Theo cụ Thứ, thửa đất số 40, tờ bản đồ số 1, xã Thủy Bằng, diện tích gần 1.000m2 do cụ cùng chồng là ông Thân Bá Quốc (đã mất) tạo lập và được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Sau khi ông Quốc qua đời, đến năm 2013, theo thủ tục phân chia thừa kế, thửa đất được UBND thị xã Hương Thủy cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho cụ Thứ (Giấy chứng nhận QSDĐ số 00316 cấp ngày 21/12/2013 (lúc này xã Thủy Bằng thuộc thị xã Hương Thủy).
Nhà và thửa đất gần 1.000m2 của cụ Hoàng Thị Thứ.
Tại thửa đất này, cụ Thứ cho con trai là ông Thân Bá Cư xây ngôi nhà cấp 4 và một người con trai khác của cụ là Thân Bá Chính sinh sống tại nhà thờ của gia đình nằm trong khuôn viên thửa đất. Vào tháng 2/2022, ông Thân Bá Chính và một số người xin đo đạc khu đất với lý do để kiểm tra hiện trạng chung. Đến tháng 3/2022, ông Chính mượn Giấy chứng nhận QSDĐ của cụ và sau đó bảo cụ đi lăn tay nhận gạo hỗ trợ hộ nghèo.
Cụ Thứ nói rằng, cụ được đưa đến nhà của ông Lê Văn Tuấn, cán bộ tư pháp - hộ tịch UBND xã Thủy Bằng để lăn tay nhận gạo, khi nhận được thông tin rằng, nếu lăn tay sẽ được nhận gạo hỗ trợ và được hỗ trợ tiền hàng tháng. Vậy nhưng, sau lần lăn tay này, thửa đất của cụ Thứ được sang tên cho vợ chồng ông Chính và việc sang tên được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Huế thực hiện.
Liên quan đến sự việc, ông Thân Bá Cư cũng làm đơn đề nghị cơ quan Công an vào cuộc điều tra, xử lý hành vi lợi dụng người già không biết chữ để đánh tráo nội dung lăn tay nhận gạo hỗ trợ bằng văn bản cho tặng đất nhằm chiếm đoạt tài sản. Đơn của ông Cư đang được cơ quan Công an điều tra xử lý theo pháp luật.
Tại cuộc họp do UBND xã Thủy Bằng tổ chức với sự tham dự của cụ Thứ và các bên liên quan, cụ Thứ khẳng định, chưa hề cho tặng hay bán cho ông Thân Bá Chính thửa đất trên. Hiện, cụ Thứ đã có đơn gửi UBND xã Thủy Bằng và UBND TP Huế yêu cầu ngăn chặn tất cả các giao dịch liên quan đến thửa đất. Sau khi nhận được đơn của cụ Thứ, UBND TP Huế chuyển đơn cho Chi nhánh Văn phòng đất đai TP Huế và UBND xã Thủy Bằng giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết, nội dung phản ánh của cụ Thứ đang được chính quyền xã phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết theo chỉ đạo của UBND TP Huế. Về nội dung phản ánh của cụ Thứ, cụ bị dẫn đến nhà cán bộ xã lăn tay điểm chỉ, theo ông Lê Văn Thìn, nếu cán bộ xã có sai trong vụ việc này là sai về quy trình chứ không có chuyện đánh tráo văn bản khi cụ Thứ lăn tay điểm chỉ nhằm mục đích xấu. Quy trình chứng thực này hiện đang được lãnh đạo xã chỉ đạo làm rõ để xử lý cán bộ nếu có sai phạm.
Trong khi đó, ông Lê Văn Tuấn, cán bộ tư pháp - hộ tịch UBND xã Thủy Bằng xác nhận, cụ Thứ đã được người thân đưa đến nhà riêng của ông để lăn tay điểm chỉ. Trước khi lăn tay điểm chỉ, cụ Thứ đã được đọc cho nghe văn bản. Ngoài ra, việc lăn tay điểm chỉ của cụ Thứ còn có sự chứng kiến của 2 người bà con họ hàng với cụ Thứ. Trả lời câu hỏi, vì sao việc chứng thực không diễn ra tại trụ sở UBND xã mà lại thực hiện tại nhà riêng của cán bộ?, ông Tuấn giải thích là do cụ Thứ đã già yếu nên xã muốn tạo điều kiện thuận lợi cho cụ Thứ(?!)
Nói về sự việc, Luật sư Võ Công Hạnh, Công ty Luật Công Khánh (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho rằng, việc chứng thực văn bản tặng cho QSDĐ trong trường hợp này là hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch. Theo quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch: “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”.
Tại khoản 9, Điều 2, Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: “Người thực hiện chứng thực” là trưởng phòng, phó trưởng phòng tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; công chứng viên của phòng công chứng, văn phòng công chứng; viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài”.
Xét thấy trong trường hợp này, ông Lê Văn Tuấn là cán bộ tư pháp - hộ tịch UBND xã Thủy Bằng, ông Tuấn không phải là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, do đó ông Tuấn không có thẩm quyền thực hiện chứng thực theo quy định. Về địa điểm chứng thực, cụ Hoàng Thị Thứ được đưa đến nhà riêng của ông Lê Văn Tuấn, cán bộ tư pháp - hộ tịch UBND xã Thủy Bằng để điểm chỉ chứng thực văn bản tặng cho QSDĐ là không đúng quy định về địa điểm chứng thực theo quy định tại Điều 10, Nghị định 23/2015/NĐ-CP. Việc ông Tuấn lấy lý do cụ Thứ thuộc diện già yếu để thực hiện chứng thực ngoài trụ sở cơ quan, cụ thể tại nhà của ông Tuấn là không đủ cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tế. Bởi lẽ, ông Tuấn không phải là người có thẩm quyền thực hiện chứng thực cho cụ Thứ.
Mặt khác, nếu trường hợp ông Tuấn có thẩm quyền chứng thực thì việc chứng thực cho người thuộc diện già yếu, không thể đi lại được đáng lẽ ra phải được thực hiện tại nhà của cụ Thứ mới phù hợp.