Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng có dấu hiệu tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, bị can Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) và 9 đồng phạm khác đã có hành vi phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Kết luận điều tra xác định một số sai phạm của ông Cao Quốc Hưng (Thứ trưởng Bộ Công Thương).
Cụ thể, khi Bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Tổng công ty Sabeco trình công văn về việc đề nghị Bộ Công thương giải thích về cơ sở pháp lý của việc thoái vốn và ý kiến về việc phê duyệt kết quả đấu giá do tại công văn số 7009/BCT-CNN không nêu các nội dung này, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo cụ thể của Bộ Công Thương về việc phê duyệt đấu giá, ông Cao Quốc Hưng đã căn cứ vào tham mưu của bị can Phan Chí Dũng (Vụ trưởng vụ công nghiệp nhẹ) ký công văn số 8060/BCT-CNN ngày 30/8/2016, trả lời tổng công ty Sabeco với nôi dung:
'... Việc thực hiện đấu giá công khai giữa các cổ đông sáng lập của Sabeco Pearl là phù hợp và đề nghị của bộ phận quản lý vốn Nhà nước có ý kiến với hội đồng quản trị thực hiện các quy định của pháp luật để phê duyệt kết quả đấu giá theo thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước'.
Từ đó để Tổng công ty sabeco có căn cứ phê duyệt kết quả đấu giá và hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần.
Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, hành vi của ông Cao Quốc Hưng có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Căn cứ kết quả điều tra vụ án đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, bị can Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) và Phan Chí Dũng chịu trách nhiệm chính và xuyên suốt những sai phạm trong việc chấp thuận cho Tổng công ty Sabeco hợp tác thành lập pháp nhân mới và chấp thuận giá khởi điểm để thoái 26% vốn góp của công ty Sabeco tại công ty Sabeco Pearl.
Ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa.
Nội dung văn bản do ông Cao Quốc Hưng ký chỉ là cho ý kiến về trình tự, thủ tục thoái vốn, không xem xét đến giá trị cổ phần để đấu giá đã được bị can Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa phê duyệt từ trước.
Trước khi ký văn bản, ông Cao Quốc Hưng đã chỉ đạo Vụ Pháp chế, Vụ Công nghiệp nhẹ có báo cáo tham mưu chi tiết về căn cứ pháp lý thực hiện việc thoái vốn tại công ty Sabeco Pearl không trái với quy định của pháp luật và trước khi ký văn bản đã báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công Thương.
Ông Hưng được phân công phụ trách tổng công ty Sabeco thay bà Hồ Thị Kim Thoa từ ngày 1/8/2016.
Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thấy chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Cao Quốc Hưng về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm khắc về mặt kỷ luật Đảng, chính quyền.
Kiến nghị xem xét, xử lý kỷ luật nhiều nguyên lãnh đạo Sabeco
Liên quan tới vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ông Phan Đăng Tuất (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sabeco giai đoạn 2012 – 2015) có một số sai phạm liên quan tới việc thoái vốn của công ty.
Cơ quan điều tra xác định ông Tuất thực hiện hành vi với vai trò là người thừa hành mệnh lệnh, bị phụ thuộc và chấp hành các mệnh lệnh hành chính của lãnh đạo Bộ Công thương nên thấy chưa đủ căn cứ xử lý hình sự đối với ông Tuất.
Tuy nhiên, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, xử lý về mặt kỷ luật Đảng, chính quyền đối với ông Phan Đăng Tuất.
Đối với ông Võ Thanh Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT giai đoạn 2015 - 2018 và ông Nguyễn Minh An, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sabeco, cơ quan điều tra thấy chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi Vi phamj quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Tuy nhiên, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, xử lý về mặt kỷ luật Đảng, chính quyền đối với hai ông này.
Đối với bà Phạm Thị Hồng Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc, ông Lê Hồng Xanh nguyên Phó Tổng giám đốc, ông Bùi Ngọc Hạnh, nguyên Thành viên chuyên trách HĐQT, cơ quan điều ra xác định là người có vai trò thừa hành, phụ thuộc và chấp hành các mệnh lệnh hành chính của lãnh đạo Bộ Công thương.
Do đó, không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với 3 ông bà này. Tuy nhiên, cũng cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, xử lý về mặt kỷ luật Đảng, chính quyền.
Ông Cao Quốc Hưng sinh năm 1961, quê Hải Dương; ông có học vị tiến sĩ. Năm 2014, khi đang trên cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, ông được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương. Năm 2019, ông được bổ nhiệm lại.
Ông Cao Quốc Hưng là diện cán bộ đảng viên do Ban Bí thư quản lý, do đó việc xem xét kỷ luật Đảng là do Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành theo các trình tự còn việc kỷ luật về chính quyền do Thủ tướng quyết định.