Ngay sau đó thế giới bị bao phủ bởi đại dịch và một làn sóng phản đối, bất ổn, xung đột về phân biệt chủng tộc.
Những vụ ám sát đối với quan chức Iran
Tướng Qasem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng tên lửa và bom hôm 3/1. Từ Washington, Lầu Năm Góc tuyên bố đã tiến hành vụ không kích nhằm vào tướng Soleimani theo chỉ thị trực tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngăn chặn cái mà Mỹ gọi là 'nguy cơ của các cuộc tấn công tương lai do Iran tiến hành'.
Để trả đũa, quân đội Iran đã tấn công các căn cứ của Mỹ ở Iraq bằng tên lửa. Ngày 8/1, Iran đã mắc một sai lầm bi thảm khi họ bắn rơi một máy bay trở khách của Ukraine cất cánh từ sân bay Tehran, khiến 176 người thiệt mạng.
Lễ tiễn biệt nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh tại Tehran. (Ảnh: Reuters)
Mới đây, hôm 27/11, ông Mohsen Fakhrizadeh, một nhà khoa học được cho là người đứng đầu chương trình hạt nhân của Iran, đã bị phục kích và sát hại ngay tại thủ đô Tehran. Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei cho biết nước này sẽ đáp trả việc nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát, đồng thời khẳng định công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ tiếp tục được thực hiện. Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei kêu gọi 'trừng phạt' những kẻ đứng sau vụ sát hại này.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cáo buộc Israel tìm cách gây 'hỗn loạn' bằng cách thực hiện vụ sát hại ông Fakhrizadeh. Nhà lãnh đạo Iran đồng thời cam kết sẽ đáp trả vụ việc 'vào thời điểm thích hợp'.
Iran đã nhiều lần cáo buộc phương Tây và Israel, mà cụ thể là Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan tình báo Israel (MOSSAD), đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của nước này.
Đại dịch Covid-19
Hơn 80 triệu người nhiễm bệnh, hơn 1,7 triệu người tử vong do đại dịch Covid-19 hoành hành bao phủ khắp thế giới. Đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đi vào bế tắc. Tuy nhiên những bác sĩ tuyến đầu đã chiến đấu không ngừng nghỉ với đại dịch. Tại Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ đã xây dựng các bệnh viện dã chiến, chuyển đổi các trung tâm mua sắm, sân thể thao thành bệnh viện và thậm chí làm cả nhà xác.
Theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu ghi nhận hơn 81 triệu ca nhiễm Covid-19. (Ảnh: RIA)
Ở New York, những chiếc xe tải đông lạnh chứa hàng nghìn thi thể xếp hàng dài ngay trên đường phố, các nhà hỏa táng hoạt động suốt ngày đêm. Hầu hết các thi thể này là những người chưa xác nhận được gia đình hoặc người thân của họ không có khả năng chôn cất theo hình thức truyền thống.
Hôm 11/8, tin vui đã đến khi vắc-xin ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga đầu tiên trên thế giới đã được đăng ký. Mặc dù sự lây lan của loại virus chết người vẫn chưa được kiểm soát, nhưng hàng trăm nghìn người vẫn có hy vọng được cứu sống.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) ngày 11/11 khẳng định, theo các kết quả thử nghiệm tạm thời, vắc-xin ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga có hiệu quả 92% trong việc bảo vệ con người khỏi nhiễm bệnh.
Năm kinh tế thế giới suy thoái nhất
Về kinh tế thế giới, đây là năm suy thoái khó khăn nhất, so với bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tàn lụi. Cú đánh mạnh nhất trong nửa đầu năm là do kiểm dịch nên nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động. Lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đặc biệt là kinh doanh vận tải, giải trí, du lịch, khách sạn.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào thời kỳ suy thoái thời bình tồi tệ nhất trong một thế kỷ. (Ảnh: AP)
Việc đóng cửa các nhà máy trên diện rộng đã làm giảm nhu cầu năng lượng, đồng thời làm rung chuyển thị trường dầu mỏ. Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi thỏa thuận OPEC+ (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, gọi là OPEC+) sụp đổ vào tháng Ba. Sau khi các nước trong liên minh không thống nhất được với nhau về việc giảm sản lượng, dầu Brent đã giảm 1/3 còn 30 USD/ thùng và một tuần sau thậm chí xuống còn 25 USD/ thùng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2020 giảm 4,4%, mức giảm thấp hơn so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2020 (-4,9%). Điều chỉnh tích cực này là do tăng trưởng GDP Quý II tại các nền kinh tế phát triển tốt hơn dự kiến và các chỉ tiêu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong Quý III. Dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 5,2% trong năm 2021. Tăng trưởng nhóm các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm 5,8% năm 2020, nhưng sẽ tăng lên mức 3,9% trong năm 2021.
Biểu tình chống bạo lực kết thúc bằng bạo lực
Làn sóng biểu tình và nhiều hoạt động phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc tiếp tục diễn ra tại Mỹ, đồng thời lan rộng ra nhiều nước châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, sau vụ việc người đàn ông da màu George Floyd (46 tuổi) tử vong hôm 25/5 sau khi bị cảnh sát bắt giữ tại thành phố Minneapolis.
Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc ở Mỹ. (Ảnh: RIA)
Tại Washington, các cuộc biểu tình đã diễn ra với hàng nghìn người tham gia và tập trung tại khu vực trung tâm thành phố và gần Nhà Trắng. Các hoạt động diễn ra dưới sự giám sát của cảnh sát và lực lượng vệ binh quốc gia. Nhiều bang và thành phố lớn ở Mỹ như California, New York, Philadelphia, Chicago, Seattle… cũng chứng kiến các cuộc biểu tình quy mô lớn.
Ngoài ra, làn sóng biểu tình lan sang nhiều nước châu Âu như: Ireland, Pháp, Cộng hòa Czech, Anh, Tunisia... Người biểu tình tại nhiều nơi cũng đã tổ chức các cuộc tuần hành đến Đại sứ quán Mỹ tại các nước để bày tỏ sự phản đối tình trạng kỳ thị chủng tộc.
Từ virus và bạo loạn đến con đường vào Nhà Trắng
Các cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức trong năm nay tại Mỹ là một trong những cuộc bầu cử tai tiếng nhất. Đại dịch, bạo loạn, âm mưu tham nhũng dựa trên nền tảng của những tin tức như vậy, các ứng cử viên đã tranh giành từng lá phiếu. Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden tham gia cuộc đua gần như một cách 'tình cờ', trước cuộc bầu cử sơ bộ ở Nam Carolina, ông không được nhiều người yêu thích trong đảng Dân chủ. Trong khi, Tổng thống Donald Trump, theo các nhà quan sát rất có thể đủ điều kiện cho nhiệm kỳ thứ hai, nhưng những thành công kinh tế trước đó đã bị 'phá hủy' bởi đại dịch Covid-19.
Ngày 3/11, người Mỹ chính thức đi bỏ phiếu bầu tổng thống cho 4 năm tiếp theo. (Ảnh: AP)
Các đối thủ không hề tỏ ra tôn trọng nhau, họ cạnh tranh gay gắt trước các vấn đề về Nga và Trung Quốc. Chiến dịch bầu cử này đi kèm với suy đoán rằng ông Trump sẽ từ chối rời Nhà Trắng nếu bị đánh bại. Các cuộc bầu cử gây tranh cãi đã chia rẽ xã hội Mỹ. Đảng Cộng hòa nhấn mạnh cuộc bầu cử không công bằng, nhưng không thể thách thức kết quả trước tòa. Vào ngày 6/1, cả hai viện của Quốc hội sẽ xem xét kết quả của cuộc bỏ phiếu đại cử tri, và chỉ sau đó mới công bố chiến thắng cuối cùng.
Nagorno-Karabakh
Vào cuối tháng 9, giao tranh lại tiếp tục ở Nagorno-Karabakh sau gần 26 năm gián đoạn. Quân đội Armenia và Azerbaijan đã đổ lỗi cho nhau về việc bắt đầu chiến tranh. Nagorno-Karabakh là vùng đất ở phía Nam Caucasus (Kavkaz), nằm giữa vùng hạ Karabakh và Zangezur trên khu vực phía đông nam dãy Kavkz. Hầu hết địa hình là đồi núi và rừng, có diện tích 8.223 km2. Đây là vùng sinh sống của người Armenia từ xa xưa.
Hôm 18/11, Bộ Y tế Armenia cho biết số liệu được tính từ khi giao tranh nổ ra cuối tháng 9 đến tối 17/11. 'Cơ quan pháp y của chúng tôi đã kiểm tra thi thể của 2.425 binh sĩ thiệt mạng', Bộ Y tế Armenia thông tin.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga được triển khai dọc theo chiến tuyến ở Nagorno-Karabakh. (Ảnh: RIA)
Cơ quan này cũng tiết lộ, khoảng 250 thi thể khác vẫn chưa xác định được danh tính. Trước đó, quân đội Armenia xác nhận gần 1.600 quân nhân thiệt mạng vì chiến sự với Azerbaijan.
Phía Azerbaijan không thông báo thương vong quân sự mà chỉ cho biết có 93 dân thường thiệt mạng, 407 người khác bị thương. Nga là quốc gia quan sát kĩ lưỡng cuộc chiến và có quan hệ tốt với cả hai nước, nói rằng 5.000 người đã chết vì chiến sự, chia đều cho hai nước.
Hôm 10/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố kết thúc chiến tranh ở Nagorno-Karabakh. Armenia và Azerbaijan đã ký một thỏa thuận về việc chấm dứt chiến tranh. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ được triển khai dọc theo chiến tuyến ở Nagorno-Karabakh.
Anh chính thức rời EU
Hôm 31/1, Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 47 năm là thành viên của liên minh kinh tế lớn nhất thế giới này. Để khởi động cho các sự kiện kỷ niệm ngày lịch sử này, sáng ngày 31/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tổ chức một cuộc họp nội các đặc biệt tại Thành phố Sunderland, nơi đầu tiên tuyên bố ủng hộ 'Ra đi' trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Tuy nhiên, Anh sau đó vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của EU cho đến cuối năm 2020, nhằm đạt được các điều khoản thương mại công bằng với 27 quốc gia thành viên.
Anh chính thức rời EU. (Ảnh: RIA)
Mới đây, hôm 24/12, Anh và EU đã đạt được thỏa thuận tự do thương mại đóng vai trò lịch sử thời hậu Brexit, kịp thời hóa giải cơn khủng hoảng đang chực chờ bùng nổ. Chỉ còn khoảng một tuần đến thời điểm Anh chính thức hết giai đoạn chuyển tiếp để rời EU và tưởng chừng như mọi thứ đang đi vào bế tắc, Thủ tướng Anh bất ngờ thông báo trên Twitter: 'Thỏa thuận đã được chốt'.
Để chính thức có hiệu lực, thỏa thuận thương mại vừa đạt được cần quốc hội Anh và nghị viện EU phê chuẩn trong những ngày tới, nhưng tin tức tốt lành này trước hết vẫn nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của các bên liên quan.