Khi phóng viên cũng nhận được cuộc gọi lừa đảo
Nhận cuộc gọi từ nhà mạng mất hàng chục triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
Nhận cuộc gọi từ bệnh viện mất cả trăm triệu đồng.
Nhận cuộc gọi làm cộng tác viên bán hàng online mất cả tỷ đồng.
Đáng nói, tất cả đều là các cuộc gọi lừa đảo.
Bạn cảm thấy sao khi nhận một cuộc điện thoại mà ở đầu dây bên kia nói đúng họ và tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân, địa chỉ nhà ở của bạn. Chắc có lẽ sẽ là hơi bất ngờ một chút nhưng nếu đầu dây bên kia lại nói "Yêu cầu anh/chị hợp tác" là có vẻ… có vấn đề rồi!
Trong bài báo "Cuộc gọi bất ngờ giữa phóng viên và lừa đảo qua điện thoại" trên tờ Người lao động, một phóng viên đã nhận một cuộc gọi từ 1 người tự xưng là một thiếu úy tại phòng cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội và khẳng định phóng viên đó liên quan đến vụ buôn bán trẻ em và rửa tiền do một sếp ngân hàng cầm đầu.
Bài báo "Cuộc gọi bất ngờ giữa phóng viên và lừa đảo qua điện thoại" trên tờ Người lao động
Công an phát hiện một thẻ ngân hàng mang tên phóng viên và yêu cầu xác nhận. Nếu không trả lời đúng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm hình sự cùng với đó là các ngôn từ quy kết.
Phóng viên trong tình huống trên đủ tỉnh táo để biết đây là cuộc gọi lừa đảo và đã cố tiếp tục yêu cầu nói chuyện với các cấp cao hơn thì được liên tiếp chuyển cuộc gọi đến 2 vị trí ở 2 cấp cao hơn và tiếp tục là những lời hăm doạ.
Nhưng không phải ai cũng tỉnh táo như người phóng viên trong tình huống trên. Để rồi không ít người mất hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng vì các cuộc gọi lừa đảo.
Cuộc gọi lừa đảo và những màn kịch đầy đủ diễn viên
Những cuộc gọi gây hoang mang, lo sợ tột độ cho phụ huynh đang liên tục xảy ra những ngày gần đây.
Cũng là cuộc gọi lạ nhưng là để nâng cấp sim, người dân này kể lại, anh có nhận được tin nhắn thông báo sim điện thoại của mình sẽ bị khóa sau 2h nữa nếu không nâng cấp lên sim 4G hoặc 5G. Tiếp đó, một đối tượng gọi điện, tự xưng là nhân viên nhà mạng, đọc chính xác nhiều thông tin cá nhân của anh, rồi yêu cầu anh nhắn tin theo hướng dẫn để nâng cấp sim điện thoại. Anh đã tin tưởng làm theo.
"Sau khi tôi nhắn xong tin nhắn để nâng cấp sim lên 4G theo hướng dẫn của đối tượng thì tôi thấy điện thoại của mình tự nhiên bị mất tín hiệu. Hộp thư điện tử của tôi một lúc sau cũng nhận được tin nhắn thông báo đã thay đổi mật khẩu thành công với tài khoản ngân hàng của tôi. Lúc đó tôi mới giật mình, chạy ngay đến đại lý mạng viễn thông mà mình đang sử dụng, nhờ kích hoạt lại cái sim và truy cập lại vào tài khoản ngân hàng thì thấy tài khoản của mình bị trừ mất 30 triệu. Lúc đó tôi mới biết là mình đã bị lừa" – nạn nhân vụ lừa đảo kể lại.
Còn trong trường hợp gọi điện báo con bị tai nạn, kẻ lừa đảo nắm rõ thông tin phụ huynh, học sinh, diễn một màn kịch gồm đầy đủ diễn viên: cô giáo, bác sĩ, đến cả tiếng xe cứu thương…
Kẻ lừa đảo gọi điện báo phụ huynh rằng con bị tai nạn
Cũng là những cuộc gọi lạ, nhưng với những lời mời chào hấp dẫn về hoa hồng lên đến hàng chục phần trăm nếu ứng tiền ra trước. Có những người sau khi hưởng số tiền nhỏ tin tưởng và ứng số tiền lớn đó là khi khi kẻ lừa đảo lộ mặt.
Để nhận được 20% tiền hoa hồng, một người phụ nữ đã chi hơn 1 tỷ đồng để trả trước tiền mua hàng nhập về của một sàn thương mại điện tử tự xưng. Nhóm này cam kết, cuối ngày cộng tác viên ứng tiền ra sẽ được trả lại và nhận được hoa hồng như hứa hẹn. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền xong thì nhóm này đã cắt liên lạc và chiếm đoạt.
Bảo mật thông tin là một trong những quyền được pháp luật bảo hộ. Chẳng ai trong bất kỳ chúng ta muốn thông tin cá nhân của mình bị tiết lộ, trở thành công cụ kiếm tiền bất chính thậm chí là công cụ để người khác lừa đảo. Chính vì vậy, việc quản lý các sim rác cũng như việc xử lý các tin nhắn rác, cuộc gọi rác cần phải thực hiện quyết liệt.
Và hơn hết chính người dân cũng cần thật sự tỉnh táo, không cung cấp thông tin cá nhân, không tin tài khoản cho các cuộc gọi giả mạo để tránh bị lừa đảo. Song song với đó, thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để có những quy định xử phạt, xử lý hình sự nghiêm khắc đối với những kẻ lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng. Tất cả sẽ góp phần ngăn chặn và trừng phạt những kẻ ăn trên mồ hôi nước mắt của đồng bào mình.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là Thiếu tá Nguyễn Xuân Thành, Phòng 9, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.