vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao là hành vi vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn có thể bi áp dụng phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Để tránh khỏi thủ đoạn của các đối tượng trên, người dân cần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai qua điện thoại hoặc mạng xã hội; không chuyển tiền theo yêu cầu; không tải về ứng dụng lạ hoặc truy cập các trang web không rõ nguồn gốc. Khi nhận được cuộc gọi nghi vấn, hãy liên hệ cơ quan công an nơi gần nhất để xác minh và phản ánh.
Trong thời đại công nghệ phát triển, các thủ đoạn lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi và khó nhận biết. Việc nâng cao cảnh giác và kiểm chứng thông tin là điều cần thiết để người dân tự bảo vệ mình khỏi những chiêu trò gian lận. Hãy nhớ rằng, điểm GPLX được tích hợp tự động qua dịch vụ công mức độ 2 – không có yêu cầu cài đặt thêm ứng dụng hay cung cấp thông tin qua điện thoại từ bất kỳ cơ quan nào. Chủ động kiểm tra và bảo vệ thông tin cá nhân sẽ giúp ngăn chặn những rủi ro không đáng có.
Mời quý độc giả xem video: Gia tăng đột biến người xin cấp đổi Giấy phép lái xe sau Nghị định 100 có hiệu lực. Nguồn: TTV.