Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp khi trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống cho biết, như vậy, kết quả xác minh cho thấy, HLV Bùi Xuân Hà đã giữ tiền của một số vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ và mới đây đã phải trả lại số tiền này.
Để có hướng xử lý tiếp theo với HLV Bùi Xuân Hà, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ, việc giữ tiền của các vận động viên có thỏa thuận hay không? Mục đích của việc giữ tiền này là gì?
Đồng thời, cần tiếp tục xác minh làm rõ việc khẩu phần ăn của các vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Đối với các vận động viên trẻ, nhu cầu về dinh dưỡng, đảm bảo điều kiện về dinh dưỡng là vấn đề cần quan tâm đầu tiên để đảm bảo quyền lợi cho các vận động viên và đảm bảo hoạt động tập luyện, thi đấu đạt được kết quả tốt nhất. Nếu bữa ăn của vận động viên không đảm bảo dinh dưỡng, đời sống gặp nhiều khó khăn, không thể đòi hỏi kết quả thi đấu tốt.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho hoạt động thể thao ở Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực là còn eo hẹp, các vận động viên còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với các vận động viên trẻ. Chính vì vậy công tác quản lý tài chính, đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng, quyền lợi về kinh tế của các vận động viên là vấn đề cần phải được quan tâm hơn nữa.
Với thông tin hiện nay, chưa đủ cơ sở để kết luận ự việc có sai phạm hay không, lỗi là của ai. Tuy nhiên bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng và việc huấn luyện viên giữ tiền của vận động viên là chuyện đã được làm rõ.
Vấn đề tiếp theo là cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ nội dung lời trình bày của HLV có đúng hay không, nếu số tiền đó là do các vận động viên tự nguyện nhờ huấn luận viên giữ hộ, câu chuyện sẽ không có gì đáng bàn.
Tuy nhiên, nếu số tiền đó là do bị bớt xén, vận động viên không biết hoặc không đồng ý, đây là hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng sẽ xem xét làm rõ trách nhiệm pháp lý nếu nội dung kết luận việc giữ tiền là không đúng pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, đây là bài học trong công tác quản lý, đồng thời là vấn đề mà các trung tâm huấn luyện thể dục thể thao, trung tâm bồi dưỡng vận động viên trẻ cần rút kinh nghiệm.
Trong trường hợp các em không quản lý được tiền lương, có hành vi sử dụng chi tiêu phung phí. HLV, cơ sở đào tạo cần phải thông báo và phối hợp với gia đình để phòng ngừa các hậu quả xấu có thể xảy ra. Còn trường hợp gia đình biết, không quan tâm hoặc có nhưng em không còn gia đình riêng, việc giữ tiền của vận động viên cần phải được lập thành văn bản, có người làm chứng, thể hiện sự công khai, minh bạch nếu hai bên có tự nguyện gửi giữ và thực sự tin tưởng.
'Nếu mọi chuyện rõ ràng, công khai, minh bạch, có chứng cứ, việc giải quyết rất dễ dàng. Còn câu chuyện tài chính mà không rõ ràng, không minh bạch thì có thể phát sinh nhiều nguy cơ, hệ lụy tiêu cực, thậm chí có thể còn là hành vi vi phạm pháp luật', luật sư Cường nêu ý kiến.
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
Ngày 11/10, Cục Thể dục thể thao thông tin, HLV Bùi Xuân Hà đã trả lại toàn bộ số tiền 'giữ hộ' của các vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia.
Theo giải trình của HLV Bùi Xuân Hà, đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia có 10 vận động viên, trong đó 3 người mồ côi cha mẹ nên đã nhờ HLV trưởng giữ hộ tiền vì các vận động viên này chưa có tài khoản riêng. Tuy nhiên, một số vận động viên mua đồ trên mạng dẫn đến bị lừa, nên HLV trưởng giữ tiền hộ và sẽ trả lại vào cuối năm. Những khoản tiền này đều được HLV Bùi Xuân Hà ghi lại.
Sau khi phát hiện ra việc HLV cầm tiền hộ, Cục Thể dục thể thao đã yêu cầu HLV Bùi Xuân Hà trả lại tiền cho vận động viên. Hiện HLV Xuân Hà đã bị cho thôi việc sau vụ lùm xùm ở đội tuyển bóng bàn trẻ Quốc gia, nhưng vẫn phải có trách nhiệm chuyển khoản trả tiền cho vận động viên.
Ngày 9/10, trong cuộc làm việc với Bộ VHTTDL, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Nguyễn Hồng Minh khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm của Khu liên hợp thể thao quốc gia trong việc phục vụ ăn nghỉ cho đội tuyển bóng bàn trẻ. Cục Thể dục thể thao cũng phải làm rõ trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý toàn diện các đội tuyển, làm rõ bản chất vụ việc, sai phạm (nếu có) ở đội tuyển bóng bàn quốc gia.
'Chúng tôi xác định vụ việc này là bài học rất lớn, nhất là trong công tác huấn luyện. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người tham gia công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên trẻ nhưng chưa đặt mục tiêu, quan tâm việc đào tạo huấn luyện, chiến lược bồi dưỡng cũng như đời sống của các vận động mà còn biểu hiện lo cho lợi ích cá nhân mình', Thứ trưởng BVHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã chỉ đạo quyết liệt và giao các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xác minh, làm rõ trách nhiệm. Khi có đầy đủ thông tin về bất cập, sai phạm (nếu có) sẽ xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân theo đúng quy định. Thời hạn để các cá nhân, tập thể liên quan tới vụ việc ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia phải giải trình gửi lên Bộ trước ngày 15/10.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Thể dục thể thao cho biết vụ việc sẽ tiếp tục được xem xét, đánh giá để xác định mức độ vi phạm, từ đó có biện pháp xử lý. 'Trước mắt yêu cầu HLV giải trình, còn để xác minh vụ việc, cần thiết phải có sự vào cuộc ở cấp cao hơn. Khi đó nếu phát hiện có vi phạm, Cục Thể dục thể thao sẽ xử lý nghiêm, không bao che', người này nói.
Thông tin từ Cục Thể dục thể thao, số lượng HLV, VĐV tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia có khoảng 1.000 người. Do những khó khăn khách quan về điều kiện tập luyện, cơ sở vật chất ở trung tâm, để đáp ứng được yêu cầu của tập huấn, tập luyện, của các đội tuyển, ngành phải cho tập huấn ở các cơ sở khác tại các địa điểm hay địa phương khác nhau. Trung tâm thực hiện việc chi trả chế độ tiền lương, chế độ tiền ăn hàng tháng vào tài khoản riêng của từng HLV và VĐV.
Trước đó, thông tin khẩu phần ăn của các VĐV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia không đảm bảo; HLV trưởng tự ý giữ tiền của VĐV hàng tháng với các mức khác nhau gây bức xúc dư luận.