Cảnh sát Indonesia đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng lớn từ dư luận nước này sau khi 125 người chết trong vụ hỗn loạn tại Sân vận động Kanjuruhan, trong quá trình các sĩ quan cảnh sát bắn hơi cay để giải tán đám đông quá khích tràn xuống sân bóng.
Thảm kịch thương tâm xảy ra vào tối ngày 1/10 tại thành phố Malang khiến 125 người chết và 323 người khác bị thương, theo cảnh sát Indonesia. Đây là một trong những thảm kịch khủng khiếp nhất từng xảy ra trên sân vận động thể thao trên khắp thế giới.
Khung cảnh hỗn loạn tại sân vận động ở Indonesia. (Ảnh: Reuters)
Vụ việc xảy ra sau khi trận thi đấu giữa đội Arema và Persebaya Surabaya kết thúc với tỷ số 2 – 3. Cổ động viên của đội Arema đã tràn xuống sân để phản đối và có hành động phá phách. Cảnh sát nhận định đây là một vụ bạo loạn, và lực lượng chức nằng đã phải phun hơi cay để trấn áp các cổ động viên quá khích sau khi 2 sĩ quan cảnh sát bị tấn công dẫn tới tử vong. Cũng theo cảnh sát, nhiều nạn nhân tử vong là do bị giẫm đạp hoặc bị ngạt khói.
Hôm 2/10, huấn luyện viên trưởng đội Arema là ông Javier Roca nhấn mạnh nhiều cổ động viên 'đã chết trên tay các cầu thủ', sau khi một số thành viên trong đội bóng còn nán lại trên sân bóng sau khi trận đấu kết thúc.
'Tôi cho rằng cảnh sát đã hành xử quá giới hạn', huấn luyện viên người Chile nói với kênh Cadena Ser của Tây Ban Nha.
Những khán giả sống sót sau khi tới sân xem trận thi đấu và chứng kiến vụ hỗn loạn mô tả khán đài nhanh chóng biến thành đám đông hoảng loạn khi hơi cay liên tục được phun ra.
'Các sĩ quan cảnh sát đã bắn hơi cay và tự động người dân phải tìm cách chạy trốn, dẫn tới xô đẩy và khiến nhiều người tử vong', Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một khán giả tới sân vận động có tên Doni (43 tuổi).
'Không có gì xảy ra cả, không có bạo loạn. Tôi không biết vấn đề là gì mà khiến họ bất ngờ phun hơi cay. Chuyện này khiến tôi bị sốc. Họ không nghĩ cho trẻ nhỏ và phụ nữ hay sao?', ông Doni nói thêm.
'Chuyện này quá khủng khiếp, đây là một cú sốc. Mọi người xô đẩy nhau để bỏ chạy. Nhiều người bị giẫm đạp khi đang chạy về phía lối thoát. Mắt tôi cay xè vì hơi cay. Tôi đã may mắn trèo lên được hàng rào và sống sót', anh Sam Gilang (22 tuổi), người mất 3 người bạn trong vụ hỗn loạn tại sân bóng đá chia sẻ.
Trả lời kênh Metro TV vào tối ngày 2/10, Phó thống đốc tỉnh Đông Java là ông Emil Dardak cho biết số người thiệt mạng trong vụ hỗn loạn tại sân bóng là 125 thay vì con số ban đầu 174, bởi nhiều trường hợp tử vong đã bị tính 2 lần.
'Tên của một số nạn nhân đã bị tính 2 lần, bởi họ được chuyển tới một bệnh viện khác và thêm một lần tính là tử vong', ông Dardak dẫn thông tin được cảnh sát địa phương thu thập tại 10 bệnh viện.
Giám đốc một bệnh viện nói với truyền thông địa phương rằng trong số các nạn nhân qua đời có một trẻ mới 5 tuổi.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn tới thảm kịch, cũng như đánh giá lại mức độ an toàn của các trận bóng, đồng thời chỉ đạo dừng tất cả các trận thi đấu cho tới khi quá trình 'nâng cấp an ninh' hoàn thành.
Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều khán giả tràn xuống sân chửi bới trong lúc đối đầu với lực lượng an ninh đang cầm theo lá chắn và gậy chống bạo động. Các đoạn video còn ghi lại một lượng lớn hơi cay được phun lên trên khán đài giữa lúc khán giả cố gắng tháo chạy, và nhiều người đã trèo lên cả hàng rào để tìm đường thoát thân.
Sân vận động Kanjuruhan có sức chứa 42.000 người, và toàn bộ vé xem trận đấu giữa Arema và Persebaya Surabaya đã được bán hết sạch. Cảnh sát cho biết 3.000 người đã tràn xuống sân sau khi trận đấu kết thúc.
Tình trạng bạo lực của các cổ động viên là vấn đề nan giải ở Indonesia, nơi từng ghi nhận không ít vụ đối đầu giữa cổ động viên hai đội dẫn tới thương vong nghiêm trọng.
Thế giới cũng từng chứng kiến không ít thảm kịch trên sân vận động khiến nhiều người thương vong. Như tại Sân vận động Hillsborough của Anh vào năm 1989, 97 cổ động viên Liverpool đã thiệt mạng, hay tại Sân vận động Port Said ở Ai Cập vào năm 2012 có 74 người mất mạng. Còn vào năm 1964, 320 người đã tử vong và hơn 1.000 bị thương trong vụ giẫm đạp tại Sân vận động quốc gia ở Lima, Peru.