1. Tổng số ca mắc: 258 trường hợp, trong đó:
- 159 người từ nước ngoài chiếm 61,6%;
- 99 người lây nhiễm thứ phát.
2. Số ca mắc mới tính đến 18h00 ngày 11/4: 01 ca (258)
- CA BỆNH 258 (BN258): Bệnh nhân nữ, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân là mẹ BN257 đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm và kết luận dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 11/4.
3. Số người cách ly:
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 72.508, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.198;
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 17.519;
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 53.791.
4. Tình hình điều trị:
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 13 ca.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 12 ca.
Thông tin Ban Chỉ đạo: 0h ngày 12/4 Bệnh viện Bạch Mai sẽ được dỡ bỏ phong toả
Chiều 11/4, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong đã ký ban hành Quyết định số 1052/QĐ-UBND về việc kết thúc vùng cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa). Việc kết thúc cách ly này có hiệu lực kể từ 0h ngày 12/4.
Theo quyết định trên, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện cách ly y tế đủ 14 ngày, đáp ứng đủ các yêu cầu như quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế, quận Đống Đa quyết định kết thúc việc cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai để bệnh viện có thể tiếp tục thực hiện công tác khám, chữa bệnh bình thường.
Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát và phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế tại Quyết định số 963/QĐ-BYT ngày 18/3/2020 và Chỉ thị 06/CT-BYT ngày 28/3/2020, về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở y tế.
Thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội, tuyệt đối không lơi lỏng, chủ quan Tại Thông báo số 153/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, trước hết đến hết ngày 15/4/2020, tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan. Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Chiến lược ngăn chặn, cách ly khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả là đúng đắn, các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng đúng thời điểm, phù hợp với diễn biến dịch; đặc biệt việc cách ly toàn xã hội được thực hiện kịp thời. Đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, là kết quả rất đáng mừng. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan trong cộng đồng, bùng phát dịch bệnh tại Việt Nam vẫn rất cao. Các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện chủ động các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, trước hết đến hết ngày 15/4/2020, tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan. Chấn chỉnh tình trạng tụ tập đông người, tham gia giao thông đông đúc Hiện nay, đã có hiện tượng người dân một số địa phương không chấp hành nghiêm Chỉ thị, tụ tập đông người, không giữ khoảng cách an toàn, tham gia giao thông đông đúc, ra ngoài đường không deo khẩu trang… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền các cấp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo đúng quy định, yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội, ở tại nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, không tập trung đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng… Chính quyền các cấp lưu ý triển khai các biện pháp chống dịch phải đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để người dân hoang mang, đồng thời không để lơi lỏng, bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn, lưu thông hàng hóa thuận lợi. Bộ Y tế và các Bộ liên quan theo dõi, đánh giá sát đúng tình hình, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định biện pháp áp dụng này từ sau ngày 15/4/2020. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan tiếp tục quản lý, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, hạn chế tối đa người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, trừ các trường hợp đặc biệt; hết sức lưu ý kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh trên tuyến biên giới phía Tây, Tây Nam. Tiếp tục hạn chế tối đa các chuyến bay vận chuyển hành khách đến Việt Nam, trừ các trường hợp đặc biệt. Bộ Quốc phòng và các địa phương tiếp tục chuẩn bị sẵn cơ sở cách ly, bảo đảm chủ động, sẵn sàng tiếp nhận thực hiện cách ly tập trung số lượng lớn. Khẩn trương phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, cách ly, dập dịch triệt để Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế: Tập trung chỉ đạo việc khẩn trương phát hiện các ca nhiễm, ổ dịch trong cộng đồng và cách ly, khoang vùng, dập dịch triệt để, dứt khoát. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc khai báo y tế. Tăng cường năng lực xét nghiệm cho các địa phương đảm bảo phù hợp với thực tiễn, có quy trình chặt chẽ về đón tiếp, khám bệnh, điều trị đối với người đến khám bệnh tại các cơ sở y tế nhằm ngăn ngừa việc lây nhiễm. Chú trọng việc phòng ngừa lây nhiễm, bảo đảm an toàn cho lực lượng làm việc tại các cơ sở cách ly và cơ sở y tế. Tâp trung huấn luyện chuyên môn, việc sử dụng máy thở, phác đồ điều trị tốt nhất… cho các tuyến, chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị thuốc men cho trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Trước mắt, tạm dừng xuất khẩu các loại thuốc sử dụng để điều trị COVID-19, nhập khẩu một số loại thuốc thành phẩm cần thiết, đảm bảo đủ cơ số cho điều trị. Đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế, khẩu trang, máy thở Các Bộ: Công Thương, Y tế chủ động đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế, công cụ, vật tư trong đó có khẩu trang các loại, máy thở. Thủ tướng Chính phủ giao các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị chuyên đề về vấn đề này. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện việc hỗ trợ, viện trợ xuất khấu một số loại trang thiết bị, vật tư y tế, khẩu trang các loại, lưu ý thực hiện tốt việc hợp tác, hỗ trợ Lào, Campuchia và một số nước. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản, chuyên sâu, ứng dụng để chế tạo, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, vật tư, trang thiết bị y tế cần thiết cho phòng, chống dịch. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh. Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Y tế tiếp tục phát triển mạnh các ứng dụng tiện ích phục vụ đời sống người dân và phòng, chống dịch. Thủ tướng Chính phủ biểu dương các lực lượng khoa học công nghệ đã rất trách nhiệm, phối hợp tốt, hỗ trợ tích cực cho các lực lượng và người dân phòng, chống dịch trong thời gian qua. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, công khai minh bạch về các biện pháp phòng, chống dịch để nhân dân yên tâm, tin tưởng. Cần tập trung truyền thông về các nhân viên y tế, lực lượng quân đội (trong đó có biên phòng), công an, những tấm lòng nhân ái, những tấm gương người tốt, việc tốt. Không đưa các tin giật gân, rút tít gây hoang mang; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật. |