Tiến sĩ, luật sư (TS.LS) Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán Karaoke ở Bình Dương là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, rất thương tâm.
Tối 7/9, thông tin từ lực lượng chức năng cho hay có đến 33 người thiệt mạng, nhiều người bị thương, thiệt hại lớn về tài sản. Bên cạnh đó, vụ việc còn gây mất an toàn cho những gia đình xung quanh. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân vụ cháy để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, kinh doanh karaoke, vũ trường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy thì mới được phép hoạt động.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người quản lý cơ sở kinh doanh này đã vi phạm quy định tại Điều 4 của Nghị định 54/2019/NĐ-CP thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy hoặc tội vô ý làm chết người tùy theo lỗi vi phạm.
Cụ thể quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke như sau: Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ; Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).
''Nguyên nhân hơn 30 người thiệt mạng là do bị cháy, bởi vậy rất có thể cơ sở kinh doanh này không đảm bảo an toàn về phòng cháy dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ vấn đề điều kiện phòng cháy chữa cháy của cơ sở kinh doanh này có đảm bảo hay không. Nếu không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy nguyên nhân vụ cháy là do cơ sở kinh doanh này đã không tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy dẫn đến chập điện hoặc có những nguyên nhân khách quan nào khác dẫn đến vụ cháy xảy ra thì cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy để tiến hành điều tra đối với những sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Chủ cơ sở kinh doanh, người trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh của cơ sở này phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại đã gây ra đối với những nạn nhân trong vụ cháy'', luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương làm 33 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. (Ảnh: TTXVN)
Luật sư phân tích thêm: Trường hợp có căn cứ cho thấy người quản lý điều hành hoạt động kinh doanh này đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến hậu quả làm 3 người chết trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù 7 - 12 năm, theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Với hậu quả hơn 30 người chết và nhiều người bị thương thì người vi phạm có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng và tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần khoảng 100 tháng lương cơ bản.
Đối với những người bị thương tích thì phải bồi thường thiệt hại tiền chi phí cứu chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, bồi thường tiền công người chăm sóc và tổn thất về tinh thần khoảng 50 tháng lương cơ bản.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có người cố ý 'phóng hỏa' để gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự với tình tiết là giết nhiều người và hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
'Tình huống này cũng không loại trừ. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân của vụ cháy là nguyên nhân khách quan hay chủ quan, do lỗi vô ý hay cố ý. Nếu có lỗi cố ý gây ra vụ cháy thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người.
Nếu có lỗi vô ý gây ra vụ cháy thì có thể khởi tố về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy hoặc tội vô ý làm chết người theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, nguyên nhân của sự việc là yếu tố quan trọng để quyết định việc cơ quan điều tra có khởi tố vụ án hình sự hay không, phải khởi tố về tội danh gì và khởi tố đối với ai', luật sư Đặng Văn Cường nói.
Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên
4. Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.