Trước thực trạng gia tăng thông tin giả mạo, sai lệch sự thật, mất kiểm soát trên mạng xã hội, Thủ tướng Chính phủ ngày 3/3/2020 đã ban hành nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ hôm nay (15/4) với nhiều quy định rõ hơn, chi tiết hơn liên quan đến việc xử lý các vi phạm hành chính trong môi trường bưu chính, viễn thông.
Theo đó, người thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội sẽ bị xử lý với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook sẽ bị xử phạt 20 triệu đồng.
Đây cũng là mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Nhận xét về nghị định mới này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: 'Việc đăng ảnh phải xin phép không phải là quy định mới, quy định này có từ rất lâu để bảo vệ quyền tự do hình ảnh, quyền nhân thân cá nhân. Quyền này được quy định từ hiến pháp và bộ luật dân sự.
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP là văn bản quy định về chế tài hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính trong đó có vi phạm về quyền hình ảnh. Nghị định này thay thế Nghị định 174/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện'.
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư Cường cho biết, theo quy định của bộ luật dân sự năm 2015 thì mọi công dân đều có quyền tự do và hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của công dân phải xin phép, nếu không được sự đồng ý của công dân thì người sử dụng trái phép hình ảnh phải gỡ bỏ, cải chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu gây thiệt hại).
Tuy nhiên có một số trường hợp thì việc sử dụng hình ảnh của người khác được pháp luật cho phép. Cụ thể, Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, có 02 trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật, gồm:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động cộng đồng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh.
Trong 1 số trường hợp ngoại lệ như việc phóng viên báo chí chụp ảnh nhằm đưa tin tức về các hội nghị, hội thảo hay người dân chụp ảnh tên cướp để đăng lên mạng, gửi công an truy tìm thì hoàn toàn hợp pháp, không cần phải xin phép người có hình ảnh hay người đại diện theo pháp luật của họ.
'Như vậy, có thể thấy rằng không phải những hình ảnh được xuất hiện trên mạng xã hội, trên báo chí thì cơ quan chức năng sẽ lần tìm xem hình ảnh đó là của ai, người đó có đồng ý cho người khác đăng ảnh hay không mà cơ quan chức năng chỉ xem xét khi có đơn thư khiếu kiện, tố cáo, tố giác của người có hình ảnh', luật sư Cường cho biết.
Ngoài ra, luật sư Cường nhấn mạnh thêm: 'Người có hình ảnh bị người khác sử dụng trái phép thì trước tiên cần phải thông báo cho người đăng về việc không đồng ý sử dụng hình ảnh, yêu cầu người đó phải gỡ bỏ, nếu không gỡ bỏ thì có thể làm đơn trình báo với cơ quan chức năng hoặc khởi kiện ra tòa án để được xem xét giải quyết. Khi có đơn thư trình báo về sự việc bị xâm phạm quyền hình ảnh kèm theo các chứng cứ xác đáng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc xác minh để làm rõ và xử lý người vi phạm theo quy định pháp luật'.
Bên cạnh đó, luật sư Cường cho biết, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân mà với mục đích bôi nhọ, xúc phạm, làm nhục người khác thì không những chỉ xử phạt hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP còn mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác, tội vu khống hoặc tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (nếu như những bức ảnh, hình ảnh đó thể hiện nội dung đồi trụy), tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả cụ thể.
Nếu hành vi đưa tin hình ảnh của người khác có nội dung vu khống, nhục mạ, xúc phạm người khác khiến người có hình ảnh xấu hổ, tủi nhục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm và đời sống cá nhân thì hành vi này có dấu hiệu tội phạm, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 Bộ luật hình sự với mức phạt có thể lên đến năm năm tù theo Điều 155. Tội làm nhục người khác.
Còn đối với hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để đưa ra những thông tin rõ ràng là sai sự thật nhằm vu khống, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác hoặc để tố cáo người khác với cơ quan chức năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống tâm lý của người khác thì hành vi này có thể bị xử lý hình sự về Tội vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015.
Bởi vậy, mỗi cá nhân cần phải hiểu biết các quy định về quyền tự do cá nhân trong đó có tự do về hình ảnh theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tự do của mình khi có hành vi xâm hại.
Người dùng mạng xã hội cũng cần biết về những thông tin, hình ảnh nào thì được phép công bố, công khai, chia sẻ, hình ảnh nào không được phép chia sẻ.