Trong 24h qua (từ 16h ngày 5/12 đến 16h ngày 6/12), trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.591 ca nhiễm mới, trong đó 33 ca nhập cảnh và 14.558 ca ghi nhận trong nước (tăng 246 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 8.227 ca trong cộng đồng).
Xuất hiện ổ dịch lớn, TP. Hải Phòng quyết định thành lập các Tổ Covid cộng đồng hàng ngày 'đi từng ngõ, gõ từng nhà', trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế trong công tác phòng, chống dịch. (Nguồn: Dân trí)
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.323.683 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.427 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.318.381 ca, trong đó có 1.007.590 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (479.483), Bình Dương (284.489), Đồng Nai (89.822), Long An (38.800), Tây Ninh (33.342).
Nghệ An ghi nhận ca mắc 'kỷ lục'
Chiều ngày 6/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, trong 24 giờ qua địa bàn ghi nhận 149 ca mắc mới (có 18 ca cộng đồng). Đây là số ca mắc cao nhất ghi nhận trong 24 giờ từ đầu mùa dịch.
Đáng chú ý, trong các ca mắc này có đến 113 ca không triệu chứng và 36 ca có triệu chứng.
Các ca cộng đồng ghi nhận tại Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên 4 ca, TP. Vinh 5 ca, Thái Hòa, Thanh Chương 2 ca, Hoàng Mai, Thái Hòa, Nghĩa Đàn 1 ca.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp trên địa bàn, Sở Y tế Nghệ An đã họp bàn phương án điều trị F0 tại nhà và Trạm y tế lưu động.
Như vậy, từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 5.174 bệnh nhân (BN) mắc Covid-19 ở 21 địa phương. Số BN điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 4.058 BN. Lũy tích số BN tử vong: 29 BN. Số BN hiện đang điều trị: 1.087 BN. Tổng số công dân từ các tỉnh phía nam về từ ngày 1/10 đến nay là 47.224. Phát hiện 971 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Hà Nội khẩn cấp tìm người đến chợ Kim Liên
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận Đống Đa, Hà Nội thông báo tìm người trên địa bàn thành phố đã đến chợ Kim Liên, phường Kim Liên, quận Đống Đa kể từ ngày 25/11 đến ngày 1/12 do có ca F0 là tiểu thương ở chợ.
Người đã đến địa điểm trong thời gian như thông báo chủ động tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn, hoặc CDC Hà Nội: 0241022 (nhánh 2) - 0969.082.115 - 0949.396.115, để được hướng dẫn và tư vấn.
Quận Đống Đa cũng đã thực hiện các công tác khoanh vùng, truy vết ngay khi ghi nhận F0.
Tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 13.946 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 5.492 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 8.454 ca.
Hải Phòng khẩn cấp ứng phó vì xuất hiện ổ dịch 'nóng'
Ngày 6/12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 quận Hồng Bàng (Hải Phòng) cho biết tại khu vực chợ Sắt, lực lượng chức năng đã phát hiện 77 ca dương tính SARS-CoV-2.
Những ca này được cho là bắt nguồn từ một tiểu thương ở chợ có kết quả dương tính ngày 4/12. Tối cùng ngày, Trung tâm Y tế quận Hồng Bàng lấy mẫu xét nghiệm gộp cho hơn 100 tiểu thương kinh doanh tại chợ. Kết quả có nhiều mẫu gộp dương tính Covid-19.
Ngày 5/12, lực lượng chức năng đã phong tỏa chợ Sắt, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc chi tiết rồi xét nghiệm khẳng định, phát hiện 77 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 và 20 trường hợp nghi nhiễm.
Trước tình hình phức tạp trên, UBND TP. Hải Phòng chiều tối ngày 6/12 đã ban hành công văn hỏa tốc chỉ đạo về việc thực hiện cách ly phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu thực hiện cách ly y tế các đối tượng F1 tại nhà/nơi lưu trú (nếu đáp ứng các điều kiện) 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu và ngày kết thúc cách ly.
Tổ chức cách ly F2 tại nhà/nơi lưu trú trong khi chờ kết quả xét nghiệm Real time RT- PCR của F1. Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR lần 1 của F1 và của F2 (nếu có) đều âm tính với SARS-CoV-2, F2 được kết thúc việc cách ly tại nhà và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế và Tổ Covid cộng đồng.
Theo báo cáo, từ 26/11 đến ngày 6/12, quận Hồng Bàng ghi nhận 300 ca dương tính, 850 trường hợp F1 và 1.276 trường hợp F2. Quận đã thành lập 9 Trạm y tế lưu động trên các phường, trang bị đầy đủ thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tổ chức xét nghiệm 100.720 người, xét nghiệm PCR 7 3.616 người, test nhanh 7.980 người.
Số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại TP. Hồ Chí Minh cao nhất từ đầu tháng 10 tới nay
Chiều 6/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh, dịch Covid-19 tại thành phố có dấu hiệu phức tạp lại sau quãng thời gian nới lỏng giãn cách xã hội.
Tại buổi họp, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP. Hồ Chí Minh, cho biết, trong 24 giờ qua, toàn địa bàn ghi nhận 1.492 trường hợp mắc mới. Ngành y thành phố đang điều trị cho 13.681 bệnh nhân, trong đó, 497 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi, 431 bệnh nhân nặng, đang thở máy và 14 bệnh nhân cần can thiệp ECMO.
Trong ngày 5/12, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu đáng lo ngại về tình hình dịch Covid-19. Cụ thể, số bệnh nhân Covid-19 được xuất viện là 927 người, thấp hơn số bệnh nhân nhập viện là 958 người. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 94 trường hợp mắc Covid-19 tử vong. Đây là ngày có số bệnh nhân Covid-19 tử vong cao nhất trên địa bàn từ đầu tháng 10 tới nay.
Trong một diễn biến khác, theo thông tin từ ngành giáo dục TP. Hồ Chí Minh, đang có hơn 2.700 trẻ em trong độ tuổi vào lớp một mắc Covid-19, rải khắp 22 quận huyện, TP. Thủ Đức. Trong đó, cao nhất là TP. Thủ Đức với 662 em, huyện Hóc Môn có 331 trường hợp, còn quận 12 cũng có 287 em. Địa phương ghi nhận số ca F0 trẻ em ít nhất là Cần Giờ, với 9 học sinh.
Đối với công tác tiêm chủng, tính đến hết 5/12, TP. Hồ Chí Minh đã tiêm tổng cộng hơn 7,9 triệu mũi một vaccine Covid-19, hơn 6,8 triệu người đã hoàn tất việc tiêm mũi 2.
Trên toàn địa bàn, số ca mắc mới Covid-19 trong tuần từ 26/11-2/12 có sự tăng nhẹ so với tuần trước đó. Cụ thể, thành phố có 10.901 ca mắc mới trong tuần gần nhất và 8.731 ca mắc Covid-19 ghi nhận từ ngày 19/11-25/11. Tỷ lệ tổng số ca mắc mới/100.000 dân/tuần của TP. Hồ Chí Minh là 107,3.
Cũng tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm chia sẻ, thời gian qua, biến chủng Omicron là vấn đề nóng được bàn luận. Điều đáng lo ngại, biến chủng này lây lan nhanh hơn 500% đối với biến chủng Delta và các thông tin về biến chủng này còn quá mới.
Đánh giá về khả năng xuất hiện biến chủng tại TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, biến chủng này lần đầu tiên xuất hiện ở Nam Phi và lan qua nhiều nước. Tại Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan đã ghi nhận các trường hợp nhiễm Omicron, do vậy, thành phố cũng rất có nguy cơ xuất hiện biến chủng này.
Bình Dương triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên
Chiều 6/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương họp trực tuyến với 9 huyện, thị thành phố về tình hình phòng chống dịch; đồng thời triển khai tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 12/2021.
Theo đó, từ tháng 12/2021, triển khai tiêm liều bổ sung vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm đủ 2 mũi) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng... Do đó, việc tiêm mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, thời gian gần đây biểu đồ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang chạy theo đường ngang, ổn định. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, việc tiêm vaccine tăng cường là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.