Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm nhận định, sốt xuất huyết hiện đang bước vào cao điểm, nhiều trẻ bị biến chứng sốt buộc phải nhập viện điều trị. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, cả nước đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết.
Có gia đình nhiều người mắc sốt xuất huyết
Nằm điều trị tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương đã được 8 ngày, bé Nguyễn Trung Kiên (6 tuổi, trú tại Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội) đã đỡ sốt và bắt đầu có các nốt xuất huyết trên da.
Chị Thế Thi Thu Trang – mẹ cháu bé cho biết: Ngày 31/8 cháu bắt đầu sốt, gia đình không nghĩ cháu bị sốt xuất huyết. Nhưng hôm sau, cháu bắt đầu sốt cao, từ 40-41 độ, uống thuốc giảm sốt không hạ, bỏ ăn và nôn. Vội vàng đưa con đi bệnh viện huyện khám, thấy tình trạng của cháu tiến triển nặng, tiểu cầu giảm nhanh nên gia đình đã đưa cháu tới Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo chị Trang, sau khi nhập viện điều trị, đến nay sức khỏe của cháu Kiên đã tiến triển tốt hơn, tuy nhiên cháu vẫn còn rất mệt, ăn uống kém.
Bệnh nhân nhi đang được điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Trần Hằng
Theo lời kể của chị Trang, hàng xóm quanh nhà cũng có nhiều người bị sốt xuất huyết. Sau 2 ngày cháu Kiên nhập viện, anh trai cháu ở nhà cũng bắt đầu sốt, đi khám được xác định mắc sốt xuất huyết, nhưng bệnh nhẹ nên không phải nhập viện. Hai hôm trước, ông ngoại cháu cũng được xác định mắc sốt xuất huyết.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay đã ghi nhận 1.802 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó từ 31/8 đến 6/9 có 228 ca mắc, xuất hiện nhiều 'ổ' sốt xuất huyết trong gia đình, có nhà tới 3-4 người cùng bị bệnh.
Nằm cùng phòng với bé Kiên là bé trai 8 tuổi (ở đường Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội) tối 2/9 sốt cao 40,5 độ, nôn, được gia đình đưa vào Bệnh viện Tâm Anh. Sau khi xét nghiệm mắc sốt xuất huyết, ngày 7/9 gia đình chuyển cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong gia đình có cô ruột cũng bị sốt, khi xác định cháu bị sốt xuất huyết, người cô đi khám và làm xét nghiệm đã được chẩn đoán mắc bệnh.
Tại Trung tâm có bệnh nhi trong 3 năm 2 lần mắc sốt xuất huyết. Đó là cháu M.M.Đ (9 tuổi, trú tại Đào Tấn, Hà Nội). Lần thứ nhất cháu mắc sốt xuất huyết cách đây 3 năm, nhưng không phải nhập viện điều trị. Đến lần này, cháu sốt cao từ 39-40 độ, gia đình không nghĩ cháu mắc sốt xuất huyết, nhưng khi uống giảm sốt không hạ, nôn và mệt mỏi, gia đình lo lắng cho cháu đi bệnh viện thì kết quả cháu mắc sốt xuất huyết nặng.
Theo TS.BS.Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay có 60 ca sốt xuất huyết, nhưng chủ yếu tập trung tháng 8, 9. Hiện đang bước vào cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Rất may, chưa có ca bệnh nhi nào tử vong. Tại bệnh viện xuất hiện nhiều ca mắc sốt xuất huyết trong cùng 1 gia đình, hay bệnh nhân nhỏ nhất là trẻ 5-6 ngày tuổi, tuy nhiên không nặng.
Tuyệt đối không dùng hạ sốt ibuprofen khi sốt xuất huyết
Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, cả nước ghi nhận 2 ca tử vong do sốt xuất huyết (Hà Nội 2 ca, TP Hồ Chí Minh 1 ca). Ca bệnh nguy kịch mới đây nhất ở Trà Vinh chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh mắc sốt xuất huyết biến chứng suy đa tạng, dịch tràn đầy màng phổi, màng bụng, gan bị tổn thương nặng, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, phải thở máy. Tuy bệnh nhân đã qua cơ nguy kịch sau khi được điều trị tích cực, nhưng đây cũng là cảnh báo cho bậc phụ huynh phải theo sát nhằm phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh để đưa con tới viện.
Chị Nguyễn Thị Vân (trú tại đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội), có con gái 5 tuổi đang điều trị sốt xuất huyết ở Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Khi con sốt cao, buồn nôn, uống hạ sốt không có tác dụng, chảy máu cam, tôi đã nghĩ ngay tới sốt xuất huyết. Vì Hà Nội đã có 2 ca tử vong khi tự điều trị tại nhà, nên tôi cấp tốc đưa con vào bệnh viện, không dám chậm trễ.
Trao đổi với phóng viên, TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết: 'Cơ bản sốt xuất huyết là do virus gây nên biểu hiện khởi phát giống bệnh nhân nhiễm trùng hoặc virus khác như mệt mỏi, đau người, sốt nhẹ, ngày 2-3 sốt cao và thêm biểu hiện xuất huyến, nôn ói, kém ăn, rối loạn về ý thức, nếu nặng có biểu hiện sốc do thoát dịch. Theo đó, căn bản phải theo dõi được dấu hiệu cảnh báo ở trẻ em. Ngoài ra, cần hạ sốt, quan tâm nơi trẻ nằm thoáng mát, dinh dưỡng hợp lý để trẻ có sức khỏe phòng chống bệnh tật…'.
Bác sĩ Lâm cũng nhấn mạnh, do các dấu hiệu ban đầu dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên cha mẹ cần cho trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, theo dõi chẩn đoán bệnh và được hướng dẫn chăm sóc. Nếu thể nhẹ trẻ cần được chăm sóc hợp lý, hạ sốt đúng cách và theo dõi biểu hiện mệt mỏi, kém ăn, tiểu ít nặng. Nếu trong quá trình chăm sóc, cha mẹ cần theo dõi tránh bỏ sót các dấu như xuất huyết trên da, niêm mạc… thấy bất thường đưa trẻ đến viện để được điều trị kịp thời.
Ông Lâm cũng cảnh báo, với sốt xuất huyết nguy hiểm nhất là sốc do thoát dịch, trường hợp khi đến giai đoạn ngày thứ 3-6 thường biểu hiện nặng, trẻ có thể sốc do thiếu dịch, do vậy bù dịch rất quan trọng. Tuy nhiên, sau ngày thứ 5-6 thường là giai đoạn tái hấp thu, nên bù dịch không đúng theo phác đồ trẻ dễ tràn dịch đa màng, khó thở… rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, cần lưu tâm đến hạ sốt trong xuất huyết, có một số thuốc chống chỉ định ibuprofen (gây xuất huyết tiêu hóa), nên chỉ dùng Paracetamon thông thường, dùng đúng liều theo chỉ đẫn của bác sĩ. Theo cảnh báo của bác sĩ Lâm, đã có trẻ sốt xuất huyết được mẹ cho hạ sốt bằng paracetamon, nhưng nhiệt không giảm, mẹ đã dùng thêm ibuprofen nên dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, phải nhập viện. Vì vậy, các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý, theo dõi sát diễn biến bệnh của con, nếu có dấu hiệu bất thường phải đưa con ngay tới cơ sở y tế.