Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì buổi họp báo
Tiêm vaccine đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả và miễn phí
Mở đầu buổi họp báo, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, TPHCM đã bước vào ngày thứ 4 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Qua 4 ngày có thể khẳng định, TP đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Về công tác xét nghiệm, trong ngày 25-8, TP đã lấy 514.974 mẫu, trong đó có 8.452 mẫu đơn và 4.189 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 479.742 mẫu, ngày 24-8, TP đã lấy đã lấy 317.389 mẫu, trong đó có 7.025 mẫu đơn và 5.235 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 265.478 mẫu. 'Khi số mẫu lấy được không ngừng tăng do chúng ta tăng xét nghiệm, đồng nghĩa với đó là số ca F0 tăng theo. Cụ thể, ngày 24-8 có 4.634 F0, ngày 25-8 có 5.294 F0', đồng chí Phạm Đức Hải thông tin.
Về công tác tiêm vaccine, tổng số mũi vaccine TP tiêm cho người dân đến ngày 25-8 là 5.627.728 liều, trong đó tổng số mũi 1 là 5.390.903, mũi 2 là 236.825, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 573.771. 'TP đang thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng, nghiêm cấm thu tiền từ các tổ chức đơn vị với bất kỳ hình thức nào', đồng chí Phạm Đức Hải nhấn mạnh và cho biết phải cơ bản tiêm mũi 1 cho tất cả đối tượng được tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước ngày 15-9.
Theo đồng chí Phạm Đức Hải, hiện TPHCM ước tính có khoảng 3-4 triệu người khó khăn do Covid-19, TP luôn đảm bảo an sinh cho những đối tượng này và chi từ nguồn ngân sách để giúp hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn bởi đại dịch, việc chi cố gắng phấn đấu trước ngày 30-8 với mức chi 1,5 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, TP có 2 triệu túi an sinh, mỗi túi trị giá 300.000 đồng hỗ trợ người lao động; TP cũng vừa ký văn bản quy định, trường hợp những hộ mà đã nhận được gói quà an sinh sẽ được nhận thêm 1,2 triệu đồng tiền mặt.
Liên quan đến việc tiếp nhận đối tượng lang thang cơ nhỡ, trong ngày 26-8, TP tiếp nhận 149 đối tượng đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH. Lũy kế từ ngày 11-7 đến 26-8, TP đã tiếp nhận 452 người. Cùng với đó, tiếp nhận 13 đối tượng cai nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2. Lũy kế từ ngày 11-7 đến 26-8 đã tiếp nhận 140 người.
Ưu tiên giải quyết cấp QR code cho xe chở oxy, thiết bị y tế
Liên quan đến việc cấp giấy cho các phương tiện vận chuyển oxy, thiết bị y tế, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, việc cấp giấy đi đường cho phương tiện do Sở GT-VT cấp, hiện công an chỉ cấp giấy đi đường cho cá nhân, cá nhân được cấp giấy đi đường thuộc diện do TP cho phép lưu thông. Đối với các trường hợp vướng mắc liên quan đến trường hợp cung cấp thuốc men, vật tư y tế, Công an TP đã có văn bản chỉ đạo thống nhất các đối tượng phương tiện chở oxy, thuốc men, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, khi có các giấy tờ chứng minh như: giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận chuyên môn, hoạt động vận chuyển phù hợp chứng minh được cung cấp cho công tác phòng chống dịch thì được phép lưu thông. Đối với trường hợp đi tiêm vaccine, tái khám có bằng chứng thì được phép lưu thông.
Theo ông Phạm Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GT-VT, lượng xe tham gia giao thông giảm 90% so với những ngày thường chưa có dịch. Thời gian qua, công tác cấp mã nhận diện cho các xe ưu tiên 'luồng xanh' được Sở GT-VT phối hợp với các đơn vị thực hiện làm hồ sơ và trả hồ sơ qua các đầu mối sở-ngành, đơn vị. Việc giải quyết và trả hồ sơ sau 24 giờ, việc cấp QR code được triển khai nhanh, thuận lợi. 'Đối với các xe chở oxy, thiết bị y tế. Việc làm hồ sơ cấp QR code vẫn phải qua đầu mối là Sở Y tế và Sở GT-VT cố gắng xử lý và cung cấp QR code tối đa trong vòng 4-8 tiếng để ưu tiên nhất cho những phương tiện vận chuyển này', ông Phạm Công Bằng nói.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đối với việc hướng dẫn sử dụng toa thuốc sử dụng tại nhà, trước đây có toa thuốc A và toa thuốc B (toa thuốc A gồm thuốc hạ sốt và vitamin; toa thuốc B gồm thuốc kháng viêm và kháng đông). Hiện nay theo cung cấp thuốc của Bộ Y tế, TP có toa thuốc C (thuốc kháng virus). Đối với thuốc kháng virus dạng uống Molnupiravir được chỉ định với F0 có triệu chứng nhẹ. Chiều 26-8, Sở Y tế đã nhận được 16.000 liều với 320.000 viên Molnupiravir. Trong sáng mai (27-8) sẽ cung cấp ngay vào các túi thuốc cho người F0 đang được điều trị tại nhà.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, trong 3 ngày (từ 23-8 đến 25-8), tốc độ xét nghiệm test nhanh rất nhanh. Trong 3 ngày đạt xấp xỉ gần 1 triệu test. Thực tế con số 2 triệu test là số ước với 400.000 hộ dân trong 'vùng đỏ' và 'vùng cam' nhưng con số chính xác có thể cao hơn hoặc thấp hơn. Tuy nhiên các quận, huyện đã nỗ lực hết sức để làm trong 3 ngày đạt được 1 triệu test. Về cơ bản, ngành y tế TP đã có thể đánh giá, xếp sắp lại một phần nào các 'vùng đỏ', 'vùng cam', trong 26-8 và ngày mai (27-8) sẽ tiếp tục quét và sau đó sẽ lặp lại lần 2.
'Qua số liệu đánh giá, ngày 23-8 khoảng 3,5% test dương tính, ngày 24-8 khoảng 3,2%, ngày 25-8 gần 3,8%. Tổng 3 ngày là khoảng 3,6%. Như vậy theo đánh giá dịch tễ học, dưới 5% chúng ta có thể quét được hết F0 từ nay đến ngày 15-9. Với tỷ lệ như vậy có niềm tin là hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra', bác sĩ Nguyễn Hoài Nam thông tin.
Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng cho biết, chương trình 'Dân hỏi – TP trả lời', qua 2 số phát sóng có 900.000 lượt xem, 42.000 bình luận và 20.000 chia sẻ. Nhiều vấn đề người dân thắc mắc nhưng đa phần về an sinh xã hội, yêu cầu của bà con trước khó khăn trong điều kiện giãn cách.
Trong số phát sóng đầu tiên có 3.000 bình luận đề nghị hỗ trợ gói an sinh xã hội. Sau khi thống kê lại các địa chỉ đầy đủ có thể liên hệ giúp cho bà con khoảng hơn 180 địa chỉ. Chúng tôi đã chuyển ngay cho Trung tâm An sinh xã hội TP và các địa phương để giải quyết ngay. 'Quan điểm của lãnh đạo TP, đây là chương trình không chỉ đối thoại không mà là chương trình nói và làm, có nghĩa là nghe ý kiến của bàn con, TP giải quyết ngay và phản hồi ngay. Chúng tôi thực hiện đúng chỉ đạo đó. Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến và cải tiến chương trình được tốt hơn theo 2 hướng là tăng tính tương tác và tổ chức theo chuyên đề', ông Lâm Đình Thắng thông tin.