Từ ngày 8-14/11, thành phố Hà Nội ghi nhận tổng cộng 1055 ca mắc mới, trong đó có 304 ca mắc trong cộng đồng.
Cụ thể, tối 14/11, Sở Y tế thành phố Hà Nội cho biết, trong ngày Hà Nội ghi nhận 119 ca mắc COVID-19, trong đó có 42 ca trong cộng đồng, 71 ca trong khu khu cách ly, 6 ca trong khu phong tỏa.
Ngày 13/11, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 146 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 27 ca tại cộng đồng; ngày 12/11, ghi nhận 165 ca dương tính (27 ca tại cộng đồng); ngày 11/11, ghi nhận 146 ca dương tính (19 ca tại cộng đồng); ngày 10/11, ghi nhận 140 ca dương tính (28 ca tại cộng đồng); ngày 9/11, ghi nhận 222 ca dương tính (105 ca tại cộng đồng ) - đây là số ca mắc cao nhất trong một ngày mà lần đầu tiên Hà Nội ghi nhận kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại nước ta; ngày 8/11, ghi nhận 106 ca dương tính (56 ca tại cộng đồng).
Như vậy, trong tuần qua (từ ngày 8-14/11), thành phố Hà Nội ghi nhận tổng cộng 1055 ca mắc mới, trong đó có 304 ca mắc trong cộng đồng. Tuần liền trước (từ ngày 1-7/11), thành phố Hà Nội ghi nhận tổng cộng 597 ca mắc COVID-19, trong đó có 270 ca trong cộng đồng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ ngày 27/4 đến nay, thành phố Hà Nội ghi nhận tổng cộng 6.043 ca mắc COVID-19 trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.271 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.772 ca.
THÔNG BÁO KHẨN TÌM NGƯỜI
Tối 14/11, Trung tâm Y tế quận Tây Hồ phát đi thông báo tìm người trên địa bàn quận Tây Hồ và thành phố Hà Nội có đến các địa điểm sau:
- 7h20 ngày 7/11: Cửa hàng bánh mì trên phố Xuân Diệu, Quảng An, Tây Hồ (đối diện đường Đặng Thai Mai gần tiệm gà rán).
- 9h00 ngày 8/11: Cửa hàng Đình Vạn, phố Chùa Vua, quận Hai Bà Trưng
- 11h00 ngày 8/11: Trạm đăng kiểm Nguyên Khuê, huyện Đông Anh
- 10h00 ngày 10/11: Cửa hàng Đình Vạn, phố Chùa Vua, quận Hai Bà Trưng
- 10h10 ngày 10/11: Hàng phụ tùng Bình Vụ, phố Chùa Vua, quận Hai Bà Trưng
- 14h20 ngày 10/11: Nhà Thành Nissan số 6 ngõ 121 Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng
- 8h00 ngày 11/11: Cây xăng 697 Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ
- 8h20 ngày 11/11: Cổng sau điện lực Tây Hồ
- 14h00 ngày 11/11: Cửa hàng Sửu Soan, phố Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng
- Ngày 11/11: Cửa hàng Thắng Sáu - Tập thể Bộ Nông nghiệp, Chùa Vua, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng
- Ngày 11/11: Cửa hàng Thắng Hàn - Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng
- Ngày 11/11: Cửa hàng Cường Nguyệt, 79 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng
- 9h00 ngày 12/11: Gara Huy Anh (500 Nguyễn Khoái), quận Hai Bà Trưng
- 10h15 ngày 12/11: Ngõ 121 Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng
- Khoảng 10h30 ngày 12/11: Gara số 10 Võ Chí Công (quận Tây Hồ)
- 14h00 ngày 12/11: Gara QĐ ngõ 68 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy
- 17h00 ngày 12/11: Làm lốp cạnh Auto Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy
- 7h00 ngày 13/11: Đi Tiên Dương – huyện Đông Anh sang cổng kho Công ty Van Thăng Long
- 8h00 ngày 13/11: Quán cà phê cách cổng Công ty Van Thăng Long 20m
- 10h ngày 13/11: Thay lốp xe, tiệm lốp Sơn tóc đỏ
- 13h00 ngày 13/11: Đi phố Yên Ninh (Xưởng điều hòa hồi), quận Ba Đình.
Thông báo này được phát đi sau khi tại các địa điểm nêu trên đã ghi nhận F0 tới đây.
Người đến các địa điểm trên thực hiện tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc CDC Hà Nội: 0241022 (nhánh 2)/ 0969.082.115/ 0949.396.115 để được hướng dẫn và tư vấn.
Tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19.
Chủ động bảo đảm an toàn cho Thủ đô
Những ngày qua, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội gia tăng với nhiều chùm ca bệnh, ổ dịch phức tạp. Dự báo, từ nay đến cuối năm, với thời tiết chuyển lạnh và hoạt động giao thương, đi lại nhiều sẽ kéo theo nguy cơ dịch COVID-19 lây lan mạnh. Chính vì vậy, thành phố Hà Nội xác định công tác phòng, chống dịch phải luôn chủ động, không chủ quan, bảo đảm an toàn cho Thủ đô và bảo vệ sức khỏe của người dân.
Theo CDC Hà Nội, thời gian qua số ca mắc trên địa bàn thành phố gia tăng và liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người, nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây, không triệu chứng… Nguyên nhân là do sự đi lại, giao lưu của người dân sau khi được nới lỏng, sự chủ quan của một bộ phận người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine...
Cùng với đó, thành phố Hà Nội đã ghi nhận hơn 100 ca dương tính là người trở về từ vùng dịch, trong đó có gần 100 ca lây nhiễm thứ phát. Thời gian qua, người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều, nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát. Đây cũng là một trong những lý do khiến dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội về cơ bản được kiểm soát, nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới.
Về các biện pháp phòng, chống dịch thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát theo chỉ đạo chung của Chính phủ để triển khai chủ động, quyết liệt. Tương ứng với từng khu vực, Hà Nội sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy.
Phương châm của thành phố Hà Nội là F1 ở quận, huyện, thị xã nào, thì cách ly tập trung trên địa bàn của quận, huyện, thị xã đó. Thành phố cũng đang thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn. Thời gian tới, các trạm y tế này sẽ là 'cánh tay nối dài' của các bệnh viện để hỗ trợ cho việc điều trị F0 không triệu chứng.
Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như các biện pháp cách ly, để bảo đảm vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19', vừa phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.
Theo đó, các quận, huyện, thị xã cần chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực điều tra dịch tễ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn, không để bị động; tiếp tục tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị; nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, như: Nhân lực, thuốc, tập huấn công tác hồi sức cấp cứu phù hợp, kịp thời, hiệu quả./.