Trong thế giới hiện đại, hầu như quốc gia nào cũng có quy định về ngưỡng nồng độ cồn (ethanol) hợp pháp trong máu khi lái xe.
Với các lái xe trẻ tuổi (ví dụ ở New Zealand là dưới 20 tuổi), lái xe mới tốt nghiệp (ở Australia là những lái xe mang bằng tạm cấp/bằng thử thách, thường là trong vòng 2 năm trước khi được xét cấp bằng chính thức), lái xe công nghiệp (xe buýt, xe tải v.v…), nhiều quốc gia quy định nồng độ cồn trong máu khi lái xe phải dưới mức phát hiện (cồn trong máu = 0).
Với đa số các tài xế còn lại, thì tuyệt đại đa số các quốc gia chọn một con số nào đó lớn hơn số không làm ngưỡng giới hạn, lượng cồn trong máu bị phát hiện bằng hay vượt giới hạn đó thì lái xe bị coi là phạm pháp. Con số đó có thể là 0.08% như ở Anh hay Mỹ; 0,01-0,04% như nhiều nước Đông Âu, hoặc 0,05% như đa số các nước khác.
Các nước có dùng các đơn vị đo khác nhau, nồng độ cồn trong máu 0,05% thì tương đương với 50mg cồn/100mL máu.
Tuy nhiên, có một số ít quốc gia lựa chọn quy định bất kể lái xe nào cũng không được có bất cứ mức cồn nào trong máu. Theo Wikipedia English (mục Blood Alcohol Content), có 18 nước như vậy bao gồm: Bangladesh, Brazil, Brunei, Colombia, CH Czech, Estonia, Fiji, Hungary, Kuwait, Nepal, Oman, Qatar, Pakistan, Paraguay, Saudi Arabia, Slovakia, Uruguay và United Arab Emirates. Liên bang Nga áp dụng quy định này từ 2010, nhưng từ tháng 9/2013 đã bãi bỏ và hiện đang áp dụng ngưỡng giới hạn là 0,03%.
Việt Nam mới tham gia vào 'câu lạc bộ' 18 nước nói trên kể từ năm 2020. Cụ thể, theo Nghị định 100 thay thế cho Nghị định 46 trước đây, khi tài xế ô tô bị phát hiện thấy cồn trong máu, nếu dưới mức 0.05% thì bị phạt 6-8 triệu đồng, tước bằng lái xe 10-12 tháng; từ 0.05% đến 0,08% phạt 16-18 triệu đồng, tước bằng lái 16-18 tháng, nếu vượt 0,08% phạt 30-40 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng.
Cơ thể người luôn có lượng nhỏ cồn ethanol nội sinh
Người viết bài này cho rằng trong hoàn cảnh an toàn giao thông ở Việt Nam đang ở mức báo động và mức nhận thức thấp của cộng đồng lái xe về tác hại của bia rượu, việc thắt chặt luật pháp để hạn chế các ma men lái xe tử thần trên đường phố là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên xét về mặt khoa học, tôi cho rằng không nên chọn con số 0 (cồn trong máu = 0) để đưa vào luật áp dụng cho mọi lái xe, mà nên chọn một con số lẻ nào đó.
Trong cơ thể người bình thường luôn có một lượng nhỏ cồn ethanol nội sinh được tạo ra do quá trình lên men tự nhiên bởi vi sinh vật đường ruột và sự chuyển hóa pyruvate trong các mô. Con số này dao động giữa các cá thể nhưng mức trung bình là khoảng 3g ethanol được sản sinh ra mỗi ngày.
Ethanol được phân hủy trong gan nhờ các enzyme alcohol dehydrogenase và aldehyde dehydrogenase. Khả năng gan mỗi người làm việc khác nhau nhưng trung bình gan người ta phân hủy được 6 đến 8g ethanol mỗi giờ. Nhờ vậy lượng ethanol nội sinh trong máu thường rất thấp, không đủ gây ra nhiễm độc cơ thể.
Khi người ta uống bia rượu thì chỉ có khoảng 5% cồn bay hơi qua đường hô hấp còn phần lớn phải nhờ vào chức năng giải độc của gan.
Khi lượng cồn được đưa vào theo bia rượu lớn hơn tốc độ đào thải của gan, nồng độ cồn trong máu tăng cao, gây ra nhiễm độc với các cơ quan, trước hết là gan và thần kinh.
Khả năng gan phân hủy cồn cũng rất khác nhau giữa các cá thể, thậm chí giữa các chủng tộc. Ví dụ khoảng 50% người Nhật thường bị thiếu vắng enzyme aldehyde dehydrogenase, những người này có 'tửu lượng'' rất thấp.
Biểu hiện nhiễm độc thần kinh với ethanol là kém tập trung, phản xạ chậm, không chính xác. Phần lớn lái xe uống bia rượu có thể không tự mình nhận ra sự nguy hiểm này, nhưng đã có tài liệu cho thấy với nồng độ ethanol 0,05% trong máu, nguy cơ gây ra tai nạn giao thông tăng gấp đôi; với nồng độ 0,08%, nguy cơ tăng gấp 7; và với nồng độ 0,15%, nguy cơ tăng 25 lần!
Khi cồn trong máu thường xuyên ở mức cao và lâu dài, nhiễm độc gan có thể gây ra tử vong bởi xơ gan, ung thư gan…
Không thể phân biệt được cồn nội sinh và cồn bia rượu
Mặc dù bia rượu có tiềm năng tác hại như vậy nhưng vì sao lại không nên quy định con số 0 (cồn trong máu = 0) vào luật áp dụng cho tất cả các lái xe?
Như trên đã nói, khỏi cần bia rượu thì trong máu mọi người lái xe đã luôn luôn có một lượng nhỏ cồn ethanol phát sinh tự nhiên (ethanol nội sinh). Trong một nghiên cứu bằng sắc ký khí trên 130 người khỏe mạnh nhịn ăn qua đêm, nồng độ ethanol trung bình trong máu là 0,026mg/100ml, thấp nhất là 0,005 và cao nhất là 0,075 mg/100ml (Đồ thị minh họa dẫn từ Logan & Jones, Tạp chí Y khoa và Luật 2000).
Để so sánh, mức 0,075mg/100ml tương đương với 0,007%, gần với ngưỡng hợp pháp cho phép cồn trong máu lái xe ở quốc gia Đông Âu Albania là 0,01%.
Kết quả trên đo được ở người mạnh khỏe và nhịn ăn qua đêm, khi mà nồng độ ethanol nội sinh tương đối thấp. Có nhiều lý do có thể dẫn tới tăng cao nồng độ ethanol nội sinh trong máu, lý do hàng đầu thường là biến đổi khu hệ vi sinh vật đường ruột của mỗi người (nhiễm Candida, Saccharomyces hay Klebsiella), các lý do khác bao gồm chế độ dinh dưỡng giàu chất bột mà ít chất xơ, vừa mới ăn thức ăn giàu đường mau tiêu như mít, chuối, kem…, người bị bệnh tiểu đường, bệnh kích thích đường ruột, đột biến gene phân hủy ethanol, sử dụng thuốc có tác dụng phụ ức chế aldehyde dehydrogenase…
Mặc dù trong phần lớn các trường hợp, máy kiểm tra cầm tay của cảnh sát giao thông không phát hiện ra ethanol nội sinh, nhưng nếu phát hiện được thì về mặt hóa học, ethanol nguồn gốc bia rượu hay nguồn gốc nội sinh đều là ethanol, không thể có 'biện pháp nghiệp vụ' nào phân biệt được như một tuyên bố trấn an gần đây.
Trong một số rất hiếm trường hợp, ethanol nội sinh có thể tăng rất cao. Gần đây nhất (2014), một phụ nữ 35 tuổi bị cảnh sát New York dừng xe và bắt giam sau khi đo được mức cồn trong máu gấp trên 4 lần cho phép (ở Mỹ, giới hạn này khá cao, là 0,08%). Nhưng tòa đã phải thả bà lái xe này sau một quá trình kiện tụng phức tạp bao gồm cả lấy bằng chứng xét nghiệm từ các bác sỹ rằng bà ta bị một chứng bệnh hiếm, gọi là hội chứng tự lên men (auto-brewery syndrome), do nguyên nhân nhiễm nấm đường ruột.
Mặc dù vậy, phần lớn giới luật sư cho rằng các tòa án thường rất khó chấp nhận lý do này. Giới chuyên môn y học thì khuyến cáo rằng mức ethanol nội sinh tăng cao thường xuyên thì cũng độc hại như khi lạm dụng bia rượu, bệnh nhân nên cảnh giác, tự mình nhận thấy các triệu chứng mà đề phòng và khắc phục. Họ có thể tự kiểm tra bằng máy đo cồn trong hơi thở nhưng sau đó thì nhất thiết cần đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Nên chọn số lẻ thay cho số 0 tròn trĩnh?
Tôi cho rằng tùy theo tình hình tai nạn giao thông liên quan bia rượu và nhận thức của cộng đồng đang tệ hại hoặc đã được cải thiện đến đâu mà chúng ta nên tham khảo áp dụng ngưỡng cho phép nồng độ cồn trong máu khi lái xe ở những mức nghiêm ngặt khác nhau.
Điều này có thể tham khảo từ các quốc gia khác nhau. Ví dụ Trung Quốc nhận định rằng nhận thức của cộng đồng về tác hại của bia rượu lên an toàn giao thông ở nước họ còn thấp, nên kể từ 1/5/2011 đã thắt chặt luật với mức phạt nghiêm khắc khi phát hiện độ cồn quá giới hạn 0,02% (Laney Zhang, Global Legal Monitor, 10/5/2011).
Đa phần các nước Đông Âu áp dụng giới hạn 0,03% hay thấp hơn, nghiêm khắc hơn so với Tây Âu là 0,05%. Sự khác biệt này có lẽ một phần xuất phát từ mức an toàn giao thông thấp hơn, xét về tỷ lệ tử vong do giao thông trên 100.000 dân thì dẫn đầu là các nước Lituani, Ba Lan và Hy Lạp (Road accident in Europe, Statistics & Facts, 2019).
Giới hạn độ cồn khi lái xe cũng phụ thuộc nhiều vào văn hóa, lịch sử và tôn giáo của các quốc gia chấp nhận sử dụng bia rượu như thế nào.
Trong trường hợp này nên chọn số lẻ thay cho số 0. Một con số 'zero' (số 0) độ cồn nghe thì có thể tròn trĩnh và hợp ý một số người quyết liệt phản đối bia rượu, nhưng đưa vào luật giao thông thì vừa khiếm khuyết cơ sở kiến thức sinh y học, vừa khó áp dụng trong thực tế.