Hà Nội ghi nhận số F0 kỷ lục với 222 ca
Tối 9/11, Hà Nội ghi nhận 222 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Đây là ngày thành phố Hà Nội có số ca dương tính cao nhất từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta tới nay. Theo Sở Y tế Hà Nội, trong số 222 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 mới, có 105 ca cộng đồng, 97 ca phát hiện ở khu cách ly và 20 ca ở khu phong toả.
Phong toả nhiều ngõ ở phường Phú Đô có hơn 50 F0
Sau khi ghi nhận khoảng 50 ca F0 trong cộng đồng, lực lượng chức năng phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tiến hành lập hàng rào tại những nơi có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm hàng nghìn người dân để sàng lọc, tách F0.
Ngõ 8 Lê Quang Đạo (phường Phú Đô) được lập chốt cứng, có lực lượng chức năng kiểm soát.
Được biết, các con ngõ được phong tỏa trên địa bàn phường Phú Đô bao gồm: Tuyến đường F1, từ đầu ngõ 8 cổng làng đường Lê Quang Đạo đến đầu ngõ đến số nhà 192 ngách 8/43, 8/11/36/47 tổ 6, ngõ 8/11/36/193 tổ 5 (sau đình làng) và ngõ 8/11/150/4 đến 8/11/112 đến 8/11/92 thuộc tổ 5.
Hà Nội đã phát hiện 100 người về từ 13 tỉnh, thành phố mắc COVID-19
Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 8/11, thành phố đã giám sát tổng số 12.027 người từ các tỉnh, thành phố trên cả nước trở về Hà Nội. Trong đó 7.336 người đi bằng máy bay, 1.692 người đi tàu hỏa; 1.785 người đi ô tô, xe khách và 1.214 người đi bằng phương tiện cá nhân.
Qua đó, Thành phố ghi nhận 100 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, về từ 13 tỉnh, thành phố: TP.HCM (64), Đồng Nai (9), Bình Dương (7), Hà Giang (5), Nam Định (3), Hà Nam (3), Phú Thọ (2), Quảng Ngãi (2), Tây Ninh (1), Bắc Giang (1), Đắk Lắk (1), Phú Quốc (1), An Giang (1).
100 ca này có hộ khẩu thường trú phân bố tại 24 quận, huyện. Từ đó ghi nhận 48 ca nhiễm thứ phát do tiếp xúc gần hoặc liên quan những người này.
Trong 100 ca dương tính này có 61 người đã tiêm đủ 2 mũi, 24 người đã tiêm 1 mũi, 8 người chưa tiêm và 7 người chưa đến tuổi tiêm chủng.
Vì sao Hà Nội chưa tổ chức cách ly F0, F1 tại nhà?
Một tuần gần đây, mỗi ngày TP có trung bình khoảng 90 ca nhiễm mới, trong đó số ca cộng đồng rất lớn.
Trước tình hình F0 tăng, một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên sớm có phương án cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà.
Nêu quan điểm về vấn đề này trên Vietnamnet, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, ở thời điểm hiện tại, TP chưa tổ chức cách ly F1, F0 tại nhà. Nguyên nhân Hà Nội chưa cách ly F1, điều trị F0 tại nhà là:
Thứ nhất, Hà Nội vẫn đủ nguồn lực để cho F0, F1 cách ly tập trung như hiện nay; khi F0 gia tăng đến mức độ nào đó mới tính đến việc cách ly tại nhà.
Thứ 2, đặc thù của TP Hà Nội là 'đất chật người đông', khác với các tỉnh, khó đảm bảo đủ an toàn khi cách ly tại nhà.
Từ đầu đợt dịch thứ tư tới hết ngày 8/11, địa bàn Hà Nội ghi nhận tổng số 5.104 ca COVID-19, gồm 2.017 trường hợp phát hiện ngoài cộng đồng và 3.087 người được cách ly từ trước.
Thông tin mới về truy vết đoàn khách du lịch từ Hà Nội đi Sa Pa có F0
Theo thông tin của UBND thị xã Sa Pa, các ngành chức năng đã phối hợp truy vết được 16 trường hợp F1 và 59 trường hợp F2 của các trường hợp đoàn khách du lịch Hà Nội bị dương tính COVID-19.
TPHCM: Ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 lại gia tăng
Tính từ 16 giờ ngày 8/11 đến 16 giờ ngày 9/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.276 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM và 38 trường hợp tử vong.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã có tổng cộng 437.799 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Theo số liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TPHCM, tuần qua số ca bệnh trên địa bàn liên tục duy trì ở mức dưới 1.000 trường hợp mới nhiễm trong ngày.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, số ca bệnh và ca tử vong bắt đầu tăng. Cụ thể, ngày 7/11 có 1.009 ca mắc mới với 31 ca tử vong; ngày 8/11 có 1316 ca mắc mới với 35 ca tử vong. Điều đó cho thấy dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp.
Xác minh vụ thanh niên tố bị đánh ở nhà tổ trưởng khi hỏi tiền hỗ trợ dịch COVID-19
Anh Nh. đăng tải thông tin tố cáo bị đánh khi hỏi tiền hỗ trợ COVID-19 lên mạng xã hội
Ngày 9/11, ông Nguyễn Văn Đại, Chủ tịch UBND phường Hoà Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), xác nhận cơ quan chức năng đang làm rõ vụ việc anh H.M.Nh. (SN 1996) và vợ là Ph.T.T. (SN 1996, tạm trú tổ 67 phường Hoà Khánh Bắc) tố cáo bị đánh khi đến nhà tổ trưởng hỏi về tiền hỗ trợ dịch COVID-19.
Theo thông tin ban đầu, sự việc xảy ra vào khoảng 18h30 ngày 6/11. Thời điểm trên, anh Nh. cùng chị T đến nhà riêng ông Phạm B (tổ trưởng tổ 67 phường Hoà Khánh Bắc) để hỏi về số tiền được UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Anh Nh. yêu cầu được xem danh sách nhận tiền hỗ trợ và phát hiện không có tên của mình. Người đàn ông này có lời lẽ chửi bới vì bức xúc do không nhận được tiền dù thuộc đối tượng được hỗ trợ. Ông B yêu cầu anh Nh. kê khai lại để bổ sung danh sách lên UBND phường Hoà Khánh Bắc để nhận hỗ trợ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, anh Nh. tiếp tục chửi bới, xúc phạm ông B. Lúc này, ông Phạm Văn Tâm (tổ phó tổ 67) đã lao vào tát vào mặt anh Nh. Anh Nh. lúc này lấy 1 viên gạch định đánh trả nhưng được người dân gần đó can ngăn kịp thời. Nhiều người chứng kiến sự việc xảy ra đã có hành vi đánh anh Nh.
Anh Nh. gọi điện báo công an nên được đưa về trụ sở làm việc. Người này sau đó về nhà đã liên tục đăng tải thông tin vụ việc lên mạng xã hội, tố cáo tổ trưởng tổ 67 cùng con trai, tổ phó đánh thương tích mình. 'UBND phường đã giao cho cơ quan công an khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ theo quy định', ông Đại cho biết.
Chồng chích điện vợ đang điều trị hậu COVID-19 để 'được giải thoát'
Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM
Lãnh đạo Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM xác nhận với Dân trí, vừa qua nơi đây đã xảy ra một sự việc đau lòng, khiến một bệnh nhân tử vong.
Theo thông tin bệnh viện cung cấp, bà U. (53 tuổi) nằm tại khoa Nội Tổng hợp hơn một tháng qua để điều trị tổn thương phổi, huyết khối tĩnh mạch chi dưới sau mắc COVID-19. Suốt thời gian này, bà được chồng là ông Đ. trực tiếp chăm sóc. Ông Đ. cũng từng là F0.
Sáng 4/11, khi thấy người nuôi bệnh ở các giường bên cạnh đã ra ngoài hết, ông Đ. bất ngờ chốt cửa phòng, lấy dây điện chuẩn bị sẵn, cắm điện và chích vào người vợ. Sau đó, ông tiếp tục lấy dây điện quấn vào người với ý định tự sát. Lúc này, người thân của bệnh nhân khác trở về, phát hiện sự việc nên hô hoán báo các nhân viên y tế vào ngăn chặn.
Dù được các bác sĩ tận tình cấp cứu, tuy nhiên bà U. đã tử vong vì ngưng tim ngưng thở trước đó. Riêng người chồng chỉ bị bỏng vùng tay và thoát chết.
Liên quan đến sự việc, đại diện đội Tham mưu Tổng hợp, Công an Quận 8 (TPHCM) cho biết, công an quận đang thụ lý vụ việc chồng chích điện vợ tử vong rồi tự tử bất thành ngay trong bệnh viện. Trước đó, sau khi nhận tin báo, công an đã đến hiện trường trích xuất camera, lấy lời khai người chứng kiến.
Ông Đ. cũng được đưa về trụ sở công an làm việc. Khai với công an bước đầu, người chồng thừa nhận hành vi chích điện nạn nhân, với lý do vì bà U. bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn nên nảy sinh ý định muốn giúp vợ và mình được 'giải thoát'.
Lâm Đồng: Số ca nhiễm tăng kỷ lục, 1 F0 tử vong trên đường đến BV
Sáng 9/11, bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết trên báo Thanh Niên, toàn tỉnh ghi nhận thêm 54 ca nhiễm COVID-19, đây là số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận cao nhất trong 1 ngày, từ đầu dịch đến nay.
Tỉnh Lâm Đồng cũng ghi nhận ca mắc Covid-19 thứ 4 tử vong là bà N.T.H (43 tuổi, ngụ TT.Dran, H.Đơn Dương). Theo ngành y tế tỉnh này, bà H. làm nghề uốn tóc, hằng ngày tiếp xúc với 4 - 5 người.
Bà H. có bệnh nền tiểu đường, đã được tiêm vaccine phòng COVID19 mũi 1 vào cuối tháng 9/2021. Cách đây 4 đến 5 ngày, bà H. có triệu chứng hô hấp tại nhà và tự mua thuốc uống.
Rạng sáng 8/11, khi bà H. chuyển nặng được gia đình đưa đi bệnh viện nhưng bệnh nhân tử vong trên đường đến bệnh viện. Sau đó ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm, kết quả bà N.T.H nhiễm COVID-19.