Bị cáo Đỗ Đình Ngọc tại tòa.
Giận cá chém thớt
Trong không gian trang nghiêm chốn công đường, tạm quên đi cái nóng oi bức của 1 ngày giữa tháng Năm, Đỗ Đình Ngọc (SN 1992, trú tại khu 5, thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) nhớ lại thời gian cách đây 6 năm.
Khi đó, Ngọc mới 22 tuổi, bỏ qua những lời xì xào, bàn tán về việc cả hai còn đang 'tuổi ăn, tuổi lớn', Ngọc vẫn kết duyên cùng với người con gái xinh xắn, kém mình 5 tuổi tên Lê Thị Thanh H. cùng ở khu 5, thôn Thụy Lôi.
Ở cái tuổi 'ăn chưa no, lo chưa tới', song với sự vun vén của 2 gia đình, sự yêu thương, chia sẻ cùng nhau, cặp đôi hạnh phúc trong những tháng ngày màu hồng của hôn nhân. Hạnh phúc càng viên mãn hơn nữa khi H. sinh cho Ngọc 1 đứa con đẹp như tranh vẽ. Những tưởng với sự tồn tại của thiên thần nhỏ sẽ là sợi dây gắn kết hơn nữa giữa 2 người thì nào ngờ rạn nứt cũng bắt đầu từ đây...
Sau khoảng 5 năm, những bất đồng, mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng Ngọc – H. ngày một trầm trọng, chủ yếu do Ngọc không chịu tu chí làm ăn, vẫn quen thói chơi bời, lêu lổng như thời chưa vợ. Không còn những lời nói yêu thương, ngọt ngào, dần dần thay vào đó là bầu không khí căng thẳng, những trận cãi vã, thậm chí là những lần Ngọc 'thượng cẳng chân, hạ cẳng tay' với vợ. Không thể chịu đựng thêm được nữa, người vợ trẻ quyết định đem con về nhà bố mẹ đẻ ở gần đó sống.
Đến lúc này, Ngọc mới giật mình, sợ rằng sẽ đánh mất gia đình nhỏ của mình. Nhưng hắn lại không đủ bản lĩnh, tỉnh táo để chọn cách hàn gắn, níu kéo hạnh phúc một cách khôn ngoan. Thay vào đó, Ngọc lại mua 1 con dao bầu, quấn giấy bọc cẩn thận, mục đích khi gặp chị H. sẽ dùng để đe dọa, buộc vợ quay về.
Nung nấu kế hoạch níu kéo vợ quay về bằng bạo lực, chập tối mùng 4/6/2019, Ngọc giắt theo con dao mua lúc trước, phóng xe đạp điện đến nhà bố mẹ vợ nói chuyện. Vừa tới nơi, Ngọc sục sạo chạy lên tầng 2 tìm H. nhưng không thấy nên xuống tầng 1 thì gặp mẹ vợ. Lúc này, bà Ngô Thị L. (mẹ đẻ chị H.) nói với Ngọc: 'Không sống được với nhau thì ly dị đi'.
Nghe vậy, trong đầu Ngọc cho rằng chính bà L. là người can thiệp vào chuyện vợ chồng Ngọc nên H. mới bỏ đi. Chẳng nói chẳng rằng, Ngọc lầm lì ra mở cốp xe lấy dao, quay lại dùng dao đâm 1 nhát trúng mạn sườn mẹ vợ.
Quá bất ngờ, bà L. vội vàng chạy ra ngoài kêu cứu thì bị L. đuổi theo truy sát. Thấy vậy, ông Lê Đỗ B. (bố vợ Ngọc) chạy ra can ngăn cũng bị con rể dùng dao chém nhiều nhát vào vùng ngực. Chỉ đến khi nhìn thấy chú vợ đi đến, hung thủ mới bỏ đi.
Bị thương tích rất nặng, phải chuyển viện nhiều lần, may mắn, cả bà L. và ông B. đều bảo toàn được tính mạng, song bà L. bị tổn hại 74% sức khỏe, ông B. bị tổn hại 44% sức khỏe.
Về phần Ngọc, ngay tối cùng ngày gây án, hung thủ đã đến đồn Công an Liên Hà – huyện Đông Anh, Hà Nội đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Với hành vi tàn ác, mất hết nhân tính của mình, Ngọc phải nhận bản án 19 năm tù của tòa sơ thẩm. Cho rằng mức án này là quá cao, bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Sự hối hận muộn màng
Tại phiên tòa phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội, liên tục là những câu độc thoại không ngừng lởn vởn trong tâm trí kẻ phạm tội 'giá như lúc đó mình kiềm chế hơn thì sẽ không gây ra trọng tội'; 'giá như mình có trách nhiệm, chịu khó làm ăn thì vợ con đã không bỏ đi'... thế nhưng, dù có hối hận thế nào cũng chẳng thể sửa chữa được sai lầm 'trời không dung, đất không tha' của Ngọc.
Bao biện cho hành vi côn đồ, hung hãn của mình trước công đường, Ngọc chỉ biết lí nhí 'do bị cáo nóng nảy, không kiềm chế được bản thân, xin HĐXX cho bị cáo hưởng lượng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo'.
Đó cũng là những gì bị cáo Ngọc trình bày trong đơn kháng cáo xin TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình.
Trái ngược với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Ngọc, phía bị hại đề nghị tòa xử thật nghiêm kẻ côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác.
Trong sự cô độc, bị nhiều người đay nghiến, Ngọc cần lắm một cử chỉ quan tâm hay một lời hỏi thăm từ người thân, song gia đình Ngọc chẳng có một ai đến dự tòa.
Suốt phiên xử phúc thẩm, Ngọc một lần nữa thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm quy kết, song khi được chủ tọa hỏi có tình tiết gì mới để xin giảm nhẹ hình phạt thì Ngọc lặng thinh.
Với diễn biến như trên, cấp phúc thẩm đã bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Ngọc, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo.
Mang gương mặt buồn bã, bị cáo Ngọc rời tòa trong sự quản thúc của lực lượng dẫn giải. Ngay cả khi lên xe thùng về trại giam, kẻ suýt cướp đi tính mạng của cha mẹ vợ vẫn cố nhìn xung quanh, tìm kiếm bóng người thân nhưng không thấy.