Các địa phương đón công dân tại TP.HCM trở về quê. Ảnh TNO
Sáng nay (23/8), Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Yên và Hội Đồng hương tỉnh tại TP.HCM đã thống nhất danh sách 710 người dân được đón về quê trong đợt 12. Trong số này, 110 người dự phòng không lên kịp xe vì công việc đột xuất.
Đến nay, Phú Yên đã đưa gần 7.000 công dân của tỉnh sinh sống, học tập, làm việc tại TP.HCM, Đồng Nai về quê. Hiện vẫn còn khoảng 5.500 người dân Phú Yên đã đăng ký về quê nhưng địa phương chưa đón kịp. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết sẽ cố gắng đưa hết công dân có nhu cầu về quê trong thời gian sớm nhất có thể. Hiện Phú Yên đã nâng tần suất đón người dân lên 3 đợt/tuần.
Chiều 22/8, chuyến bay đưa 192 người dân Bình Định về quê đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Phù Cát (huyện Phù Cát, Bình Định).
Đây là chuyến bay miễn phí thứ 7 thuộc chương trình 'Hành trình về quê hương' đưa người dân Bình Định gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại TP.HCM về quê, được UBND tỉnh Bình Định phối hợp Hội Đồng hương Bình Định tại TP.HCM tổ chức.
Sau khi về tới sân bay Phù Cát, người dân được xe của tỉnh bố trí đưa đi cách ly tập trung. Toàn bộ chi phí di chuyển, cách ly, ăn uống, xét nghiệm… trong thời gian thực hiện cách ly đều được UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ.
Đến thời điểm hiện tại, Bình Định đã đón tổng cộng 1.322 người về quê. Tỉnh này dự kiến sẽ tổ chức thêm 3 chuyến bay nữa trong thời gian tới.
Cũng trong ngày 22/8, đoàn công tác của UBND TP. Cần Thơ do Sở LĐTB&XH Thành phố chủ trì đã lên đường đón hàng trăm người dân Cần Thơ đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM gặp khó khăn bị kẹt lại do dịch COVID-19.
Đợt này tổng số người Cần Thơ đăng ký về quê là 428 người, tuy nhiên đến giờ xuất phát, mới có 309 người (có 5 trường hợp dương tính phải ở lại điều trị, còn lại các trường hợp khác không đến địa điểm tập kết).
'Mặc dù tình hình dịch bệnh ở Cần Thơ vẫn đang căng thẳng, nhưng với tinh thần chia sẻ khó khăn với bà con, chia sẻ với TP.HCM nên UBND TP. Cần Thơ vẫn chỉ đạo đón người dân về', ông Tiêu Minh Dưỡng - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP. Cần Thơ cho biết.
Phần lớn những trường hợp này là lao động tự do làm việc tại TP.HCM bị mất việc, gặp khó khăn do dịch COVID-19, trẻ em, người đi khám chữa bệnh hoặc đi thăm thân nhân bị kẹt lại do dịch bệnh.
Các công dân sau khi về đến Cần Thơ sẽ được đưa đến các khu cách ly tập trung do địa phương chuẩn bị trước. Sau khi hết thời gian cách ly, người dân sẽ được về địa phương nơi đăng ký thường trú và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.
Tỉnh Bắc Giang mới công bố phương án đưa 500 công dân (có gia đình, người thân đang thường trú tại tỉnh) đang tạm trú/lưu trú, làm việc tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 48 giờ sẽ về quê đợt 1 từ ngày 25/8 đến 15/9 và hỗ trợ toàn bộ tiền vé, tiền ăn trên tàu.
Những người ưu tiên gồm người có hoàn cảnh khó khăn như có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng; lao động thất nghiệp, dừng việc dài ngày.
Ngoài ra, còn có người vào thăm thân nhân, giải quyết công việc đang phải thực hiện cách ly xã hội tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Các trường hợp đặc biệt khác do hội đồng hương xét duyệt, quyết định.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh sẽ đón khoảng 500 công dân về quê từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương theo kế hoạch, dù Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dừng chạy đoàn tàu SE8 từ ga Sài Gòn từ ngày 23/8 và đoàn tàu SE7 từ ga Hà Nội từ ngày 25/8.
Theo kế hoạch, đợt 1, dự kiến ngày 25/8, Bạc Liêu sẽ tổ chức đón 250 công dân đang lưu trú tại TP.HCM thuộc những nhóm đối tượng đặc biệt chưa có điều kiện trở về địa phương.
Trong khi đó, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa quyết định mở rộng đối tượng hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 là công dân của tỉnh đang ở 22 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện Chỉ thị 16. Mỗi công dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ Quỹ cứu trợ tỉnh Thái Nguyên do MTTQ quản lý. Thời gian thực hiện trong tháng 8 đến tháng 9/2021.
Danh sách 22 tỉnh thành gồm Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Phú Yên, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Công dân có hộ khẩu thường trú tại Thái Nguyên đang làm việc, sinh sống tại các tỉnh này gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ khai báo trực tuyến về địa chỉ: hotrocongdan.thainguyen.gov.vn và trên ứng dụng chính quyền điện tử C-ThaiNguyen.
Người nhận hỗ trợ phải có giấy tờ tuỳ thân chứng minh là người của tỉnh Thái Nguyên, giấy tờ làm việc nơi đang sinh sống tại các tỉnh, thành phố phía nam (CMND, CCCD, giấy tạm trú nơi đang sinh sống/giấy xác nhận nhân sự của cơ quan/tổ chức nơi đang làm việc…).
Tỉnh Hà Tĩnh quyết định chi 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ người dân địa phương đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía nam gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Trước đó, Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM cũng đứng ra kêu gọi nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người dân 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đang ở TP.HCM và các tỉnh phía nam. Số tiền kêu gọi ủng hộ được đến thời điểm hiện tại là khoảng 4 tỷ đồng.
Tính đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã đứng ra kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, người dân chung tay ủng hộ người dân vùng dịch. Tổng số tiền, nhu yếu phẩm đã vận chuyển vào ủng hộ TP.HCM và các tỉnh phía nam trị giá hơn 20 tỷ đồng.
Hà Tĩnh cũng cử 31 nhân viên y tế vào hỗ trợ Bình Dương chống dịch. Bên cạnh đó, địa phương này cũng tổ chức 5 chuyến bay và 1 chuyến tàu, đón gần 2.000 công dân ở các tỉnh phía nam trở về quê./.