Quán Vui Vẻ duy trì nấu cơm từ thiện từ ngày 13/7 đến nay, phát gần 200 suất cơm miễn phí mỗi ngày cho người lao động nghèo.
Bếp từ thiện đỏ lửa yêu thương
Những ngày này, hầu hết hàng quán ở Cà Mau đóng cửa, tạm dừng kinh doanh. Thế nhưng hơn một tháng qua, quán Vui Vẻ nằm bên hông nhà kho Thương nghiệp Cà Mau (đường Trần Quang Khải, phường 5, TP Cà Mau) vẫn thỉnh thoảng có người ra, kẻ vào. Người vào quán không phải lai rai với những món ăn đồng quê, mà để nhận những suất cơm nghĩa tình được phát miễn phí trong mùa dịch. Hầu hết người nhận cơm là lao động nghèo thất nghiệp, người bán vé số dạo…
Mấy năm qua, anh Nguyễn Trọng Nguyễn và chị Huỳnh Thị Trang quê ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) lên phố thuê mặt bằng, mở quán nhậu bình dân 'Vui Vẻ'. Dành dụm được ít tiền, chuẩn bị trang hoàng lại quán thì đợt dịch mới xuất hiện, hàng loạt người lao động nghèo, bán vé số dạo… rơi vào cảnh thất nghiệp. Cái ăn hằng ngày đã khó, ngưng bán cả tháng trời biết xoay xở ra sao…? Xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo, cho nên khi nghĩ đến cảnh ấy, anh Nguyễn, chị Trang động lòng trắc ẩn… Họ bàn nhau mua gạo, tôm, cá, rau, củ… về nấu cơm phát cho người lao động nghèo thất nghiệp, tâm niệm rằng sức làm được tới đâu hay tới đó.
Lần đầu tiên vào sáng 13/7, vợ chồng anh Nguyễn cặm cụi nấu được 70 suất cơm. Chỉ sau hơn một giờ, đã trao tặng toàn bộ số suất cơm này. Thấy còn đông người hỏi, vợ chồng Nguyễn lại lật đật vo gạo, nấu thêm đồ ăn và không quên dặn mọi người gắng chờ. Khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, gần 50 suất cơm khác cũng hoàn thành trong niềm vui của cả người nhận và người trao…!
Anh Nguyễn Văn Hận, hàng xóm tham gia hỗ trợ quán Vui Vẻ, cho biết: 'Vợ chồng Nguyễn xa quê, sống tử tế, cho nên bà con thương, ủng hộ thêm thực phẩm, rau củ, thịt cá… Cũng nhờ đó, bếp tình thương Vui Vẻ nâng công suất từ vài chục suất lên gần 200 suất cơm miễn phí mỗi ngày và duy trì đều đặn đến nay. Đối tượng nhận cơm cũng được mở rộng thêm tại một số khu vực có người dân bị cách ly y tế, Trung tâm Bảo trợ xã hội và một số lực lượng làm nhiệm vụ xuyên đêm tại chốt kiểm soát đường bộ liên tỉnh'.
Thấy vợ chồng chủ quán làm việc thiện nguyện, chị Huỳnh Song Tiến, cô giáo Mã Thị Anh Thoa và một số chị nội trợ gần đó đến phụ giúp. Họ kiên trì thức khuya, dậy sớm để nhặt rau, rửa cá, nấu cơm… Bởi vậy, bếp ăn từ thiện Vui Vẻ lúc nào cũng ấm cúng, đỏ lửa.
Trong những ngày Cà Mau giãn cách xã hội, các suất cơm từ thiện ở quán Vui Vẻ được vận chuyển nhanh chóng đến người dân còn nhờ sự hỗ trợ, tiếp sức từ các đồng chí cảnh sát khu vực, lực lượng tình nguyện tại địa phương. Anh Nguyễn Trọng Nguyễn chia sẻ: 'Mới đầu, tụi em định nấu đến khi nào hết tiền dành dụm thì tạm ngưng. Nhưng giờ có thêm sự hỗ trợ nhiệt tình của bà con láng giềng và lực lượng tình nguyện, tụi em gắng nấu cơm từ thiện đến khi nào hết dịch, hoặc khi làm hết nguồn lực mới ngưng nấu'.
Không lẻ loi trong đại dịch
Từ vài bếp tự phát ban đầu của tổ chức, đoàn thể, cá nhân… trong thời gian trước khi thực hiện giãn cách xã hội, đến nay, toàn tỉnh có hơn 20 bếp ăn từ thiện '0 đồng', cung cấp khoảng 3.000 suất cơm miễn phí tặng người lao động nghèo. Đó là bếp ăn của nhóm bạn trẻ từ Phân hiệu Trường đại học Bình Dương tại Cà Mau; bếp từ thiện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của thị trấn Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi); bếp từ thiện Vui Vẻ bên phường 5; bếp ăn từ thiện của UBND phường 8, đặt tại Điểm trường Mầm non Hoa Mai, bếp từ thiện của UBND phường 1…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau, Tăng Vũ Em cho biết: Chỉ riêng địa bàn TP Cà Mau hiện có khoảng 10 bếp từ thiện, mỗi ngày cung cấp khoảng 1.500 suất cơm '0 đồng', được lực lượng tình nguyện mang đến tận nhà dân và lao động nghèo.
Cùng với đồng bào cả nước, những lúc khó khăn, ngặt nghèo…, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân Cà Mau lại hun đúc, trỗi dậy, tỏa sáng, nhất là trong những thời khắc 'dầu sôi lửa bỏng' như thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm… Bởi thế mới có chuyện cụ bà ở miệt rừng U Minh Hạ đập heo đất để dành lâu ngày của mình ủng hộ hết cho Quỹ vắc-xin của tỉnh. Đó cũng là nghĩa cử cao đẹp của các cụ già neo đơn sống nương nhờ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, dành phần lớn tiền tiết kiệm để ủng hộ Quỹ vắc-xin. Các tổ chức Đoàn Thanh niên ở Cà Mau thành lập hàng trăm đội hình tình nguyện, tham gia hỗ trợ tuyên truyền, tham gia phòng, chống dịch. Gần đây, họ còn tổ chức thu mua, 'giải cứu' nông sản giúp nông dân địa phương, số khác thì tham gia đi chợ, vận chuyển nhu yếu phẩm giúp hộ dân vùng tạm phong tỏa, bị cách ly y tế.
Chung tay những hành động, việc làm thiết thực, hữu ích còn có hội viên phụ nữ các cấp. Chị em hùn tiền mua vật liệu, may khẩu trang tặng người dân vùng nông thôn. Số khác đập heo đất để dành, hùn tiền mua hàng cứu trợ các hộ khó khăn vì dịch bệnh. Tại các cấp hội phụ nữ huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), chị em hội viên tự tay ra đồng giăng lưới bắt cá, đặt ngư cụ bắt tôm, bắt ba khía… để làm cá khô, làm mắm ba khía, tôm rang muối..., gom lại được hơn 700 kg, nhờ Mặt trận Tổ quốc tỉnh gửi cứu trợ đồng bào TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận phức tạp vì dịch bệnh.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện cho biết: Đến đầu tháng 8 vừa qua, Quỹ cứu trợ đồng bào Cà Mau ngoài tỉnh, do Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì đã tiếp nhận được tiền mặt và hàng hóa trị giá hơn 10 tỷ đồng. 'Thông qua Hội đồng hương Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã chuyển bước đầu tiền mặt và các thực phẩm đã tiếp nhận đến người dân, chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng tâm dịch gặp khó khăn. Tiền tuy không nhiều, hàng hóa tuy là những thực phẩm bình dị,… nhưng chứa đựng tình cảm của người dân Cà Mau hướng về đồng bào trong những lúc khó khăn, hoạn nạn' - ông Hiện chia sẻ.
Lực lượng tình nguyện phường 8 (TP Cà Mau) vận chuyển các phần cơm '0 đồng' đến người nghèo.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh cho biết, đến ngày 3/8 vừa qua, các địa phương trong tỉnh đã chi tiền hỗ trợ cho hơn 36.000 đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ, với tổng số tiền hơn 15,8 tỷ đồng. Trong số đó, hoàn thành việc chi hỗ trợ đợt một cho toàn bộ 3.296 người bán vé số lưu động trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 2,47 tỷ đồng.