Phát biểu bế mạc Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức sáng 1/8, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, cùng một thời điểm, Hà Nội có 3 nhiệm vụ (hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội) đang triển khai đồng loạt trong giai đoạn này, nếu làm tốt sẽ giúp cho Hà Nội có sự phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn trước mắt, trung hạn, dài hạn.
Đây là 3 việc quan trọng, có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong quá trình triển khai, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh cần phải tranh thủ, tận dụng những ý kiến, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của các giới, ngành, đặc biệt là giới trí thức đến từ các Học viện, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Thủ đô.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, ngày 5/5/2022, Bộ chính trị ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Nghị quyết 15-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu đến giai đoạn đến 2030, Hà Nội phải là Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, GDP đầu người khoảng 12 – 18 nghìn đô la, là Trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Bắc Bộ cũng như cả nước. Đến năm 2045 phải là Thành phố kết nối toàn cầu với đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất ở mức độ cao, có thu nhập GDP đầu người khoảng 36 nghìn đô la, tương đương với thu nhập của các nước phát triển hiện tại.
Nghị quyết 15-NQ/TW cũng nêu trong giai đoạn từ năm 2011-2020 có một số hạn chế là Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, chưa làm tốt vai trò là trung tâm, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, có một số điểm nghẽn không những không giải quyết được triệt để mà còn trầm trọng hơn như vấn đề gia tăng dân số cơ học, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng đô thị, xã hội…
Trên cơ sở đó, đặt ra yêu cầu Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình phát triển của Hà Nội để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.
'Hà Nội có thế mạnh riêng so với các địa phương khác đó là số lượng lớn các trường Đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn, đây là nguồn lực quan trọng. Xây dựng Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, để thực hiện tốt sứ mệnh, không đơn thuần là Thủ đô hành chính, chính trị mà còn là trung tâm kinh tế lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục đào tạo, hội nhập quốc tế', Phó Bí thư Thành ủy lưu ý.
Toàn cảnh hội thảo.
Sau 1/2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học đến từ hơn 70 đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn Thành phố. Sự tham gia và đóng góp ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã góp phần quan trọng vào thành công của Hội thảo.
Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, trong sáng 1/8, Hội thảo đã có 13 ý kiến phát biểu tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các trường Đại học, Học viện… Các ý kiến đều tiếp tục khẳng định những vấn đề mang tính chất quan điểm, nguyên tắc trong xây dựng dự án Luật Thủ đô sửa đổi, đó là: Thể chế hóa các chủ trương nhiệm vụ giải pháp của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội; các cơ chế chính sách đưa vào Luật đảm bảo đặc thù, vượt trội cho Thủ đô; tính thống nhất, đồng bộ của Dự thảo Luật Thủ đô, phải nằm trong tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô phải khắc phục được các điểm nghẽn…
Hội thảo đã tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với nội dung chủ yếu: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển Thủ đô; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, quản lý sử dụng đất đai; đào tạo giáo dục Thủ đô và phát triển văn hóa; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, trăn trở về tính thống nhất, đồng bộ của Dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành; về yêu cầu tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại của bộ máy chính quyền Thủ đô; về sự vượt trội, đột phá trong các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô trong công tác tổ chức cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô, tài chính ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư và phát triển Thủ đô…
'Luật Thủ đô là vấn đề khó, phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp nên có nhiều ý kiến khác nhau. Trân trọng cảm ơn sự tham gia và đóng góp ý kiến của các quý vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học. Các ý kiến tham luận, góp ý của đội ngũ các nhà khoa học tại Hội thảo sẽ được Thành phố Hà Nội, Ban Soạn thảo, các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học kịp thời để hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền', Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết.