Thế giới đã ghi nhận trên 20,4 triệu ca mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 với gần 5,3 triệu ca nhiễm và trên 167.300 trường hợp tử vong. Hơn 45.600 người bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được báo cáo trong 24 giờ qua tại quốc gia này.
Tại tâm dịch lớn thứ hai thế giới Brazil, tổng số ca mắc COVID-19 được ghi nhận là trên 3 triệu người, hơn 102.000 bệnh nhân đã không qua khỏi vì dịch bệnh này. Ngày 11/8, Brazil đã ghi nhận số ca mắc mới giảm mạnh với hơn 10.600 trường hợp.
Ngược lại, Ấn Độ vẫn ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trong ngày cao nhất thế giới với hơn 61.200 trường hợp. Tính tới thời điểm này, tổng số ca mắc ở Ấn Độ là trên 2,3 triệu người, gần 46.200 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tử vong.
Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: AP)
Tại châu Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/8 thông báo, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người. Điều này mở đường cho việc tiêm chủng vaccine hàng loạt cho người dân Nga nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Ngày 11/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, nước này đã có thêm 34 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 11 ca nhập cảnh. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc tính đến nay là trên 14.600 trường hợp, trong đó 305 người tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi và được xuất viện là hơn 13.700 người.
Cơ quan chức năng Thái Lan vẫn khuyến cáo người dân về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai. (Ảnh: AP)
Tại Thái Lan, Văn phòng Ủy ban Giáo dục cơ bản (OBEC) đã gửi thư cho tất cả cơ sở giáo dục trên cả nước, thông báo về việc có thể mở lại các lớp học như bình thường. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai. Đến nay, số người mắc COVID-19 tại quốc gia này là hơn 3.300 ca, 58 trường hợp tử vong.
Tại Campuchia, để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp sẽ diễn ra vào tháng 12, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo, học sinh lớp 9 và lớp 12 có thể quay lại trường học bắt đầu từ tháng 9. Đây là giai đoạn hai trong kế hoạch từng bước mở cửa lại trường học theo 3 giai đoạn thời dịch COVID-19. Campuchia có 266 ca mắc COVID-19 và chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, Campuchia đã quyết định tạm ngừng các chuyến bay từ Philippines.
Ngày 11/8,Singapore có số ca mắc mới COVID-19 thấp nhất trong hơn 4 tháng qua. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, Singapore thông báo, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 61 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca mắc mới COVID-19 thấp nhất trong hơn 4 tháng qua tại quốc gia Đông Nam Á này. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này hiện lần lượt là trên 55.300 ca và 27 trường hợp.
Cùng ngày, Bhutan đã lần đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi một người dân nước này mắc COVID-19 và đã tiếp xúc gần với nhiều người ở thủ đô Thimphu. Như vậy, tính đến nay, Bhutan ghi nhận tổng cộng 113 ca mắc COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhà chức trách Lãnh thổ phía Bắc Australia cho biết vẫn chưa thể mở cửa đón du khách trong 18 tháng tới nhằm bảo vệ người dân bản địa khỏi dịch COVID-19. Trên phạm vi cả nước, Australia ghi nhận gần 22.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 331 người tử vong. Quốc gia này hiện đã đóng cửa các đường biên giới và chưa xác định được thời gian mở lại.
New Zealand đã ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới sau 102 ngày. (Ảnh: AP)
Tại New Zealand, giới chức y tế thông báo đã ghi nhận 4 ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng sau 102 ngày miễn nhiễm. Trước tình hình này, Thủ tướng Ardern đã nâng mức phản ứng dịch bệnh tại Auckland, thành phố lớn nhất nước này, lên mức độ 3 từ giữa trưa 12/8. Theo đó, tất cả người dân sinh sống tại Auckland sẽ phải ở nhà, trong khi các quán bar và nhiều doanh nghiệp khác phải đóng cửa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa số tiền các nước đã cam kết với số tiền cần thiết để chống đại dịch COVID-19. Số tiền được cam kết được chi ra hiện chỉ mới bằng khoảng 10% số tiền cần thiết để đối phó với đại dịch. Ba tháng tới là giai đoạn then chốt để tăng hiệu quả các công cụ chống dịch, nhưng để tận dụng khoảng thời gian này, theo WHO, thế giới cần gia tăng quy mô cấp vốn.