Phiên tòa xét xử vụ án chạy thận ở Hòa Bình đã bước vào những ngày cuối cùng. Trước khi Tòa tuyên án trong một vài ngày tới theo dự kiến, Báo Điện tử Tri thức Trẻ đã có một cuộc phỏng vấn độc quyền với bác sĩ Hoàng Công Lương - là bị cáo được chú ý nhất, được nhận nhiều cảm thông, ủng hộ nhất và cũng gây tranh cãi nhất trong phiên tòa.
PV: Trong phiên tranh tụng ngày hôm qua, khi nói những lời cuối cùng để bào chữa cho mình trước HĐXX, anh không bào chữa gì cho bản thân, mà chỉ nói về nguyện vọng của anh nếu anh bị đi tù. Tại sao lại thế?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Vì tôi nghĩ rằng, đến thời điểm này, tôi đã làm tất cả hết sức mình có thể bằng tất cả sức lực, kiến thức, y đức của mình khi sự cố xảy ra. Tôi cũng đã làm tất cả những điều cần làm và có thể làm với tư cách bị cáo. Điều duy nhất tôi day dứt là không cứu được 9 bệnh nhân đó. Nỗi đau của các gia đình bệnh nhân làm người bác sĩ điều trị như tôi không bao giờ thanh thản được.
Dù kết quả có thế nào, tôi cũng cảm ơn gia đình, cảm ơn các luật sư bào chữa cho tôi, cảm ơn các bác sĩ điều trị cho tôi khi tôi gặp khủng hoảng tâm lý, cảm ơn gia đình nạn nhân, cảm ơn những người đã ủng hộ tôi, động viên tôi, sát cánh bên tôi trong suốt thời gian qua. Không có họ thì tôi không thể chống chọi với khó khăn này trong suốt gần 2 năm qua.
Nên ngày hôm qua, tôi không muốn bào chữa gì nữa, không muốn tranh luận gì về tội danh của mình nữa. Tôi chỉ muốn nói lên nguyện vọng cuối cùng của mình, rằng, nếu tôi có tội và phải đi tù, thì hy vọng sau phiên tòa này, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục sẽ phải thay đổi trong việc đào tạo, trang bị kiến thức cho sinh viên các thế hệ sau.
Để, nếu là có ai đó trở thành một bác sĩ chuyên về lọc máu như tôi thì phải bắt buộc biết về chất lượng nước, cách kiểm tra chất lượng nước, về quy trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO và cả quy trình kiểm soát chất lượng nước RO dùng trong lọc máu - đó là thứ tôi không hề được dạy.
Tôi cũng hy vọng rằng, sau vụ án hy hữu chưa từng có trong lịch sử ngành Y tế của Việt Nam này, Luật Y tế sẽ được ra đời. Nó sẽ là hành lang pháp lý, vừa để cảnh báo bác sĩ chúng tôi về những nhiệm vụ bắt buộc chúng tôi phải làm, vừa để bảo vệ chúng tôi trước những nguy cơ pháp lý mà chúng tôi có thể phải đối mặt.
Để chúng tôi có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ chữa bệnh cữu người.
Tôi mong sẽ không còn bác sĩ nào phải rơi vào hoàn cảnh như tôi: hoàn toàn ngơ ngác khi mình bị bắt.
PV: Khi VKS thay đổi tội danh với anh lần thứ 3, truy tố anh với tội danh nặng hơn và mức án cũng nặng hơn rất nhiều, luật sư bào chữa của anh nói với tôi rằng anh đã thực sự thất vọng?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Đó chính xác là cảm giác của tôi. Trong phiên tòa đầu tiên, tôi bị VKS truy tố với tội danh 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' và VKS đề nghị mức án treo dành cho tôi.
Chị theo dõi diễn biến phiên tòa nên chắc cũng biết, trong phiên tòa, luật sư bào chữa cho tôi chứng minh được rằng đã có những người làm giả tài liệu, để gán cho tôi vị trí, trách nhiệm mà tôi chưa bao giờ được giao - mà đó lại là căn cứ chính để buộc tội tôi. Lúc đó tôi ngập tràn hi vọng rằng mình sẽ được đình chỉ bị can, sẽ được tuyên vô tội.
Nhưng sau nhiều lần điều tra bổ sung rồi thay đổi tội danh, mức án của tôi nặng hơn, tội danh của tôi nặng hơn. Tôi thực sự rất bàng hoàng. Tôi có hỏi luật sư của tôi: 'Có phải chúng ta càng hy vọng, càng đấu tranh quyết liệt, thì mức án sẽ càng nặng hơn phải không'?
Khi ấy luật sư của tôi nói với tôi rằng, tôi cần phải tin tưởng vào bản thân và công lý.
PV: Nhưng tôi nhớ, khi tôi phỏng vấn anh trước phiên tòa đầu tiên diễn ra hồi tháng 5/2018, anh nói với tôi rằng, anh mong chờ phiên tòa, vì anh tự tin rằng anh vô tội.
Thế mà những ngày rồi theo dõi phiên tòa, tôi thường thấy anh ngồi ủ rũ trên băng ghế dành cho bị cáo. Lòng tin của anh về sự vô tội của mình lẽ nào đã mất đi?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Nếu chị là tôi thì có lẽ chắc sẽ dễ dàng hiểu được những thay đổi về tâm lý của tôi suốt một năm qua. Đúng là tôi đã rất tự tin ở phiên tòa trước, nhất là khi HĐXX ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nên khi bị truy tố với tội danh mới nặng nề hơn rất nhiều, tôi hoàn toàn suy sụp. Đến mức gia đình phải đưa tôi vào bệnh viện điều trị tâm lý.
Khi ấy, những bác sĩ điều trị tâm lý cho tôi, cũng là đồng nghiệp của tôi trong ngành Y đã nói với tôi rằng: 'Để có thể khỏi bệnh, cậu không có cách nào khác là phải đối mặt với vấn đề của chính mình - chính là đối mặt với phiên tòa này, đối mặt với cáo buộc từ VKS…'.
Tôi đã cố gắng nghe theo lời khuyên đó, tham dự phiên tòa này dù mỗi ngày xét xử là một ngày đày đọa về tinh thần. Tôi cũng dặn lòng phải cố gắng giữ cho mình niềm tin ban đầu. Vì tôi không có lựa chọn nào ngoài việc tin tưởng vào công lý và sự vô tội của mình. Mà nếu không có niềm tin, chắc là tôi sẽ gục ngã.
PV: Vậy nếu đặt tình huống xấu nhất: anh sẽ bị tuyên có tội, sẽ phải vào tù, thì anh sẽ làm gì?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Thì như tôi vẫn nói với chị khi chị phỏng vấn tôi trước phiên sơ thẩm lần 1, tôi sẽ vẫn đi đến cùng, sẽ vẫn tiếp tục kháng cáo, tiếp tục kêu oan, kể cả khi tôi phải vào tù. Vì tôi thực lòng tin mình vô tội và đã làm hết chức trách, nhiệm vụ của người bác sĩ.
Nhưng đó là chuyện sau này. Lúc này tôi chỉ chờ đợi kết quả phiên tòa, vì sau gần hai năm đối diện với luật pháp, tôi hiểu rằng mọi thứ đều có thể xảy ra…
PV: Suốt những ngày phiên tòa diễn ra, anh làm gì để giữ vững tinh thần của mình?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Các bác sĩ điều trị cho tôi ở BV Bạch Mai thường xuyên lên đây để động viên tôi phải có mặt ở phiên tòa này. Kể cả trong suốt quá trình phiên tòa diễn ra vừa qua, các bác sĩ vẫn từ Hà Nội lên đây, bám rất sát tình hình sức khỏe của tôi mỗi ngày. Những lúc mệt mỏi quá, tôi có thể ủy quyền cho luật sư trả lời thay mình trước tòa.
Thời gian tôi suy sụp, tôi thường lủi thủi ở nhà một mình, không giao tiếp với mọi người, thậm chí không chơi với con. Nhưng tôi đang cố gắng cải thiện việc đó, cố gắng chơi với con nhiều hơn, cố gắng trò chuyện, chia sẻ với vợ nhiều hơn.
Những ngày diễn ra phiên tòa, nhà tôi rất đông các cô, các bác, anh chị và bố mẹ hai bên nội ngoại từ dưới quê lên chơi. Tất cả đều yêu quý tôi và không muốn tôi có thời gian một mình để thêm suy nghĩ quẩn quanh.
Buổi tối mỗi ngày sau khi phiên tòa kết thúc, tôi trở về nhà, ăn cơm với đại gia đình mình. Không một ai trong chúng tôi nhắc đến vụ án, nhắc đến phiên tòa. Chúng tôi cùng ngồi xem phim với nhau, cùng trò chuyện về gia đình mình, chỉ cười cười nói nói. Chúng tôi chọn cách tạm gạt cơn bão đó ra khỏi mái ấm của mình.
Có người thân ở cạnh động viên, tôi thấy mình can đảm, ấm áp hơn, vững tâm hơn, vì biết mình không đơn độc.
PV: Điều anh sợ nhất là gì, nếu như sau phiên tòa này, anh bị phán quyết có tội?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Tôi sợ mình không được làm bác sĩ nữa. Vì nếu không được làm bác sĩ, tôi không biết làm gì khác. Mà đó là giấc mơ cả đời tôi theo đuổi. Đó là bao tâm huyết đèn sách của tôi, là cả kỳ vọng của cả gia đình, dòng họ đặt vào tôi.
Tôi cũng lo sợ cho gia đình mình. Đôi khi, tôi hãy nghĩ về việc nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, thì điều gì sẽ đến với gia đình tôi, vợ con tôi? Chắc là sẽ khó khăn nhiều lắm vì vợ tôi hiền lành, yếu đuối, hai con gái thì còn quá nhỏ.
Dù thế nào, chúng tôi cũng cam kết sẽ cùng nhau đối mặt, cùng nhau chiến đấu. Nếu chiến đấu hết mức có thể mà không được, thì chắc là phải chấp nhận số phận của mình thôi.
PV: Nếu anh biết rằng sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, mức án mà anh bị đề nghị sẽ nặng hơn, tội danh anh bị truy tố sẽ nặng hơn và thay vì mức án 36 tháng tù treo như VKS đề nghị ban đầu, anh sẽ phải vào tù thực sự, thì anh có hối hận vì mình đã đấu tranh không? Anh có làm khác đi nếu được lựa chọn lại lần nữa?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Không! Tôi tuyệt đối không ân hận. Vì dù có quay lại, tôi sẽ vẫn chọn đấu tranh.
Mà phiên tòa chưa kết thúc. Cả tôi và chị đều không biết kết quả sẽ thế nào. Tôi vẫn tin rằng HĐXX sẽ là những người cầm cân nảy mực công tâm nhất, vì mỗi quyết định của họ, sẽ liên quan đến đến tương lai, đến sự nghiệp, đến hạnh phúc của cả một đời người và cả những người thân của họ nữa.