Cái dớp giữa hai đội tuyển, trải qua hàng thập kỷ lịch sử, đã mang đến những khoảnh khắc đáng nhớ, những giọt nước mắt và nhiều loạt sút luân lưu để đời cho người hâm mộ hai nước.
Và hôm nay hai quốc gia chuẩn bị viết nên một chương mới trong lịch sử đối đầu vào lúc 23h (giờ Việt Nam) tại sân vận động Wembley (Anh) để tranh một suất vào tứ kết EURO 2020.
Thực tế là ĐT Đức, với lần vô địch World Cup cuối cùng vào năm 2014, rất nhiều lần chiếm thế thượng phong trước đối thủ ĐT Anh trong thời gian gần đây. Thế nên sự kình địch với ĐT Đức vẫn rất mạnh ở ĐT Anh và người hâm mộ ĐT Đức cũng 'ghi sổ' ĐT Anh không kém.
Ông Stuart Dykes, một người mang hai quốc tịch Anh và Đức, chuyển từ Anh sang Đức sống vào năm 1987. Là một người hâm mộ bóng đá, từng làm việc tại hai câu lạc bộ trong Bundesliga, ông nhìn nhận được sự cạnh tranh ĐT Anh - ĐT Đức từ góc độ của từng nước.
Ông Stuart Dykes nhận định: 'Tôi nghĩ với Đức trận đấu ngày 29/6 có lẽ cũng là trận đấu lớn. Đức đấu với Anh là một trận đấu nổi bật hơn hẳn những trận khác. Sẽ có những trận đấu lớn hơn cho Đức theo nghĩa thuần túy bóng đá, nhưng không thể bằng trận đấu với Anh bởi tất cả các ý nghĩa về lịch sử. Nước Anh là quê hương của bóng đá. Sân vận động Wembley là quê hương của bóng đá. Vì vậy, đây là một trận đấu đặc biệt đối với người Đức. Mặc dù nói vậy, tôi vẫn nghĩ hầu hết người Đức sẽ lẳng lặng tự tin rằng họ có thể giành chiến thắng như thường lệ'.
Đức giành nhiều thành tựu hơn Anh trong những năm gần đây. Trong ảnh, đội tuyển Đức vô dich World Cup 2014 (Ảnh: CNN)
Trận đấu mà ĐT Anh và ĐT Đức đã thay đổi bóng đá
Người hâm mộ đội tuyển Anh sẽ không muốn nhớ lần cuối cùng đội tuyển của họ gặp Đức trong một trận đấu tại World Cup 2010.
Trận đấu đó diễn ra ở thành phố Bloemfontein, Nam Phi, đã kết thúc với chiến thắng 4-1 nghiêng về Đức. Nhưng tỷ số lại là điều ít được nhớ đến mà là những sự kiện diễn ra vào ngày đó mới thay đổi bóng đá mãi mãi.
Trận đấu sẽ luôn được nhớ đến với 'bàn thắng ma' của Frank Lampard, người đã góp phần mở đường cho công nghệ xác định bàn thắng goal-line được áp dụng trong bóng đá hiện đại.
Khi trận đấu đang có tỷ số 2-1 nghiêng về đội tuyển Đức, tiền vệ người Anh nghĩ rằng anh đã gỡ hòa bằng một cú lốp bóng tuyệt đẹp trước thủ môn Đức Manuel Neuer. Dù bóng dội xà ngang khá rõ ràng và đi qua đường biên ngang nhưng tổ trọng tài của trận đấu đã không nhìn thấy và không công nhận bàn thắng.
Sự việc đã khiến cả nước Anh phẫn nộ, buộc các cơ quan quản lý bóng đá phải xin lỗi và mở đường cho việc áp dụng công nghệ vào bóng đá.
Đến kỳ World Cup tiếp theo vào năm 2014, FIFA đã đưa công nghệ xác định bàn thắng goal-line vào áp dụng. Đến World Cup 2018, công nghệ VAR được áp dụng đầy đủ.
Lampard nói về 'bàn thắng' của mình: 'Pha bóng đã thay đổi bóng đá, khiến nó trở nên tốt đẹp hơn', theo tạp chí thể thao Sports Illustrated. 'Vì vậy, tôi hài lòng về điều đó. Đó là một động thái tích cực cho toàn bộ bóng đá với sự ra đời của công nghệ xác định bàn thắng goal-line'.
Thủ môn Đức Manuel Neuer nhìn bóng bay qua vạch vôi sau cú đá bật xà ngang của Frank Lampard trong World Cup 2010 (Ảnh: CNN)
Niềm đau mang tên 'penalty'
Không phải lúc nào đội tuyển Anh cũng gặp u ám trong đối đầu với Đức.
Đội bóng được dẫn dắt bởi những cái tên như David Beckham, Steven Gerrard và Michael Owen đã giành chiến thắng 5-1 lẫy lừng trước Đức ở vòng loại World Cup năm 2001.
Ngoài ra còn có chiến thắng trong trận chung kết World Cup trước Tây Đức vào năm 1966, lần cuối cùng Anh vô địch một giải đấu lớn.
Trận đấu đó cũng có một bàn thắng gây tranh cãi.
Sau đường chuyền của Alan Ball, Geoff Hurst của đội tuyển Anh khống chế bóng và sút hòng đánh bại thủ môn đối phương nhưng bóng lại dội xà ngang. Quả bóng dội thẳng xuống khiến người ta hầu như không thể biết được nó đã đi qua vạch vôi hay chưa.
Tay của cầu thủ cả hai bên cùng giơ lên và một vài phút căng thẳng xảy ra sau đó. Trọng tài biên người Liên Xô Tofik Bakhramov đầu tiên từ chối bàn thắng và sau đó, sau khi tham khảo ý kiến của trọng tài, công nhận bàn thắng. Thế là Anh nâng tỷ số lên 3-2 và rồi thắng chung cuộc 4-2.
Nhưng, trên thực tế, những thành công của Anh trước Đức là rất ít. Rất nhiều trận đấu đau lòng đối với Anh trước Đức đều xoay quanh những quả penalty.
Ở cả hai kỳ World Cup 1990 và Euro 1996, Anh đều bị Đức loại khỏi bán kết sau khi sút luân lưu.
Trận thua vào năm 1990 còn được nhớ đến với hình ảnh người hùng của đội tuyển Anh Paul Gascoigne rơi nước mắt sau khi bị nhận thẻ vàng.
Như người ta vẫn nói về các trận đấu giữa Anh và Đức: '22 người đàn ông đuổi theo một quả bóng trong 90 phút và cuối cùng, người Đức luôn giành chiến thắng'.
Huấn luyện viên hiện tại của đội tuyển Anh, Gareth Southgate, đã bỏ lỡ quả penalty quyết định trước Đức tại chính sân Wembley vào năm 1996. Người hâm mộ Anh sẽ cầu nguyện trận đấu hôm nay không phải đi đến những loạt sút luân lưu.
Ông Stuart Dykes cho biết: 'Trong các cổ động viên Đức, sút luân lưu với Anh luôn là một chủ đề đùa cợt. Anh nổi tiếng tệ trong việc thực hiện các quả penalty. Tôi vừa đọc được một dòng tít báo nói rằng Anh có thể đánh bại Đức, nhưng không phải trên chấm penalty. Vì vậy, tôi nghĩ đó là những gì có thể dự đoán vào lúc này. Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng hai đội đang chơi tốt, nên trận đấu có thể sẽ phải đi đến cách giải quyết bằng sút luân lưu. Và đó là tình huống tôi nghĩ người Đức có lợi thế hơn'.
Tuyển thủ nay là huấn luyện viên đội tuyển Anh Gareth Southgate chán nản sau khi đá hỏng penalty trong trận đấu với Đức tại Euro 1996 (Ảnh: CNN)
Sự ảo diệu của sân Wembley
Trong bối cảnh các hạn chế do COVID-19 được áp dụng, chỉ có 40.000 khán giả được có mặt tại sân vận động Wembley để xem trực tiếp trận đấu hôm nay (sân Wembley có sức chứa 90.000 khán giả). Tuy thế, ông Stuart Dykes cho rằng sân Wembley vẫn là một địa điểm kỳ diệu đối với người hâm mộ Anh và Đức. 'Chỉ giành chiến thắng trong trận giao hữu tại Wembley đã là một sự kiện lớn. Thật tiếc khi không có nhiều người hâm mộ Đức được đến sân vì những hạn chế của COVID-19. Wembley là nơi tuyệt vời nhất đối với người hâm mộ bóng đá Đức'.
Vẫn có những người, chủ yếu là những người làm cho báo chí lá cải của Anh, tìm kiếm mối liên hệ giữa sự kình địch trong bóng đá và quá khứ chính trị của hai nước, bao gồm cả mối quan hệ thù địch trong hai cuộc Thế chiến.
Nhưng đa số đều nhìn nhận sự kình địch trong bóng đá Anh – Đức như thực tế: Đó là hai cường quốc bóng đá, những đội bóng đầy nhân tài đã trải qua một lịch sử không giống bất kỳ đội nào khác trong bóng đá quốc tế.
Tuyển thủ Anh Jordan Henderson nói với các phóng viên: 'Đối với chúng tôi là những cầu thủ, chúng tôi không có xu hướng nghĩ quá nhiều về lịch sử. Mà là về hiện tại và lúc này. Chúng tôi nghĩ về những gì người Đức giỏi và những lĩnh vực chúng tôi có thể khai thác tốt, chúng tôi có thể làm gì để đánh bại họ. Những điều chúng tôi có thể làm trong trận đấu, đó là nơi tất cả năng lượng của chúng tôi đổ vào. Chúng tôi không quá vướng víu với lịch sử và những gì đã xảy ra trước đây'.