Người Hà Nội đổ ra đường đón Trung thu, nguy cơ bùng phát dịch trở lại cao (ảnh minh hoạ)
Dịch nguy cơ bùng phát trở lại
Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn cho rằng 'nguy cơ bùng phát dịch trở lại là cao'.
Bởi theo PGS. TS Việt Hùng, Hà Nội mới chỉ nới lỏng giãn cách và F0 vẫn tiềm ẩn ở ngoài cộng đồng chứ không phải đã loại bỏ hết.
'Hà Nội vẫn đang thực hiện Chỉ thị 15 chứ đã bỏ hết giãn cách đâu, đã phải về bình thường như trước đâu mà lại để như vậy?', PGS.TS Hùng lo ngại.
Quan trọng nhất ở thời điểm nới lỏng này theo PGS. TS Hùng không nên căn cứ vào số F0 nhiều hay ít, cũng không thể trở về trạng thái trước đây, do đó, khi trở về trạng thái 'bình thường mới' cần phải quản lý những đối tượng có nguy cơ và chỉ cho phép người có nguy cơ lây nhiễm thấp cho cộng đồng thì được đi lại, đi làm trước, chứ không thể cào bằng.
'Quan điểm của tôi là vẫn phải cấp thẻ xanh cho người an toàn (đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, từng nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi) trong thời gian mức độ bao phủ vắc xin của mình chưa đạt được 80-90% thì vẫn phải quản lý.
Với những người có thẻ xanh- những người an toàn trong cộng đồng hơn thì được gỡ bỏ các biện pháp giãn cách trước để đi lại, làm việc ở những khu vực dịch vụ, sản xuất có nguy cơ cao lây nhiễm Covid. Những đối tượng này có miễn dịch hoặc bản thân đã được xét nghiệm thì được đến những nơi có nguy cơ cao.
Cũng có một số quan điểm cho rằng việc cấp thẻ xanh không công bằng nhưng theo tôi hiểu như thế là không đúng, vì việc chống dịch chúng ta phải làm. Bởi tất cả ở nhà cũng không được mà tất cả đi thì cũng nguy hiểm', PGS. TS Hùng phân tích.
Đối với việc người dân vi phạm khoảng cách 5K tại khu vực phố cổ Hà Nội vào đêm Trung thu theo PGS. TS Hùng có thể xử phạt nhưng 'nếu không có tiêu chí giới hạn người ta trước thì cũng khó'.
'Không nhẽ phạt hàng nhìn người? Nên cần phải có sự chủ động trước để hạn chế tình trạng này. Theo đó, chính quyền cần có quản lý phù hợp', PGS. TS Hùng nói.
Chỉ ra đường nếu phải bắt buộc
Một chuyên gia đề nghị không nêu tên cũng bày tỏ lo ngại trước việc người dân đổ ra đường đón Trung thu, trong đó có không ít em nhỏ.
'Dịch còn tiềm ẩn nguy cơ, khẩu trang thôi chưa đủ bảo vệ vì trong cộng đồng ở Hà Nội vẫn còn các F0 lẩn khuất. Việc tiêm một mũi vắc xin chưa đủ để bảo vệ cá nhân thoát khỏi nguy cơ nhập viện và nguy cơ tử vong do Covid.
Ngay cả đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì vẫn bị lây nhiễm và lây cho thành viên gia đình – những người có thể vì nhiều lý do chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ lâu để sinh kháng thể chống lại vi rút. Với biến chủng Delta ở đợt dịch thứ 4 này có tốc độ lây lan nhanh'.
Do đó, ông hết sức e ngại khi 'vì một lý do không chính đáng hoặc không cần thiết mà người dân lại…túa ra đường để không biết chừng ba bốn tuần nữa lại phải siết chặt, như thế có đáng không?'.
'Hãy chỉ ra đường và gặp gỡ giao lưu nếu chúng ta bắt buộc phải làm điều đó.
Tôi ủng hộ việc nới rộng kiểm soát để duy trì sản xuất và kinh doanh. Nhưng ít nhất phải đợi đến khi vắc xin có tác dụng với những người đã tiêm và kiểm soát được nguy cơ cho người chưa tiêm', vị này nhấn mạnh.
Trả lời báo chí vào sáng nay, ông Trương Quang Việt - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho biết, việc người dân Hà Nội đổ ra đường để đi chơi đêm Trung thu tối 21/9 là không thực hiện theo khuyến cáo của UBND TP Hà Nội.
Chỉ thị 22 của TP Hà Nội đã nêu rõ toàn thành phố thực hiện theo Chỉ thị 15 và cao hơn Chỉ thị 15, khuyến cáo ai không có việc gì thì nên ở nhà, không nên ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết. Thế nhưng người dân đã không thực hiện theo khuyến cáo, điều này rất nguy hiểm vì mầm bệnh thâm nhập vẫn còn, vẫn trong cộng đồng, tiếp xúc nhiều sẽ tăng nguy cơ lên.
Chỉ thị của Hà Nội nêu rõ việc ra ngoài đường không được tụ tập đông người, có thể tập thể dục buổi sáng ở ven hồ, nhưng phải dưới 10 người và giữ khoảng cách 2 m…
Theo ông Việt, chế tài xử lý đối với việc này có đầy đủ nhưng số lượng người đi chơi đông như đêm qua rất khó cho lực lượng chức năng. Vì thế ông mong muốn người dân Hà Nội không lơ là chủ quan và tuân thủ đúng các hướng dẫn, quy định của thành phố để đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Có xử phạt được người dân đi chơi Trung thu?
Dưới góc độ luật pháp, Luật sư Trịnh Thị Việt Kiều, PGĐ Cty Luật TNHH HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhấn mạnh, việc Hà Nội áp dụng một số biện pháp nới lỏng giãn cách không đồng nghĩa với việc gỡ bỏ hoàn toàn cách biện pháp/quy định về phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, Hà Nội vẫn áp dụng và duy trì Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020; 15+ (tăng cường thêm một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế). Bổ sung áp dụng Chỉ thị 22/CT-UBND ngày 20/9/2021,...
Tiếp tục duy trì các chốt, nhiều hoạt động vẫn tạm dừng; tăng cường kiểm soát và đề nghị người dân thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế...
Vậy nên, các hành vi vi phạm các quy định áp dụng hiện hành đều sẽ bị/phải bị xử phạt nghiêm. Việc xử phạt thì áp dụng theo các văn bản quy định hiện hành đối với từng hành vi, mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi gây ra.
Theo đó nếu người dân cố tình vi phạm 5K thì sẽ xử phạt theo Nghị Định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020. Trong trường hợp cố tình vi phạm 5K gây hậu quả nghiêm trọng (làm lây lan dịch bệnh cho người khác) thì không còn đơn thuần bị xử phạt Hành chính mà bị xem xét xử lý hình sự theo điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổ, bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Cụ thể, tại Điều 240, Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định phạt tiền tối tối thiểu từ 50.000.000 đồng; phạt tù tối thiểu từ 1 năm đến tối đa 12 năm. Ngoài ra, tội cố tình vi phạm 5K gây hậu quả nghiêm trọng (làm lây lan dịch bệnh cho người khác) còn có thể bị áp dụng biện pháp bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.