Giá xăng trong nước ngày mai có thể tăng trên 33.000 đồng/lít?
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương được cập nhật vào ngày 7/6 cho thấy, giá xăng trên thị trường Singapore tiếp tục neo ở mức rất cao. Cụ thể, giá xăng RON 92 hiện có giá 1,48,36 USD/thùng, xăng RON 95 có giá 154,9 USD/thùng, dầu hỏa 168,07 USD/thùng, dầu diesel có giá 170,44 USD/thùng.
Giá xăng có thể đạt mức kỷ lục chưa từng có vào ngày mai.
Mức giá này tăng khoảng 2% - 3% so với kỳ điều chỉnh lần trước, vào ngày 1/6/2022.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội cho biết: Với mức tăng này, nếu Liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích quỹ bình ổn xăng dầu (BOG), giá xăng trong nước trong kỳ điều chỉnh ngày mai sẽ tiệm cận, thậm chí vượt qua ngưỡng 33.000 đồng/lít, tức là tăng thêm 1.500 - 2.000 đồng/lít so với giá hiện tại.
Tuy nhiên, lãnh đạo này nhấn mạnh: Trong bối cảnh giá dầu thế giới hiện nay đang liên tục tăng cao, việc sử dụng quỹ BOG là điều không tránh khỏi, vì đây là công cụ duy nhất ở thời điểm hiện tại có thể làm cho giá xăng, dầu trong nước hạ nhiệt.
“Để giá xăng trong nước không tăng quá cao, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, gần như chắc chắn sẽ sử dụng quỹ BOG, tuy nhiên, sử dụng ở mức nào, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi cho rằng, giá xăng ngày mai, nếu sử dụng quỹ BOG, giá xăng sẽ tăng trên dưới 800 đồng/lít”, vị này nói.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác nhận định: Giá xăng có thể tăng khoảng 1.000 đồng/lít. Nguyên nhân là do quỹ BOG của nhiều doanh nghiệp lớn đang âm.
“Các doanh nghiệp lớn hầu như đang âm quỹ BOG, nên mức chi để bình ổn chắc chắn có nhưng sẽ không cao”, vị này nói thêm.
Làm gì để “chặn đà” tăng của xăng dầu
Hiện nay, rất nhiều ý kiến chuyên gia đã đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính điều chỉnh một số mức thuế liên quan tới giá xăng dầu, như thế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT.
Ngay trong phiên trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV trong tuần vừa qua, đề tài làm thế nào để “chặn đà” tăng của xăng dầu cũng đã làm “nóng” nghị trường.
Đơn cử, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, bà Nguyễn Thị Nga đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục có các biện pháp giảm các khoản thuế xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian này.
Về vấn đề này, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, giá xăng dầu hiện nay tăng cao và việc đặt ra vấn đề có nên tiếp tục giảm thuế, không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện nay, rất nhiều ý kiến chuyên gia đã đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính điều chỉnh một số mức thuế liên quan tới giá xăng dầu.
Liên quan đến thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 4.000 đồng/lít, Bộ Tài chính đã đề xuất và được Thường vụ Quốc hội chấp thuận, giảm 2.000 đồng/lít, gây hụt thu 24.000 tỷ đồng thu ngân sách. Thường vụ Quốc hội chỉ được quyết định giảm thêm 1.000 đồng nữa, còn nếu muốn giảm tiếp 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Còn các loại thuế khác như thuế suất thuế nhập khẩu FTA 8% theo lộ trình, thuế VAT 10% hay có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, không là thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tuy nhiên, trước mắt, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động và báo cáo với Chính phủ để trình với Thường vụ Quốc hội, Thường vụ Quốc hội trình với Quốc hội để có thể yêu cầu giảm thuế trong xăng dầu, từ đó, tác động đến giảm giá xăng dầu.
Tuy nhiên, theo ông, để giảm giá xăng dầu phải thực hiện chính sách đồng bộ, chứ không đơn thuần giảm thuế.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện nhất quán, đúng quy định trong việc điều hành giá xăng dầu trong nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhưng vẫn mang lại thuận lợi nhất trong điều kiện có thể cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, các cơ quan này sẽ sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Từ đầu năm đến kỳ điều hành gần nhất ngày 1/6/2022 vừa qua, giá giao dịch bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới tại thị trường Singapore đã tăng 45,86% - 63,68%.
Tuy nhiên, nhờ sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu linh hoạt, hợp lý trong suốt thời gian qua, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng 27,29% - 47,89%.
Bên cạnh đó, liên Bộ Công thương - Tài chính cũng sẽ tính tới việc điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Để có thể điều chỉnh giảm giá xăng dầu là trách nhiệm không chỉ của liên Bộ Công thương - Tài chính, mà của cả các bộ, ngành khác, theo đó cần hướng tới các giải pháp khác như: đề xuất các chính sách an sinh để hỗ trợ người dân, đặc biệt các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách…; các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến động giá xăng dầu…
Giá dầu thế giới đang đối mặt với áp lực tăng giá
Trong khi đó, giá dầu thế giới trong mấy ngày qua đảo chiều liên tục. Nếu trong ngày hôm qua (11/6), giá dầu thế giới thiết lập “đỉnh” 3 tháng, trong đó, dầu WTI giao dịch ở ngưỡng 122 USD/thùng, dầu Brent gần 124 USD/thùng, thì hôm nay (10/6), giá xăng giảm “nhẹ” còn 121,6 USD/thùng đối với dầu WTI, và 123,4 USD/thùng đối với dầu Brent.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường châu Á-Thái Bình Dương cấp cao của OANDA cho biết giá dầu bị tác động bởi tin tức phong tỏa trong ngày của một quận thuộc Thượng Hải để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19, làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu nguồn cầu ở Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nhu cầu về nhiên liệu động cơ phục hồi trong mùa cao điểm mùa hè bất chấp giá bán cao ngất ngưởng.
Jeremy Weir, Giám đốc điều hành của Trafigura dự đoán giá dầu có thể sớm chạm mức 150 USD/thùng trong một vài tháng tới và thị trường có thể chứng kiến nhu cầu bị phá hủy vào cuối năm nay.
Cũng cùng quan điểm, các nhà phân tích tại Morgan Stanley dự báo giá dầu thô có thể tăng lên 150 USD/thùng trong quý ba năm nay.