Italy vẫn là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19, đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. (Nguồn: AFP)
Châu Âu
*Cơ quan bảo vệ dân sự Italy ngày 14/3 cho biết, tổng số ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ở nước này đã lên đến 1.441 người so với 1.226 ca trong ngày 13/3.
Tổng số ca nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) Italy trong ngày 14/3 thêm 3.497, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này lên 21.157 trường hợp so với 17.660 ca trước đó 1 ngày. Italy vẫn là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19 và đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Cơ quan trên cũng cho biết, 1.966 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh Covid-19, tăng 527 ca so với trước đó 1 ngày.
Vùng tâm dịch Lombardia cùng ngày ghi nhận 1.865 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm của vùng này lên 11.685 trường hợp. Tổng số ca tử vong của vùng là 966, tăng 76 ca so với hôm 13/3.
Trong một diễn biến khác, đêm 13/3, một nhân viên kỹ thuật làm việc tại đường dây nóng cấp cứu 118 của Italy đã tử vong vì mắc Covid-19. Nhân viên này 47 tuổi, làm việc tại bộ phận cấp cứu của bệnh viện Giáo hoàng Giovanni XXIII, ở thành phố Bergamo.
*Ngày 14/3, Tống thống Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có biện pháp cấm mọi người rời khỏi nhà trừ khi để đi làm hoặc mua nhu yếu phẩm. Cũng theo ông Sanchez, quân đội đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng để hỗ trợ chống dịch bệnh.
Cùng ngày, truyền thông Anh thông báo, tất cả người già trên 70 tuổi tại nước này sẽ phải bị cách ly tại nhà trong vòng 4 tháng, một phần trong nỗ lực ứng phó COVID-19. Ngoài ra, các khách sạn, các bệnh viện tư cũng như các tòa nhà khác có thể được trưng dụng khi cần để sử dụng khi cần.
*Từ tối 14/3, Pháp chuyển sang giai đoạn 3 của dịch Covid-19, tương ứng với sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 trên toàn lãnh thổ.
Trong cuộc họp báo tối cùng ngày, Thủ tướng Edouard Philippe đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ để đối phó với dịch bệnh.
Tất cả các địa điểm công cộng 'không thiết yếu cho cuộc sống' đóng cửa ngay từ nửa đêm 14/3 như nhà hàng, quán bar, vũ trường và rạp chiếu phim. Các cửa hàng buôn bán cũng bị ảnh hưởng, ngoại trừ cửa hàng thực phẩm, nhà thuốc, ngân hàng, tiệm thuốc lá và trạm xăng.
Thủ tướng nhấn mạnh điều bắt buộc là 'phải hạn chế đi lại, họp hành và tiếp xúc'. Ông kêu gọi các doanh nghiệp và chính quyền địa phương thực hiện triệt để biện pháp làm việc từ xa, để cho phép mọi người ở nhà nhiều nhất có thể.
Tuy vậy, vòng đầu tiên của cuộc bầu cử địa phương vẫn diễn ra vào ngày 15/3 theo kế hoạch, với điều kiện là nghiêm túc tôn trọng các hướng dẫn về khoảng cách, cũng như ưu tiên người cao tuổi và người yếu.
Đến tối 14/3, Pháp xác nhận 830 trường hợp nhiễm virus mới đã được phát hiện trong vòng 24h qua, nâng tổng số bệnh nhân lên 4.500 kể từ khi bắt đầu dịch. Trong số đó có 91 ca tử vong.
Châu Mỹ
*Chính quyền bang Ontario của Canada ngày 14/3 đã xác nhận thêm 22 ca nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2), nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại bang này lên thành101 người.
Đây là ngày có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất tại bang này kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh. Nhiều người trong số các ca nhiễm mới là các bệnh nhân có lịch sử đi lại quốc tế. Trước đó, hôm 13/3, bang này đã nghi nhận 19 ca mới mắc Covid-19.
Hôm 13/3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã kêu gọi người dân nước này tránh các chuyến đi quốc tế do lo ngại về dịch bệnh. Đến nay, đã có hơn 200 ca mắc Covid-19 trên toàn Canada.
*Bộ Y tế Chile ngày 14/3 cho biết, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 ở nước này đã lên tới 61 người, tăng thêm 18 trường hợp so với 1 ngày trước đó.
Theo thông báo chính thức, 8 vùng của Chile đã có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó vùng Antofagasta ở phía Bắc đã ghi nhận những ca đầu tiên. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Chile hiện đang phải đối mặt với giai đoạn ngăn chặn thứ 3 và có thể sớm phải bước vào giai đoạn 4 khó khăn nhất để xử lý đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, Tổng thống Sebastián Piñera đã quyết định tạm dừng tất cả các hoạt động có sự tham gia của từ trên 500 người, cũng như tiến hành cách ly bắt buộc trong thời gian 14 ngày đối với tất cả những người đến từ các nước được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách có 'nguy cơ cao'.
Ngoài ra, chính phủ Chile cũng xem xét dừng các khóa học có 1 học sinh dương tính với SARS-CoV-2 và đóng cửa toàn bộ đối với cơ sở giáo dục có từ 2 trường hợp mắc bệnh trong thời gian 14 ngày. Trong khi đó, người lao động có tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nhiễm bệnh sẽ được quyền nghỉ phép và công chức trên 75 tuổi có thể làm việc tại nhà.
Chính phủ cũng dành một quỹ trị giá 220 tỷ Pesos (khoảng 236 triệu USD) để tài trợ việc mua sắm trang thiết bị y tế cần thiết.
*Ngày 14/3, Bộ Y tế Ecuador thông báo trường hợp tử vong thứ 2 tại nước này do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Catalina Andramuño trong một cuộc họp báo, trường hợp tử vong là chị của bệnh nhân đầu tiên được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tại quốc gia Nam Mỹ này. Người phụ nữ này được cách ly tại gia và sau đó được chuyển tới bệnh viện khi tình trạng sức khỏe có những diễn biến xấu nhưng đã không qua khỏi.
Cùng ngày, giới chức y tế Ecuador cũng xác nhận thêm 5 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 28 người. Tất cả các trường hợp nhiễm mới này đều nhập cảnh vào Ecuador từ Italy, trong đó có một công dân Thụy Điển và một người Hà Lan.
Chính phủ Ecuador cũng đã công bố tình trạng khẩn cấp y tế hôm 11/3, đồng thời đưa ra biện pháp cách ly bắt buộc đối với một loạt các quốc gia nằm trong danh sách 'nguy cơ cao' ở châu Á, châu Âu và Mỹ.
Châu Phi
*Ngày 14/3, truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn thông báo của Thủ tướng nước này Mostafa Madbouly cho hay, tổng số ca nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19 ở Ai Cập hiện đã lên tới 109 trường hợp. Ngoài ra, theo người đứng đầu chính phủ Ai Cập, trong số này cũng có nhiều bệnh nhân đã hoàn toàn khỏi bệnh.
Báo điện tử Ahram dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Ai Cập Tarek Shawky cho biết có 7 học sinh, trong tổng số 109 trường hợp trên, đã nhiễm SARS-CoV-2.
Ngoài ra, Thủ tướng Madbouly cũng khẳng định rằng chính phủ Ai Cập đang thực hiện theo một kế hoạch mang tính khoa học và tất cả các bước đi sẽ được tiến hành phù hợp với diễn biến của tình hình thực tế của dịch bệnh.
*Ngày 14/3, Tổng thống Senegal Macky Sall đã yêu cầu đóng cửa tất cả các trường học, cơ sở giáo dục, đồng thời huỷ bỏ tất cả các lễ hội tôn giáo trong tháng tới để ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trong 2 tuần qua, cơ quan chức năng Senegal đã ghi nhận 21 trường hợp dương tính với chủng mới của virus corona. Chỉ riêng trong ngày 13/3, Bộ Y tế Senegal công bố 11 trường hợp nhiễm mới. Tất cả họ đều có liên hệ với 1 người đàn ông trở về từ Italy vào tuần trước để tham dự lễ hội tôn giáo ở thành phố Touba. Tổng thống Sall đã đề nghị quân đội hỗ trợ xây dựng các bệnh viện dã chiến để đối phó với dịch bệnh.
Đến nay, Senegal là quốc gia có số ca Covid-19 nhiều thứ 2 khu vực châu Phi - Nam Sahara, chỉ sau Nam Phi, với 38 trường hợp. Chủng mới của virus Corona đã được phát hiện tại khoảng 16 quốc gia thuộc khu vực này. Trong ngày 14/3, Rwanda và Namibia đã công bố những ca nhiễm đầu tiên. Theo ghi nhận của Unesco, Senegal là quốc gia thuộc khu vực châu Phi - Nam Sahara đầu tiên ra lệnh tạm đóng cửa các trường học.
Tính đến hết ngày 13/3, 39 quốc gia trên thế giới đã áp dụng biện pháp này để ngăn ngừa sự lây lan của virus, gây ảnh hưởng đến hơn 420 triệu trẻ em, thanh thiếu niên.
Châu Á
*Bộ Giáo dục, Thanh thiếu niên và Thể thao Campuchia vừa thông báo đóng cửa tạm thời các trường công và trường tư ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Siem Reap (phía Bắc Campuchia) để ngăn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Thông báo này chính thức có hiệu lực từ ngày 14/3/2020 cho đến khi có quyết định mới.
Trước đó, Chính phủ Campuchia vừa quyết định tạm thời đóng cửa Trường Quốc tế Canada (CIS) ở Đảo Koh Pich (Phnom Penh) và cách ly theo dõi sức khỏe của giáo viên cũng như học sinh của trường này trong 14 ngày. Quyết định trên được đưa ra sau khi một nhân viên của CIS người Canada, 49 tuổi, được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 13/3
Bà Or Vandine, Quốc vụ khanh đồng thời là người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia trả lời phỏng vấn Fresh News rằng bệnh nhân 49 tuổi người Canada trở về Campuchia ngày 9/3 sau chuyến thăm Thái Lan. Ngày 11/3, bệnh nhân này liên hệ với đội ngũ y tế vì sức khỏe không tốt. Ngày 13/3, xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân và hai con của ông đang được cách ly tại nhà để theo dõi.
Tối 13/3, Bộ Y tế Campuchia đã họp báo xác nhận thêm hai trường hợp dương tính với virus SARS-nCoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 tại nước này lên con số 7.
*Ngày 14/3, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe (CHP) của Đặc khu hành chính Hong Kong cho biết đã ghi nhận trường hợp bác sĩ đầu tiên ở Hong Kong nhiễm chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Nam bệnh nhân này 61 tuổi, trong thời gian ủ bệnh đã ở Mỹ và có gặp gỡ nhiều bạn bè, trong số đó khả năng có người đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Từ hôm 27/2 đến 9/3, người này đã ở bang Colorado, Mỹ. Đến ngày 10/3, người này từ Mỹ quá cảnh tại Nhật Bản, sau đó bắt chuyến bay NH811 trở về Hong Kong. CHP tin rằng bệnh nhân này bị nhiễm virus SARS-CoV-2 không có liên quan đến công việc và sẽ theo dõi sát tình hình với cơ quan y tế của Mỹ.
Trong khi đó, ông Hà Bách Lương, Giám đốc Trung tâm lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm Đại học Hong Kong (HKU), cho biết trong 2 tuần qua Hong Kong đã có ít nhất 7 trường hợp được ghi nhận từng đi máy bay về Hong Kong hoặc từ Hong Kong qua cửa khẩu đường bộ trở về Đại lục.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hong Kong đã ghi nhận 141 người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 4 ca tử vong.