Các đại biểu cắt băng khai mạc chương trình
Đan Phượng - Điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng
Là huyện ngoại thành phía Tây Thủ đô Hà Nội, Đan Phượng được biết đến là vùng đất 'địa linh nhân kiệt', giàu truyền thống lịch sử; với đặc trưng của văn hoá xứ Đoài, nơi đây đã sản sinh ra nhiều loại hình văn hoá dân gian độc đáo như chèo tàu Tân Hội, ca trù Thượng Mỗ, thả diều Bá Giang…góp phần làm phong phú nền văn hoá Thăng Long - Hà Nội.
Các đại biểu dự Lễ khai mạc chương trình
Bên cạnh đó, Đan Phượng cũng là nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hoá dày đặc và đa dạng, một số di tích có giá trị lịch sử văn hoá tiêu biểu gắn với cuộc khởi nghĩa Lý Bí và thành cổ Ô Diên như Khu di tích tâm linh xã Hạ Mỗ; khu di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật như di tích cấp quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, đình Đông Khê…cùng nhiều sản phẩm quê hương được kết tinh từ các làng nghề truyền thống như: Rượu Bá xã Hồng Hà, đậu Trúng Đích xã Hạ Mỗ, nem Phùng, kẹo lạc Tháp Thượng…xã Song Phượng.
Đan Phượng được biết đến với hình ảnh người dân khéo léo, thân thiện, mến khách; cái nôi của phong trào 'Phụ nữ Ba đảm đang'; Quê hương vinh dự được 5 lần đón Bác Hồ về thăm; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; là huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố Hà Nội.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam phát biểu chào mừng chương trình
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho biết, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện hằng năm đạt trên 10%. Để thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa bền vững, ngày 15/7/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 45 về 'Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'. Nghị quyết tập trung vào một số quan điểm nhất quán đó là: Phát triển công nghiệp văn hóa đặt trong tổng thể dựa trên nền tảng phát triển văn hóa - con người Thủ đô nói chung và Đan Phượng nói riêng; đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
'Sự kiện Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023 chính là cơ hội để huyện quảng bá, giới thiệu được toàn diện những nét đẹp văn hóa, ẩm thực, du lịch...tiêu biểu trên địa bàn huyện đến đông đảo du khách thập phương với thông điệp 'Đan Phượng - Điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng'. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để huyện thu hút các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội du lịch, với những tài nguyên sẵn có của huyện' - đồng chí Lê Thanh Nam chia sẻ.
Nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa
'Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023' là sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động Chương trình 'Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023' đã được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương Mại và Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức thành công tại các huyện Đông Anh, Ba Vì, Ứng Hòa, Sóc Sơn trong năm nay.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương Mại và Du lịch Thành phố Nguyễn Ánh Dương phát biểu khai mạc chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương Mại và Du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, sự kiện được tổ chức nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Đồng thời gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Qua đó gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Mặc dù mới khai mạc nhưng sự kiện đã thu hút hàng nghìn người dân đến thăm quan và mua sắm
Chương trình được kỳ vọng là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái đến khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô. Từ đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê, truyền thống văn hóa, du lịch và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.
Festival có quy mô 90 gian hàng và các không gian quảng bá, trên 1.000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, OCOP tiêu biểu của huyện Đan Phượng, của thành phố Hà Nội và 20 tỉnh, thành trong cả nước. Toàn bộ không gian Festival được thiết kế đẹp mắt, dàn dựng hoàn toàn trong không gian mở với nhiều mô hình, tiểu cảnh nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, gắn kết du lịch nông nghiệp, mang đậm dấu ấn địa phương, thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm.
Festival được tổ chức từ ngày 16-19/11/2023
Trong các ngày diễn ra chương trình, nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa sẽ được tổ chức như: Liên hoan ẩm thực huyện Đan Phượng; trình diễn nồi cháo se lập kỷ lục GUINNESS Việt Nam; trình diễn bánh tẻ và cơm nắm muối vừng; liên hoan thả diều truyền thống mở rộng; biểu diễn nghệ thuật hát ca trù, chèo tàu, hát văn, hát chèo; tổ chức các hoạt động, trò chơi dân gian …