Trong chiều 16/3, Chủ tịch Hà Nội tổ chức phiên họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh Covid-19. Tại Việt Nam, đến giờ phút này có 61 ca nhiễm, có những nơi tốc độ những ca nhiễm theo đánh giá là 'siêu nhiễm', 'siêu lây nhiễm' như ở Bình Thuận chỉ trong 1 thời gian rất ngắn.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội chưa phát sinh nguồn lây nhiễm mà chưa rõ nguồn gốc. 13 ca bệnh trong vòng 10 ngày vừa qua đều xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ từ các nước Châu Âu và lây nhiễm chéo trên địa bàn.
'Nếu dịch bệnh không được dập tắt trong thời gian ngắn, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, cũng như thành phố Hà Nội. Chúng ta nhìn thấy nguy cơ ngày càng hiện hữu và rõ nét', ông Chung khẳng định.
Toàn cảnh phiên họp chiều 16/3.
Xét nghiệm âm tính chỉ là 1 trong yếu tố ban đầu trong công tác phòng ngừa, chứ không phải tất cả. Vì trên địa bàn thành phố đã có 2 trường hợp ban đầu xét nghiệm âm tính nhưng chỉ trong vòng 7, 8 ngày sau phát bệnh, xét nghiệm dương tính.
Tất cả trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh, mà xét nghiệm âm tính sau 1, 2 ngày đầu, chúng ta chưa thể yên tâm hoàn toàn.
Với năng lực hiện tại, TP đã có thể huy động đội ngũ y tá, bác sĩ ở các trung tâm xét nghiệm tại các bệnh viện của các thành phố, có thể lấy được từ 1.500 - 2.000 mẫu/ngày. Trong những ngày tới, năng lực xét nghiệm của TP có thể cao hơn từ 2.000 - 2.500 mẫu/ngày.
Hiện nay, trên địa bàn TP đang có 4 hình thức phong toả khác nhau, trên cơ sở thực tiễn và căn cứ vào đánh giá của các chuyên gia dịch tễ, phù hợp với thực tiễn.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết, TP có 3 nguy cơ lây nhiễm lớn. Thứ nhất, nhóm người đi về từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, tuy đang giảm ca bệnh nhưng vẫn có nguy cơ cao. Đối với những trường hợp sau khi cách ly 14 ngày, xét nghiệm âm tính cho về, thì đó là kết quả ban đầu, cho tỷ lệ xác suất cao, nhưng chưa phải 100%. Đề nghị tất cả trường hợp này tiếp tục chăm sóc sức khỏe và hạn chế tiếp xúc với người khác. Nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì phải báo ngay cho 115 hoặc đường dây nóng của cơ sở xã, phường, thị trấn để thực hiện cách ly và xét nghiệm miễn phí.
Thứ hai, nhóm khách du lịch người nước ngoài, học sinh đi từ Châu Âu và các quốc gia có vùng dịch đến trước ngày 6/3, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro xuất hiện ca lây nhiễm từ nhóm này.
Thứ ba, người nước ngoài, các du học sinh bắt đầu trở về (gần 1000 người). TP đang tổ chức khai báo y tế, tổ chức đo thân nhiệt. Những người này vẫn có thể phát bệnh trong những ngày tới, nên tổ chức cho đi cách ly tập trung.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, đến nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tiếp nhận 947 công dân tại sân bay Nội Bài, trong đó đã chuyển 3 trường hợp có các biểu hiện bệnh khác tại các bệnh viện, các trường hợp còn lại đều có sức khỏe ổn định và chấp hành tốt quy định nơi cách ly. Thời gian tới, Bộ Tư lệnh sẵn sàng tiếp nhận thêm công dân trở về từ các quốc gia có vùng dịch là khoảng 900 công dân; các giai đoạn tiếp theo (khi số công dân giai đoạn trước hết thời gian cách ly) thì có thể tiếp nhận thêm khoảng 700 công dân nữa.
Từ tình hình thực tiễn, Chủ tịch UBND TP đề nghị từng công dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội trong giai đoạn mức độ nguy hiểm, cảnh báo cao hơn.
Đặc biệt, cần tập trung mọi nguồn lực để phát hiện các trường hợp nghi ngờ, ca bệnh từ các nhóm nguy cơ lây nhiễm cao; giảm thiểu mức thấp nhất việc lây nhiễm ra cộng đồng. Từ tổ dân phố đến cộng đồng dân cư, từng gia đình, đặc biệt cơ sở lưu trú, phải thông tin các trường hợp thành phố yêu cầu, để y tế đến lấy mẫu và kiểm soát.
Quản lý chặt chẽ số người đã xác minh lịch trình, số người tiếp xúc F1, F2...
Giám sát chặt chẽ tất cả công dân đang cách ly tại các khu tập trung, cơ sở y tế và cách ly tại nhà. Qua phản ánh của báo chí, thì vẫn có những trường hợp đi lại, ông Chung nhấn mạnh nếu đã có đề nghị cách ly mà không thực hiện nghiêm túc, để xảy ra lây nhiễm trên cộng đồng, sẽ bị xử lý theo quy định, thậm chí có thể xem xét để truy tố hình sự.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Toàn bộ hệ thống giáo dục trên địa bàn TP phải tổ chức khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của thành phố để trong trường hợp tháng 4, thành phố cho học sinh quay lại trường học.
Cung cấp công khai minh bạch đến người dân các trường hợp dương tính với Covid-19. Các quận, huyện phải xây dựng phương án cách ly, điều trị cụ thể, đủ cơ sở vật chất một cách đồng bộ, nhất là bảo hộ cho bác sĩ, nhân viên y tế tuyến huyện.
Chúng ta có 3 hình thức. Mỗi một phương án cách ly có các phương án, thiết bị, nguồn nhân lực khác nhau.
1. Cách ly để chữa bệnh, đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới trung ương. Thành phố chuẩn bị vài nghìn chỗ, trong trường hợp có bệnh nhân dương tính, đưa vào các bệnh viện của thành phố. Yêu cầu đầy đủ các trang, thiết bị, cơ sở y tế.
2. Cách ly để phòng ngừa, đưa về các khu tập trung.
3. Cách ly để phòng ngừa trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND TP cho biết những địa điểm có thể tổ chức cách ly cho công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch là Khu nhà ở sinh viên tại Tứ Hiệp (Hoàng Mai); một số trường dạy nghề ở Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sơn Tây; bệnh viện đa khoa của Mê Linh; khu tái định cư Thượng Thanh...
Đồng thời nhấn mạnh, đây là những nơi tổ chức cách ly phòng ngừa, chứ không phải tổ chức chữa bệnh tại đây.
Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh, thành phố có đủ kit xét nghiệm từ 4-6 tiếng đồng hồ. Đối với trường hợp F1,F2, những người từ vùng dịch sẽ được xét nghiệm miễn phí 2 lần. Toàn bộ kinh phí sẽ do TP sẽ chi trả.
Hiện nay có 2 bệnh nhân có diễn biến nặng, không tránh khỏi việc người dân hoang mang, tâm tư, song Chủ tịch UBND TP khẳng định TP vẫn hoàn toàn kiểm soát tốt dịch bệnh.
Ông Chung khẳng định, 'Mọi người hết sức bình tĩnh, chúng ta hoàn toàn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm'. Đồng thời lưu ý các cấp các ngành, nhiệm vụ số 1 là phải đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, kinh tế mặc dù có thể giảm nhưng vẫn có thể khắc phục được. Bởi nếu không dịch bệnh sẽ gây ra những tổn thương lớn về tâm lý xã hội.
Chủ tịch UBND TP tin rằng với những biện pháp quyết liệt của TP từ trước đến nay, tình hình dịch tại TP sẽ giảm vào cuối tháng 4.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Công an TP và Cục quản lý thị trường nhân dịp này đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát buôn bán động vật hoang dã. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP kêu gọi người dân TP hạn chế ăn thịt chó, mèo; ngừng mọi sinh hoạt tôn giáo từ giờ đến hết 31/3 để giảm nguy cơ lây nhiễm.