Đến nay, hơn 247,4 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 46,8 triệu ca mắc và hơn 766.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 14.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo, du khách nước ngoài dưới 18 nhập cảnh Mỹ bằng đường hàng không sẽ không cần tự cách ly sau khi nhập cảnh. Theo đó, trẻ dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 không cần tự cách ly trong vòng 7 ngày sau khi nhập cảnh. Điều chỉnh mới của CDC Mỹ được đưa ra sau khi các hãng bay và nhiều tổ chức kêu gọi thay đổi quy định với ly do lo ngại, việc bắt buộc trẻ tự cách ly có thể ảnh hưởng đến du lịch quốc tế. Bên cạnh trẻ em, quy định miễn trừ cách ly cũng được áp dụng cho công dân nước ngoài đang tham gia các thử nghiệm y khoa.
Trong khi đó, từ ngày 8/11, Mỹ sẽ gỡ bỏ các giới hạn nhập cảnh với đa số người nước ngoài đã đến Anh, khối Schengen cùng nhiều quốc gia khác trong vòng 14 ngày trước đó.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 31/10, nước này ghi nhận hơn 12.800 ca mắc mới COVID-19 và 251 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 34,28 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 458.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Ấn Độ sẵn sàng để sản xuất 5 tỷ liều vaccine COVID-19 tới cuối năm 2022. Đây là tuyên bố được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra tại Hội nghị G20 đang diễn ra tại Italy. Tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20, Thủ tướng Ấn Độ đã nhấn mạnh tới những đóng góp của nước này trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 và cho biết, Ấn Độ đã xuất khẩu thuốc men, vật tư y tế đến 150 quốc gia.
Hiện Ấn Độ đang nỗ lực để Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt giấy phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Covaxin của nước này. Ấn Độ cho rằng, việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Ấn Độ hỗ trợ vaccine cho các quốc gia khác. WHO đã bắt đầu xem xét dữ liệu mà Ấn Độ cung cấp từ đầu tháng 7 nhưng cho biết, họ không thể 'đốt cháy giai đoạn'.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 607.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,8 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tại Nga, bất chấp việc Chính phủ cho phép người dân được nghỉ việc một tuần vẫn nhận lương nhằm hạn chế số người đi lại trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan rộng, đường phố tại nhiều nơi, đặc biệt là thủ đô Moscow của nước này vẫn đông đúc như thường lệ, gây lo ngại bùng phát dịch bệnh những ngày tới.
Tuần lễ không làm việc của người dân Nga kéo dài từ hôm 30/10 đến ngày 7/11. Giới chức Nga khuyến cáo người dân hạn chế đi lại do không phải đi làm trong thời gian này. Tuy nhiên, việc người dân được phép rời khỏi nhà tự do khiến các bến tàu điện ngầm, đường phố vẫn đông đúc như ngày thường.
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 1.159 ca tử vong do mắc COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay, nâng số người không qua khỏi ở nước này lên hơn 238.500 trường hợp. Hiện Nga là nước có số người tử vong do mắc COVID-19 cao nhất châu Âu. Trước tình hình này, Nga đã phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế. Trường học và nhà trẻ, tất cả dịch vụ không thiết yếu, trong đó có các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khu thể thao và giải trí sẽ đóng cửa cho đến ngày 7/11 tới.
Số ca nhiễm và tử vong mới tại Nga ở mức cao chưa từng thấy. (Ảnh: AP)
Thủ đô Moscow đã đóng cửa trường học, cửa hàng không thiết yếu và nhà hàng trong vòng 11 ngày nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh. Chỉ các cửa hàng bán thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm mới được mở cửa. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Moscow đang nỗ lực khống chế làn sóng lây nhiễm COVID-19, với số ca nhiễm và tử vong liên tục ở mức cao chưa từng thấy.
Số ca mắc COVID-19 trong ngày 31/10 của Nga đạt kỷ lục mới với 40.993 người. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, Nga có kế hoạch khởi động lại chiến dịch quảng cáo tiêm chủng cũng như thông tin công cộng nhằm thuyết phục người dân nâng cao ý thức bảo vệ mình.
Từ ngày 1/11, Australia sẽ bắt đầu mở cửa trở lại một phần biên giới quốc tế, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Du khách đã tiêm phòng đầy đủ từ New Zealand đến Australia sẽ không cần kiểm dịch. Trong khi đó, công dân, người thường trú tại các bang New South Wales, Victoria, thủ đô Canberra sẽ được tự do bay quốc tế mà không cần các điều kiện miễn trừ hay phải kiểm dịch khi quay trở về. Hiện hơn 80% người trưởng thành tại các khu vực trên của Australia đã được tiêm chủng đầy đủ, điều kiện để tiếp tục mở lại du lịch quốc tế.
Trước đó, Australia đã đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020, chỉ cho phép một số công dân trở về từ nước ngoài và cách ly bắt buộc 14 ngày.
Iran dự kiến mở cửa các trường đại học và phổ thông kể từ ngày 22/11 tới. Tổng thống Iran kêu gọi, các Bộ nỗ lực mở cửa trường học vào ngày đầu tiên của năm Iran thứ 9 (tức ngày 22/11). Tổng thống Iran nhấn mạnh, việc mở cửa trường học phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình y tế, đồng thời kỳ vọng đất nước sẽ ứng phó tốt với làn sóng tiếp theo của dịch bệnh nếu xảy ra.
Đến nay, tộng cộng trên 5,9 triệu người ở Iran đã mắc COVID-19, bao gồm hơn 126.100 người thiệt mạng.
Singapore đã bắt đầu khởi động chương trình tiêm vaccine Sinovac cho người dân. Từ ngày 30/10, người dân Singapore đã có thể đặt lịch tiêm vaccine Sinovac. Đặc biệt, người cao tuổi có thể tiêm Sinovac mà không cần đặt trước. Ngoài ra, Singapore tiếp tục triển khai tiêm liều 3 vaccine Moderna cho những người trên 30 tuổi đã hoàn thành 2 mũi tiêm cách đây 6 tháng trở lên. Các hoạt động trên nằm trong nỗ lực ứng phó với tình trạng dịch bệnh phức tạp tại Singapore khi số ca nhiễm tăng cao trong những ngày qua.
Ủy ban Quốc gia Campuchia về tiêm vaccine ngừa COVID-19 thông báo, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 5 tuổi sẽ chính thức được khởi động từ ngày 1/11. Đây sẽ là chiến dịch tiêm chủng thứ 5 liên tiếp sau khi đợt đầu tiên được bắt đầu từ ngày 10/2 vừa qua cho người trên 18 tuổi; đợt hai từ ngày 1/8 cho thanh thiếu niên tuổi từ 12-17; từ ngày 17/9 với trẻ em từ 6-12 tuổi; trong khi lực lượng tuyến đầu chống dịch được tiêm mũi tăng cường vào đầu tháng 8.
Hiện chưa có thông báo về số lượng trẻ em 5 tuổi được tiêm trong đợt này, nhưng chiến dịch tiêm chủng thứ 5 cho thấy quyết tâm của Campuchia trong việc đạt mục tiêu tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 91% trong tổng 16 triệu người dân nước này vào cuối năm nay.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Campuchia, lần đầu tiên kể từ tháng 4, số ca nhiễm được ghi nhận trong ngày tại nước này giảm xuống dưới mức 100 ca. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận 95 ca mắc mới và 7 người tử vong. Đây là ngày thứ 30 liên tiếp số ca mắc mới ở mức thấp trong bối cảnh Campuchia đang thực hiện 'trạng thái bình thường mới'. Tính đến nay, tổng số ca mắc tại Campuchia là 118.522 cư dân, trong đó 2.788 trường hợp tử vong.
Ngày 31/10, Thái Lan ghi nhận thêm 8.859 ca nhiễm mới. (Ảnh: AP)
Bộ Ngoại giao Thái Lan đã công bố danh sách sửa đổi, theo đó người dân đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, đã tiêm chủng đầy đủ có thể nhập cảnh theo chương trình mở cửa không cần cách ly từ ngày 1/11.
Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 8.859 ca nhiễm mới cùng 47 trường hợp tử vong. Tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay ở Thái Lan hiện là trên 1,9 triệu trường hợp, trong đó có 19.205 người không qua khỏi. Hầu hết các ca nhiễm mới và các trường hợp tử vong được ghi nhận kể từ khi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 từ đầu tháng 4.
Ngày 31/10, Chính phủ Lào đã quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 đến ngày 14/11. Văn phòng Thủ tướng Lào nhấn mạnh, song song với các biện pháp hạn chế, Chính phủ cũng có các biện pháp nới lỏng để tạo điều kiện cho người dân sống trong điều kiện bình thường mới. Tại các khu vực có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp hạn chế. Ở những địa phương không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, cơ sở giáo dục ở mọi cấp học được đều phép mở cửa, các dịch vụ cũng được nới lỏng.
Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 685 ca nhiễm mới và 3 người tử vong. Trong đó, thủ đô Vientiane tiếp tục là tâm dịch với 287 ca cộng đồng. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 40.271 trường hợp, trong đó có 65 bệnh nhân không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ ngày 17 - 29/10, nước này đã ghi nhận 377 ca mắc mới COVID-19. Theo người phát ngôn NHC Mễ Phong, trong 14 ngày qua, đã có 14 tỉnh thành của Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm mới lây lan trong cộng đồng hoặc các ca nhiễm không có triệu chứng. Ông thừa nhận, 'đợt dịch lần này vẫn đang diễn biến nhanh chóng'.
Tuần trước, NHC nhận định, các ca nhiễm được phát hiện kể từ ngày 17/10 ở các vùng miền Bắc và Tây Bắc nước này có thể bắt nguồn từ nước ngoài. Trung Quốc đang đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 3-11 tuổi vào cuối tháng 12 tới. Tính đến nay, khoảng 75,8% trong số 1,4 tỷ người dân nước này đã hoàn thành việc tiêm chủng, và những người đủ điều kiện đang được tiêm mũi tăng cường.
Chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang (Đông Bắc Trung Quốc) vào ngày 31/10 đã quyết định ngừng hình thức học trực tiếp đối với các cấp học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở trong một tuần bắt đầu từ ngày 1/11 để kiểm soát dịch COVID-19. Quyết định trên được đưa ra sau khi Sở Y tế tỉnh Hắc Long Giang ngày 30/10 ghi nhận 19 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Từ ngày 1/11, Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-15 tuổi bằng vaccine của Pfizer. Tính đến nay, tỷ lệ đăng ký tiêm chủng trong nhóm tuổi trên hiện ở mức khá thấp, với hơn 493.000 trẻ đăng ký, tương đương trên 26%. Trong khi đó, cũng từ ngày 1/11, Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm nhắc lại cho những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư máu, ghép tạng, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Các hoạt động trên nằm trong những biện pháp được áp dụng nhằm thực hiện kế hoạch sống chung với COVID-19 theo 3 giai đoạn mà Chính phủ Hàn Quốc mới công bố.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận 2.061 ca mắc mới COVID-19. Đến nay, tổng cộng 364.700 người ở nước này đã nhiễm bệnh, bao gồm 2.849 trường hợp thiệt mạng.
Virus SARS-CoV-2 không chỉ tấn công phổi và các cơ quan nội tạng mà còn xâm nhập vào tai trong, khiến nhiều bệnh nhân gặp các vấn đề về nghe và thăng bằng. Đây là kết luận trong nghiên cứu mới được nhóm chuyên gia Viện Công nghệ Massachusetts và Trung tâm Thính và Thị giác Massachusetts (Mỹ) công bố.
Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 đã thông báo triệu chứng đau, ù tai hay mất thính lực, dễ chóng mặt và loạng choạng khi đứng. Điều này là do virus SARS-CoV-2 xâm nhập và tấn công các tế bào của tai trong, trong đó có tế bào lông vốn đóng vai trò quan trọng trong việc nghe và giữ thăng bằng. Nhóm tác giả hy vọng, thông qua nghiên cứu này, giới chuyên gia sẽ chú ý hơn tới triệu chứng ở tai của bệnh nhân mắc COVID-19, từ đó sẽ phát triển được phương pháp điều trị mới cho người bị nhiễm trùng tai trong do virus SARS-CoV-2 và các virus khác gây ra.