Ngày 18/5, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP.Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Đỗ Văn Bình (SN 1981, trú thôn Vạn Phúc, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội) để điều tra về hành vi 'Giết người', 'Cướp tài sản'.
Đỗ Văn Bình là nghi phạm trong vụ án giết người hàng loạt xảy ra trong 2 ngày tại địa phận huyện Mê Linh (Hà Nội) và tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại cơ quan công an, Bình khai, chiều 15/5, khi đang lái xe Fortuner đi trên đường xã Vạn Yên thì xảy ra va chạm giao thông với xe máy do anh Hà Văn Hưng (SN 1985, trú xã Chu Phan) điều khiển và chở theo Đoàn Văn Tùng (SN 1996, trú xã Vạn Yên).
Đối tượng Đỗ Văn Bình tại cơ quan điều tra
Sau va chạm giao thông, anh Hưng và Tùng dùng bình xịt hơi cay và gậy, gạch tấn công và rồi ép Bình phải xin lỗi. Sau trận đòn này, Bình bực tức, nảy sinh ý định trả thù. Bình dùng dao phóng lợn đã chuẩn bị sẵn đâm trúng bụng khiến anh Hưng tử vong tại chỗ.
Ra tay xong, Bình lái xe ôtô về đón anh Tùng lên xã Bắc Bình (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) sau đó dùng dao đâm anh Tùng tử vong.
Trong quá trình lẩn trốn về Vĩnh Phúc, Bình khai còn ra tay với hai phụ nữ khác ở Vĩnh Phúc do có mâu thuẫn từ trước. Hiện một trong hai nạn nhân đã tử vong, một nữ nạn nhân khác đang được điều trị tại Vĩnh Phúc.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của nghi phạm không những đã tước đi quyền được sống của người khác mà còn xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ.
Chiếc xe mà nghi phạm sử dụng trong quá trình từ Hà Nội đến Vĩnh Phúc
Xuất phát va chạm giao thông, giữa 2 bên xảy ra xô sát đánh chửi nhau. Dù đã được mọi người can ngăn, sự việc chấm dứt nhưng do bực tức việc bị đánh nên Bình đã lên kế hoạch, chuẩn bị hung khí dao chọc tiết lợn mang theo để trả thù nạn nhân.
Biết hành vi phạm tội của mình sẽ bị trừng trị nghiêm khắc theo pháp luật nhưng nghi phạm tiếp tục lên danh sách những người có mâu thuẫn để sát hại. Xét hành vi của nghi phạm thấy trong cùng một thời điểm đã liên tiếp phạm nhiều tội với tính chất và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nghi phạm đã tước đoạt tính mạng của 3 người, 1 người bị trọng thương và chiếm đoạt tài sản của người khác trên đường bỏ chạy.
Hành vi phạm tội của nghi phạm đã cấu thành tội Giết người và tội Cướp tài sản. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm a, e, n khoản 1 Điều 123 và Điều 168 BLHS 2015. Kết quả định giá tài sản giá trị tài sản chiếm đoạt sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo định khoản tội Cướp tài sản.
Theo Luật sư Thơm, đây là vụ án giết người, cướp tài sản với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của nghi phạm đã xâm phạm đến quyền được sống và quyền sở hữu tài sản của người khác một cách trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương. Nếu nghi phạm có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, thì nghi phạm phải đối mặt với tổng hợp hình phạt chung cho cả 02 tội cao nhất đến tử hình.
Điều 123. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
n) Có tính chất côn đồ;
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.