Bà con bản Diềm tạo ra những sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất ra cả nước ngoài.
Bản Diềm xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, khu vực biên giới Việt - Lào. Nơi đây có hơn 153 hộ đồng bào dân tộc Thái và người Đan Lai sinh sống.
Tận dụng nguồn nguyên liệu từ rừng với các loại cây mây, tre, bà con bản Diềm đã tạo ra những vật dụng phục vụ cho cuộc sống thường ngày như rổ, rá, thúng, mủng... và mang bán khắp nơi trong nước mà còn mang những sản phẩm này sang “trời Tây” tiêu thụ .
Bà Lang Thị Hoa, Chủ nhiệm HTX mây tre đan bản Diềm chia sẻ, trước đây, nguyên liệu đan rất sẵn và nhiều, từ cây luồng, cây giang đến sợi mây… chỉ cần bước ra sau núi là có tất cả. Vì thế, các vật dụng trong nhà chủ yếu do mọi người tự đan lát, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa an toàn khi sử dụng.
Thế nhưng, có thời điểm, những cánh rừng tre bị thu hẹp dần, nguyên liệu dần khan hiếm và tìm kiếm khó khăn, sản phẩm làm ra không bán được nên nhiều người dân đã bỏ nghề.
Để duy trì làng nghề, bà Hoa phải bỏ cả việc nhà để đi khắp nơi tìm nguyên liệu rồi xin mở lớp tập huấn kỹ thuật đan lát cho bà con, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Hễ cứ nơi nào tổ chức hội chợ hàng thủ công nghiệp, tôi đều gồng gánh tìm đến để trưng bày các mặt hàng của làng nghề để giới thiệu với khách hàng sản phẩm của làng, để nhiều người biết đến.
Mãi đến năm 2016, thực hiện việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, HTX mây tre đan bản Diềm được thành lập. Đây chính là bước đánh dấu sự phục hồi và đi lên mạnh mẽ của làng nghề.
Từ bàn tay khéo léo, sáng chế ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt của các nghệ nhân, sản phẩm đan lát làng nghề bản Diềm dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
Các sản phẩm của làng nghề bản Diềm dần có mặt tại các hội chợ, triển lãm lớn từ trong tỉnh đến ngoài tỉnh như ở Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn… và được nhiều người biết đến.
Hằng năm, ngoài thị trường trong nước, bản Diềm còn xuất ngoại vài đợt hàng với số lượng lên đến hàng trăm sản phẩm.
Hiện giờ, công việc đan lát của bà con có quanh năm. Mỗi sản phẩm với giá từ 30.000 đến cả triệu đồng tùy mẫu mã. Tính hết chi phí vận chuyển và nhập nguyên liệu, bà con cũng đủ trang trải cuộc sống. Các đơn hàng xuất khẩu có giá trị cao gấp 3-4 lần so với các đơn hàng khác. Ví như cái mâm ở trong nước có thể bán được 3 triệu đồng nhưng nếu xuất khẩu có thể bán lên được 6-7 triệu đồng. Có tiền ai cũng thích làm.
Hiện tại làng nghề mây tre đan bản Diềm có 52 hộ với 54 người chủ yếu là người già trong bản. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập cũng giảm, mỗi người có thể kiếm được 3-3,5 triệu đồng/tháng.
Trước đây mỗi tháng làng nghề xuất khẩu khoảng 500 sản phẩm, tuy nhiên do dịch Covid-19, sản phẩm xuất khẩu giảm đi một nửa. Mỗi tháng hợp tác xã cũng thu về cho bà con từ 250-300 triệu đồng.
Trước đây, sản phẩm của bà con làm ra đều là đan lát thông thường nên khó tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, sau đó, ý tưởng đưa hoa văn, hoạ tiết của các mặt hàng thổ cẩm trên khăn, váy áo của người Thái sang đan lát được triển khai và những chiếc mâm, rổ rá và các vật dụng khác có hoa văn, họa tiết thực sự nổi bật và bắt mắt ra đời được khách ưa chuộng, cũng từ sản lượng bán tăng lên rõ rệt.
Sau đó, từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã tạo cơ hội cho Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm đẩy mạnh sản phẩm ra thị trường bằng cách đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử
Năm 2018, những đơn đặt hàng từ nước ngoài như Đức, Pháp, Nhật…bắt đầu đến với bà con bản Diềm. Thời điểm đó, mỗi tháng có 3-5 đơn hàng với hàng trăm sản phẩm đã đem lại thu nhập đáng kể, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề.
Quảng Hoà được gọi là 'làng tỉ phú chân đất' ở Đắk Lắk.
Nằm giữa thung sâu, bao quanh đồi núi bạt ngàn, làng Quảng Hòa (thôn Tam Điền, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) chỉ có 57 hộ còn được người dân nơi đây gọi là 'làng triệu phú chân đất' bởi ở đây, mỗi gia đình có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Làng Quảng Hoà là nơi bà con dân tộc Nùng An (dân tộc Nùng) của huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng vào đây lập nghiệp từ cuối thập niên 80 của thế kỉ trước.
Thời điểm đó, Quảng Hoà còn là nơi rừng núi hoang vu, rậm rạp, đường xá đi lại khó khăn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Tuy nhiên, với sự chăm chỉ, cần cù, bà con Nùng An đã bắt tay học cách trồng cà phê.
Đầu những năm 1990, cây cà phê cho thu hoạch vụ đầu, nhận thấy đất đai, thổ nhưỡng ở đây phù hợp với loại cây trồng này, bà con dần mở rộng diện tích. Đồng thời trồng xen cây mắc ca và một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê. Nhờ đó, sau hơn 30 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, người dân làng Quảng Hòa khấm khá trông thấy.
Mỗi hộ có từ 2 - 3 ha trồng cây công nghiệp xen canh cây ăn quả. Vì thế, ở làng Quảng Hoà, nhà thu nhập thấp nhất cũng tầm 200 triệu đồng, còn lại là 400 - 500 triệu đồng/năm.
Gia đình nào giờ đây cũng có đầy đủ tiện nghi chẳng kém gì dân thành phố. Thậm chí có nhà còn tậu ô tô trị giá tiền tỉ, nhà cửa xây dựng bề thế, khang trang.
Nghề dệt thổ cẩm giữa 'đại ngàn' Tây Nguyên.
Nhiều đời qua, hàng trăm phụ nữ ở xã Đắk Kơ Ninh (huyện Kông Chro - Gia Lai) miệt mài bên khung cửi dệt thổ cẩm, ngày đêm họ say mê với nghề, nghề thổ cẩm đã nuôi những người con của buôn làng lớn khôn,
Huyện Kông Chro được coi là “cao nguyên thổ cẩm” của tỉnh Gia Lai, bởi huyện có nhiều làng nghề dệt thổ cẩm nhất. Chỉ tính riêng xã Đắk Kơ Ninh đã có 4 làng là Nhang Lớn, Htiên, Hrach, Tơ Kắt với hơn 600 phụ nữ làm nghề này, trong đó, làng Nhang Lớn có 125 chị có tay nghề đạt tới trình độ nghệ nhân.
Ngoài cung cấp ra thị trường trong nước, thổ cẩm của người Jarai, Banah còn vươn ra thị trường thế giới, như Hàn Quốc, Nhật Bản...
Hàng năm, ở các làng Nhang Lớn, Htiên, Hrach, Tơ Kắt xuất ngoại hàng chục ngàn bộ thổ cẩm có họa tiết đặc sắc.
Được biết, thổ cẩm ở đây hoàn toàn được làm bằng các chất liệu thiên nhiên, đó là hoa bông hái từ rừng về, phơi, xe thành sợi rồi ngâm với lá rừng, thân thiện với môi trường, không có chất bảo quản hoặc gây nóng bức nên rất được ưa chuộng.
Trước mùa Covid-19, dệt đến đâu hết đến đó. Ngoài xuất khẩu tiểu ngạch, khách du lịch còn đến tận nơi xem bà con dệt và mua luôn.