Hãng tin AP đăng tải, hàng tỷ USD tiền thuế đang rót vào các bang và bệnh viện tại Mỹ trong gói ngân sách đối phó COVID-19 lên tới 2,2 nghìn tỷ USD, sẽ không giải quyết được các vấn đề mà y bác sỹ đang phải đối mặt: tình trạng thiếu trầm trọng quần áo bảo hộ, găng tay và khẩu trang.
Giới chuyên gia chỉ ra, thách thức không phải là thiếu tiền mà là không có đủ những thiết bị trên để mua. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng cũng hé lộ một hệ thống thu mua không thống nhất và giờ đây đang trở nên hỗn loạn khi nhu cầu đồng loạt gia tăng trong nền y tế Mỹ.
Bệnh viện, chính quyền bang và Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang hiện đang 'đấu thầu' với nhau và đẩy giá các mặt hàng lên.
Trong hơn một tuần, sau khi đồng loạt yêu cầu chính quyền của mình tìm kiếm nguồn cung hàng sẵn sàng, các thống đốc bang giờ đây đang phàn nàn với Tổng thống Donald Trump về việc không có một sự điều phối hiệu quả.
'Phần lớn mọi bang đều tự mình làm chuyện của mình', Bộ trưởng Tài chính ban Virginia Aubrey Layne chỉ ra. Nếu một tuần trước, khẩu trang chỉ có giá 2,5 USD thì giờ đây giá đã đội lên tới 9 USD và các nhà cung cấp khẳng định, 'có rất nhiều người đang tìm mua' và sẵn sàng mua với mức giá cao. 'Chủ nghĩa cơ hội ở mọi nơi', ông Layne nói.
Một y tá đang rửa tay sau khi tháo găng tay tại Seatle (ảnh: getty images)
Ngay cả khi nếu ai đó sử dụng tiền ngân sách và xây dựng các hạ tầng để sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ và găng tay, vấn đề cũng không thể được giải quyết bởi vì tất cả các vật liệu cần thiết đều không được sản xuất tại nước Mỹ.
'Các nhà cung cấp vật liệu thô cần phải tăng cường năng lực của mình để kịp cung cấp thêm vật liệu cho các nhà sản xuất – nhưng điều đó cần thời gian và có thể sẽ không làm được nếu các nhà cung cấp đến từ những nơi cũng đang chịu ảnh hưởng của virus corona mới', bà Kaitlin Wowak, một trợ lý giáo sư tại Đại học Notre Dame phân tích. 'Virus đang lây lan với tốc độ cực nhanh vì vậy hiển nhiên nhu cầu cho thiết bị bảo hộ và các nhu yếu phẩm y tế khác sẽ đi theo cùng quỹ đạo. Viễn cảnh thật đáng sợ vì các bệnh viện vốn đã thiếu thốn các vật dụng như vậy'.
Y bác sỹ tại các 'điểm nóng' như New York và New Orleans đang phải chăm sóc các bệnh nhân nhiễm COVID-19 mà không có đủ khẩu trang, găng tay hay quần áo bảo hộ,
'Vấn đề này không thể chỉ được giải quyết bằng tiền', giáo sư về quản lý chuỗi cung cấp tại Đại học Ohio Miami Lisa Ellram đánh giá.
Cũng giống như các khách hàng đang phải đứng trước những kệ hàng không còn giấy vệ sinh, chính quyền bang và bệnh viện cũng phải đối mặt với những kho hàng thiết bị trống rỗng.
Tuần trước AP đưa tin, việc nhập khẩu các nhu yếu phẩm y tế bị sụt giảm do nhà máy tại Trung Quốc đóng cửa và các nhà sản xuất tại đây được chỉ thị ưu tiên bán hàng trong nước hơn là xuất khẩu.
Giờ đây nút thắt cổ chai ngày càng hẹp hơn khi dịch bệnh đang càn quét toàn cầu. Nhiều nhà sản xuất tại Đông Nam Á và Mỹ Latin bị yêu cầu phải đóng cửa hoặc giới hạn sản xuất. Tại Malaysia – nơi sản xuất 75% găng tay y tế của thế giới, các nhà máy dừng hoạt động hoặc chỉ được phép mở cửa với một nửa công nhân.
Riêng trong tháng này, giá trị vận chuyển găng tay y tế tới Mỹ cũng giảm 23% so với năm 2019 và nhập khẩu quần áo bảo hộ y tế cũng giảm 64% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tới thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa nhận được bất kỳ chiếc khẩu trang N95 nào (phần lớn khẩu trang loại này đều được sản xuất tại Trung Quốc).
Tổng thống Trump đã thông qua Đạo luật Quốc phòng để yêu cầu một số tập đoàn lớn sản xuất máy thở (ảnh: getty images)
Một y tá giấu tên tại Oregon chia sẻ, bà chỉ được phép đeo một khẩu trang N95 mỗi ngày. 'Đeo cùng một chiếc khẩu trang từ bệnh nhân này tới bệnh nhân khác, chúng tôi đang làm cái gì đây? Chúng tôi đang chăm sóc họ hay khiến họ gặp nguy hiểm hơn?', nữ y tá nói. Bà vẫn tiếp tục điều trị bệnh nhân mặc dù đang chờ đợi kết quả xét nghiệm COVID-19 và có những triệu chứng nhẹ.
Sáu tuần trước, Trung tâm Phát triển Toàn cầu từng cảnh báo, Mỹ nên sẵn sàng mở rộng quy mô sản xuất thiết bị y tế. Công ty 3M tại Minnesota đã 'tăng tốc' nhưng chỉ trong tuần vừa rồi, các công ty khác mới bắt đầu làm theo.
Học giả Prashant Yadav cho rằng, việc thúc đẩy sản xuất trong nước là quá ít đồng thời cũng quá muộn.
Hôm thứ sáu (27/3), Tổng thống Trump tuyên bố sử dụng Đạo luật Quốc phòng để yêu cầu tập đoàn General Motors sản xuất máy thở. Theo ông Yadav, ngoài việc có thêm nguồn cung, các bang và bệnh viện cần tìm được một biện pháp tốt hơn để phân bổ thiết bị vật tư tới những nơi cần nhất.
'Thách thức thực sự là không có một chức năng rõ ràng giúp kết nối cung và cầu. Bơm thêm tiền vào không tạo ra điều đó', ông Yadav nhấn mạnh.
Trước khủng hoảng, bệnh viện thường mua khẩu trang, găng tay và các thiết bị khác thông qua các kênh mua độc lập có thể đàm phán giá với nhà cung cấp để giảm giá thành. Nhưng những nhóm đó giờ đây không thể hoàn thành đơn hàng của mình.
Bà Soumi Saha, giám đốc của Premier – công ty chuyên mua thiết bị cho khoảng 4.000 bệnh viện tại Mỹ nói, 56% bệnh viện không nhận được đơn hàng khẩu N95 vào tháng hai. Thị trường truyền thống bị đóng băng và các bệnh viện phải tìm tới thị trường đen vốn đầy lừa đảo và sản phẩm kém chất lượng.
'Các giải pháp ngắn hạn chỉ là chắp vá. Cần phải thực hiện những giải pháp dài hạn ngay nếu không tôi không biết hệ thống có thể giữ vững được trong bao lâu nữa', bà Saha cảnh báo.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của cả hai đảng tại Mỹ hứa hẹn, khoản tiền hỗ trợ sẽ cung cấp cho y bác sỹ những nguồn lực cần thiết.
Cùng ngày 27/3, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu, các nghị sỹ 'tự hào vì đã đem được khoản đầu tư mang tính lịch sử trị giá hàng trăm tỷ USD cho các bệnh viện, hệ thống y tế, chính quyền bang và địa phương – nhằm đảm bảo họ có những công cụ mà họ cần để chiến đấu với virus'.
Tuy nhiên, ngay cả một số thành viên quốc hội Mỹ vẫn tỏ ra nghi ngờ.
'Nếu chính quyền có danh sách các thiết bị vật tư cần thiết được cung cấp, nó sẽ bao gồm những gì?', nghị sỹ bang California Norma Torres đặt câu hỏi. 'Nếu họ đã thực hiện một cuộc đánh giá về nhu cầu trên toàn quốc, họ có được kết quả ra sao? Nếu họ đã gặp gỡ ngành công nghiệp để khuyến khích sản xuất mới, họ đã gặp gỡ với những ai?'