Từ thời điểm ca COVID-19 đầu tiên xuất hiện ở Hà Nam đến nay, trong chưa đầy 9 ngày, virus SARS-CoV-2 đã lan ra 19 tỉnh thành trên cả nước và tiếp tục có nguy cơ lan rộng hơn.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, 'chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công'.
Người đứng đầu Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, coi như địa phương đang trong dịch, để khi xảy ra không bối rối, bỡ ngỡ.
Có thể thấy, diễn biến dịch bệnh đang đặt ngành y tế Việt Nam và các địa phương vào một cuộc chiến mới, rất cam go chống lại dịch COVID-19. Làm gì để sớm chặn đứng được tốc độ lây lan dịch, không để chúng trở thành những vết dầu loang?
Đây là chủ đề trong chương trình Sự kiện & bình luận ngày 8/5. Chương trình đã kết nối với 3 điểm cầu điện thoại:
- Ông TRẦN VĂN THUẤN, Thứ trưởng Bộ Y tế.
- Ông CHỬ XUÂN DŨNG, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
- Ông VƯƠNG QUỐC TUẤN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Chuẩn bị kịch bản 30.000 người mắc COVID-19
Từ 29/4 đến cuối ngày 7/5, toàn quốc ghi nhận tổng số 161 trường hợp mắc COVID-19 tại 19 tỉnh, thành.
Cả nước đã phải ứng phó làn sóng COVID-19 thứ tư. Từ 29/4 đến cuối ngày 7/5, toàn quốc ghi nhận tổng số 161 trường hợp mắc COVID-19 tại 19 tỉnh, thành. So với những lần trước, tốc độ bùng phát dịch lần thứ tư được Bộ Y tế đánh giá 'khó khăn hơn, phức tạp hơn' . Đã xuất hiện các biến chủng mới của virus tại Ấn Độ với tốc độ lây nhanh hơn, mạnh hơn.
Dịch bệnh xuất hiện cùng lúc tại nhiều địa phương; 9 bệnh viện trên cả nước tạm thời thực hiện cách ly y tế. Bộ Y tế đã phải chuẩn bị cho mọi tình huống, với kịch bản dự phòng số người mắc có thể lên tới 30.000.
Tính đến chiều 7/5, đã có ít nhất 18 tỉnh thành thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng dịch, mặc dù nhiều trường chưa kịp hoàn tất thi học kỳ 2. Nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ Y tế quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày lên 21 ngày, ra công điện đề nghị nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất
Bộ Công an sẽ tiến hành tổng rà soát để kiểm tra, phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép. 39 tỉnh thành đã báo cáo có 199 vụ nhập cảnh trái phép.
Trong bối cảnh đó, ở một số nơi, người dân vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là với dịch bệnh, buộc chính quyền phải xử phạt nhiều trường hợp không đeo khẩu trang.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 7/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn, khoanh vùng ở quy mô hẹp nhất có thể, tránh áp dụng giãn cách xã hội cực đoan. Chuyển trạng thái chống dịch từ chủ động sang tấn công; tránh khuynh hướng lơ là cũng như hốt hoảng trong phòng chống dịch; truy cứu trách nhiệm cá nhân, tổ chức sai phạm.
Có hay không sự chủ quan ở các bệnh viện?
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội) ghi nhận hàng loạt ca mắc COVID-19
Đến thời điểm này đã có tổng cộng 9 bệnh viện trên cả nước tạm thời thực hiện cách ly y tế do phát hiện những ca bệnh COVID-19 hoặc tạm cách ly để phun khử khuẩn:
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội)
- Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội)
- Bệnh viện Quân y 105 (Hà Nội)
- Bệnh viện đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng (Hà Nội)
- Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc)
- Bệnh viện đa khoa Thái Bình
- Bệnh viện Phổi Lạng Sơn
- Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Nghệ An)-
- Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP. Đà Nẵng)
Đánh giá về tình hình COVID-19 hiện nay ở Việt Nam, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh đang lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh viện tuyến trung ương.
Liên quan việc 9 bệnh viện phải thực hiện cách ly do dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: 'Anh em không hề chủ quan mà thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế. Các bệnh viện tuyến cuối tập trung hàng nghìn tới khám từ nhiều địa phương khác nhau. Hơn nữa trên 80% người mắc COVID-19 không có triệu chứng nên việc sàng lọc trong các bệnh viên có sự hạn chế và điều đáng tiếc đã xảy ra'.
Kết quả giải trình tự gen ngày 7/5 cho thấy trong các trường hợp nhiễm mới có cả biến thể B.1.1.7 Anh và biến thể B.1.617.2 của Ấn Độ - đều là những biến thể lây lan nhanh và mạnh hơn các biến thể cũ. Đặc biệt là biến thể virus từ Ấn Độ.
Ông Trần Văn Thuấn cho biết: 'Theo các nhà khoa học, biến thể mới có tốc độ lây lan gấp 3 lần với chủng ban đầu, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn, đặt ra những thử thách mới khó khăn hơn cho công tác phòng chống dịch. Chúng ta cần thần tốc rồi, phải thần tốc hơn, chủ động dự phòng, cách ly khoanh vùng, điều trị hiệu quả. Chống dịch cần chủ động hơn kết hợp với phòng ngự hài hòa như chỉ đạo của Thủ tướng'.
Hà Nội đề nghị người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Hà Nội
Vào lúc này, vai trò chủ động, tích cực của các địa phương rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Một chút lơ là chủ quan cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra; chủ động, linh hoạt sáng tạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả phù hợp.
Tại Hà Nội, địa phương có số ca dương tính cao nhất trong đợt dịch lần này, có 4 bệnh viện đóng trên địa bàn đang tạm thời cách ly y tế, các giải pháp chống dịch được triển khai như thế nào?
Trao đổi với phóng viên VTV, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã nêu rõ một số biện pháp cụ thể của Hà Nội để ngăn chặn dịch lan rộng trong cộng đồng: 'Thứ nhất là thần tốc truy vết tới cùng, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tuyệt đối các F1. Quản lý nghiêm F2 theo quy định. Tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao và đánh giá nguy cơ dịch bệnh và đưa ra giải pháp kịp thời hiệu quả. Đến nay, các ca bệnh liên quan các nguồn lây ở Hà Nam, Vĩnh Phúc và Times City cơ bản được khống chế'.
Thứ 2. Hà Nội đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch bệnh ở các cơ sở khám chữa do TP quản lý, đồng thời thực hiện tốt điều trị cho người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất người tử vong. Với 2 bệnh viện do Bộ Y tế quản lý là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có ca dương tính, Chủ tịch UBND Thành phố đã đến trực tiếp chỉ đạo.
Thứ 3, TP tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhanh hơn hiệu quả hơn, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thành xã phường, phát huy tổ COVID-19 cộng đồng, với phương châm 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng' để người dân thực hiện tốt thông điệp 5K.
'Trong dịp này, đề nghị người dân không ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết bắt buộc phải đi' – ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Thứ 4, ngăn chặn các nguồn lây từ các khu cách ly tập trung F1, công dân về nước và các chuyên gia. Đảm bảo an toàn trong khu cách ly, không để lây chéo trong khu cách ly và lây ra cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, TP đã xây dựng kịch bản phòng chống dịch ở các cấp độ khác nhau, trong đó cấp độ 3 là từ 20 đến dưới 1000 ca mắc, cấp độ 4 là 1000 ca trở lên.
Kinh nghiệm đã cho thấy đợt bùng phát dịch sau luôn phức tạp hơn các đợt dịch trước đó. Không lơ là mất cảnh giác cho dù ở những vùng sâu xa nhất. Ở những tỉnh chưa có dịch cũng xác định tinh thần 3 sẵn sàng, 4 tại chỗ, luôn trong trạng thái chủ động kích hoạt các khâu để ứng phó với mọi tình huống bất ngờ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã nhấn mạnh: 'Tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo huyện, xã lo xã, thôn lo cho thôn và từng người phải tự lo cho chính mình vì sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát tình hình, tỉnh kiểm tra, giám sát huyện, huyện kiểm tra giám sát xã, xã kiểm tra, giám sát thôn, thôn kiểm tra, giám sát từng người theo phương châm 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng'. Tỉnh không làm thay huyện, huyện không làm thay xã, xã không làm thay thôn, thôn không làm thay từng người. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của chính mình, sức khỏe của cộng đồng. Đó là lợi ích quốc gia, dân tộc'.