*Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
Thời gian viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 26/7: Từ 7h đến 13h
Địa điểm:
- Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội- Hội trường Thống Nhất, TP HCM
- Quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội
Lễ truy điệu: 13h ngày 26/7
Lễ an táng: 15h ngày 26/7 tại Nghĩa trang Mai Dịch
13h: Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc. Lễ truy điệu bắt đầu. Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra lúc 15h ngày 26/7 tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
12h45: Đồng bào Xơ Đăng tổ chức tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Theo Quân Đội Nhân Dân, sáng 26/7, các thôn, làng đồng bào Xơ Đăng của huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, tổ chức tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại nhà rông của các thôn, làng, bà con treo cờ rủ, di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở vị trí trang trọng. Sau đó, bà con xếp hàng ngay ngắn để lắng nghe Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn điểm lại những công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân.
Kêu gọi người dân luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; cùng nhau đoàn kết xây dựng thôn, làng giàu mạnh; phát triển kinh tế để thoát nghèo; ra sức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Xơ Đăng, xứng đáng với sự tin yêu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Trong không khí xúc động và thiêng liêng, đồng bào đã dành một phút mặc niệm và đánh chiêng, trống để thành kính tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Người dân tổ chức tưởng nhớ, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong điều kiện trời mưa. Ảnh: Quân Đội Nhân Dân.
Lúc 12h30: Người dân xếp hàng ở khu vực nghĩa trang Mai Dịch chờ tiễn đưa Tổng Bí thư
Dù thời tiết nắng nóng giữa trưa, nhiều người dân không quản ngại đường sá xa xôi, tới đứng chờ ở cổng nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) từ sớm.
Xung quanh các tuyến đường và trước cửa nghĩa trang Mai Dịch, lực lượng chức năng tập trung làm nhiệm vụ, đảm bảo an ninh tuyệt đối.
Dọc hai bên tuyến đường Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, Hồ Tùng Mậu hướng về nghĩa trang Mai Dịch, người dân cũng xếp thành hàng dài.
Người dân chờ ở khu vực nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Mạnh Hưng.
12h16: Trang nghiêm Lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại New York (Mỹ)
Theo TTXVN, ngày 25/7 (theo giờ địa phương), tại New York, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự tham dự của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Phái đoàn và các cơ quan tại New York (Mỹ).
Xúc động phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhắc lại kỷ niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đến thăm Phái đoàn tháng 7/2015, bày tỏ hết sức trân trọng sự quan tâm sâu sắc của Đồng chí đối với công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao đa phương nói riêng, trong đó có Liên Hợp Quốc.
Trong những năm qua, Phái đoàn và các cơ quan tại New York đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, góp phần để 'đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay' như lời khẳng định của Đồng chí Tổng Bí thư.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres viết Sổ tang sau khi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ). Ảnh: TTXVN.
12h: 'Lò chống tham nhũng sẽ không ngừng nghỉ, không dừng lại'
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương - khẳng định với Báo Tri thức và Cuộc sống rằng, chống tham nhũng, tích cực 'đốt lò' trước hết là vì dân, vì nước…Ngọn cờ chống tham nhũng do Đảng phát động và 'Người cầm lái' vững vàng đã đặt quyết tâm chính trị cao nhất cho cuộc chiến sinh tử để bảo vệ chế độ, giữ vững niềm tin trong Nhân dân.
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ, trước đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định, phòng chống tham nhũng trở thành xu hướng tất yếu của tiến trình phát triển xã hội, nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Ai không đồng hành cùng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì đứng sang một bên.
Công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng sẽ kiên trì, quyết tâm, quyết liệt, không ngừng nghỉ, không dừng lại. Đây là chủ trương và quyết sách đúng đắn.
Mặc dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn, những chủ trương, di nguyện này sẽ tiếp tục được duy trì, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện.
Quan điểm của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng cũng chính là quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn, những chủ trương, di nguyện của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục được duy trì, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện. Đồ họa: Trương Huyền.
11h45: Chuẩn bị cho Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội) từ 7h đến 13h hôm nay. Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h cùng ngày tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội).
Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Lễ an táng diễn ra lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Lễ truy điệu Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội). Ảnh: Quân Đội Nhân Dân.
Công tác chuẩn bị cho Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Quân Đội Nhân Dân.
11h33: Thủ tướng Campuchia viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam
Theo VOV, sáng 26/7, Thủ tướng Hun Manet dẫn đầu Đoàn Chính phủ Hoàng gia Campuchia đến viếng và ghi sổ tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Thủ tướng Hun Manet ghi trong sổ tang: “Chính phủ Hoàng gia Campuchia xin chia buồn sâu sắc nhất đến Chính phủ và Nhân dân Việt Nam cùng gia quyến Ngài Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo xuất sắc, người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, cũng như trong việc củng cố quan hệ anh em gần gũi, sâu sắc giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia”.
Trong ngày thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tổ chức lễ viếng và ghi sổ tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoài đại diện các bộ, ban, ngành của nước sở tại Campuchia, Đại sứ, Đại biện các Đại sứ quán nước ngoài ở đất nước Chùa Tháp tiếp tục đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh. Ảnh: VOV.
11h27: Thông báo dừng đón các đoàn viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở quê nhà để chuẩn bị lễ truy điệu.
Tại nhà văn hòa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, có thông báo dừng đón các đoàn viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để chuẩn bị cho lễ truy điệu.
Người dân viếng Tổng Bí thư ở quê nhà Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Hữu Tuấn.
11h15: 'Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất...'
Trong bài viết 'Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lý luận tài năng, nhiều đóng góp đổi mới của Đảng' đăng trên báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - viết: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở: 'Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất...'; phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ và giữ danh dự của đảng viên...
'Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí'.
Bản thân Đồng chí Nguyễn Phú Trọng suốt cuộc đời là tấm gương sáng về kiên định lập trường chính trị, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gần gũi Nhân dân và luôn được Nhân dân tin yêu, kính trọng. Đồng chí luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, là tấm gương sáng mẫu mực về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
11h: Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đón hơn 50 đoàn đến viếng
Theo VOV, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, ngày 25/7, đã trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Xúc động phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhắc lại kỷ niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đến thăm Phái đoàn vào tháng 7/2015, bày tỏ hết sức trân trọng sự quan tâm sâu sắc của Đồng chí đối với công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao đa phương nói riêng, trong đó có Liên Hợp Quốc.
Cùng ngày, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đón tiếp hơn 50 đoàn đại biểu đến viếng, ghi Sổ tang để bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương và tri ân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có nhiều Đại sứ, Đại biện các nước tại Liên Hợp Quốc, đại diện Chính quyền thành phố New York, đại diện cộng đồng người Việt, cán bộ và du học sinh Việt Nam tại New York và khu vực lân cận, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ, đại diện các phong trào cánh tả của Mỹ cùng nhiều bạn bè Mỹ thân thiết với Việt Nam.
Đại sứ Monaco viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VOV.
Đại sứ Oman tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VOV.
10h30: 'Có một mái đầu tóc bạc', có một người vì nước vì dân!
Giáo sư, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí chia sẻ với Báo Tri thức và Cuộc sống rằng, khi biết ca khúc 'Có một mái đầu tóc bạc' ông viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phát đúng sáng ngày bắt đầu Quốc tang, ông xúc động trào nước mắt.
'Thật cảm động, vinh dự và tự hào. Nước mắt tràn mi, tôi thương tiếc và quý trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vô cùng', ông Nguyễn Anh Trí bày tỏ.
'Có một mái đầu bạc trắng vinh quang!
Có một con người vì nước, vì dân
Những nỗi lo cho đất nước thoát nghèo
Những Biển Đông sóng cồn
Những tham nhũng nội xâm...
Gánh sơn hà nặng trĩu hai vai
Tóc trên đầu Ông dần bạc trắng mênh mông…'.
10:15: 'Tình cảm của Nhân dân với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thước đo chính xác nhất'
Theo VietNamNet, sáng 26/7, nhà sử học Dương Trung Quốc hòa vào dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Tang lễ Quốc gia.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, tình cảm của Nhân dân với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thước đo chính xác nhất, qua sự kiện này sẽ đánh thức lương tri, trách nhiệm của nhiều người.
'Đến đây, chứng kiến khung cảnh này, tôi có những cảm xúc thực sự. Ông cha ta nói rồi, cụ Hồ nói rồi và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói: Thước đo là lòng dân. Chúng ta thấy bà con đến đây thể hiện rất rõ điều đó. Tình cảm của người dân là thước đo chính xác nhất. Từng chứng kiến thời kỳ Bác Hồ mất và đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi nghĩ sự kiện đau buồn của đất nước này đánh thức rất nhiều người', ông Dương Trung Quốc nói.
'Tình cảm của người dân đối với cố Tổng Bí thư sẽ đánh thức lương tri, đánh thức trách nhiệm của không ít người: Đã có những tấm gương mà tại sao anh không làm? Người khác làm được sao anh không làm được?', nhà sử học nhấn mạnh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chống gậy tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: N. Huyền/VietNamNet.
10:03: Thầy giáo cũ từ Đức về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
Tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh (91 tuổi, thầy giáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) đến viếng học trò cũ. Khi biết tin Tổng Bí thư từ trần, ông đặt vé máy bay từ Đức về Hà Nội để kịp đến viếng trong sáng 26/7.
'Vĩnh biệt người lãnh đạo kiên trung của đất nước', thầy Vĩnh chia sẻ tại lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh (91 tuổi) đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hữu Tuấn.
Đồng bào dân tộc Tày từ phường Bình Minh, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Ảnh: Hữu Tuấn.
9:10: Nhiều đoàn tiếp tục đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Mặc cho thời tiết nắng nóng và việc di chuyển khó khăn, bà Nguyễn Thị Huệ, 89 tuổi, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, đi xe lăn điện với quãng đường hơn 6 km từ nhà đến nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Huệ cho biết, khi nghe tin Bác Trọng mất, bà không ngủ được, xem đi xem lại những hình ảnh của Tổng Bí thư qua các kênh truyền hình, báo chí. Bà cảm mến và kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bác là người chính trực, liêm khiết, luôn vì nước, vì dân. Trước khi đến viếng, bà Huệ làm bài thơ để kịp gửi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khu vực bãi đỗ xe và đón xe điện phục vụ lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh vẫn đang đón nhiều đoàn xe, khách viếng.
Khu vực bãi đỗ xe và đón xe điện phục vụ lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại xã Đông Hội. Ảnh: Hữu Tuấn.
Bà Nguyễn Thị Huệ, 89 tuổi, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, đi xe lăn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hữu Tuấn.
Bài thơ của bà Huệ. Ảnh: Hữu Tuấn.
9:05: Cô giáo tiểu học của Tổng Bí thư ngồi xe lăn viếng người học trò cũ
Mặc dù tai đã nặng, chân đã yếu, trí tuệ đã giảm sút nhiều, lúc nhớ, lúc quên nhưng cô Đặng Thị Phúc, 92 tuổi, giáo viên tiểu học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cháu gái đẩy xe lăn tới Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông- Hà Nội) để viếng người học trò cũ. Tại Nhà tang lễ, cô Đặng Thị Phúc nghẹn ngào trước trước sự ra đi của người học trò nhỏ năm xưa.
Ảnh: TTXVN
Ảnh: VOV
Ảnh: VOV
8:33: Các đoàn quốc tế tiếp tục viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia.
Đoàn Đảng Cộng sản Anh. Ảnh: VOV
Đoàn Philippine. Ảnh: VOV
Đoàn Quốc hội Belarus. Ảnh: VOV
Đoàn Malaysia do Phó Thủ tướng Malaysia dẫn đầu đoàn viếng Tổng Bí thư. Ảnh: VOV
08:07: Tại làng Lại Đà, Đông Anh, Hà Nội, dòng người đã tập trung di chuyển vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn quê nhà sáng 26/7.
(Ảnh: TTXVN)
(Ảnh: TTXVN)
7:49: Các đơn vị quân đội viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia
Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân do Trung tướng Nguyễn Văn Hiền làm trưởng đoàn. Ảnh VOV
7:00: Từ sáng sớm, hàng dài người dân đã xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM. 6h40, Ban tổ chức đã mở cửa sớm cho người dân, các đoàn thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù thông báo trước đó là 7h sáng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ tỉnh Bình Dương) cũng có mặt tại Hội trường Thống Nhất từ rất sớm, bà mang theo bài thơ do chính bà sáng tác kính tặng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
6:45: Ngày thứ hai diễn ra Lễ Quốc tang, người dân tiếp tục xếp hàng từ sáng sớm vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông.
Dòng người xếp hàng dài vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng 26/7. Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN
Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tính đến tối 25/7, có 1.565 đoàn (với khoảng 55.600 lượt người) đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
(Xem toàn cảnh Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 25/7 tại đây)
Vòng hoa của Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Cụ thể, theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ 7 giờ đến 19 giờ 30 phút ngày 25/7, có 1.565 Đoàn (với khoảng 55.600 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.