Chuyên gia chỉ cách dùng thẻ tín dụng thông minh. Ảnh minh hoạ: Thái An
Luôn phải căn cứ vào quy định pháp lý
Vụ việc khách hàng bị món nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng từ năm 2013 đến nay đã thành nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày qua. Từ vụ việc này, nhiều người lo lắng không biết mình có đang là 'con nợ' của ngân hàng khi mở thẻ tín dụng?
Theo các chuyên gia kinh tế, khách hàng trong thời gian dài không trả nợ mà ngân hàng có thể đưa ra con số nợ rất lớn như hiện tại có thể là do cách tính của ngân hàng, bao gồm lãi kép, lãi phạt. Lãi phạt thường rất lớn, có thể lên đến 150%, khiến số nợ ban đầu của khách bị đội lên rất cao.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, thực tế không ít người dùng thẻ tín dụng cứ đinh ninh nếu trễ hạn trả nợ thẻ tín dụng trong 1-2 ngày thì ngân hàng chỉ tính lãi trong 1-2 ngày đó. Nhưng thực tế không phải như vậy, ngân hàng sẽ tính lãi bắt đầu từ ngày mua sắm tiêu dùng, tức là từ khoảng 1 tháng trước đó.
Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng khi cấp thẻ tín dụng thường yêu cầu khách hàng xem những quy định chung, thường họ mở thẻ sau đó gửi đến nhà khách hàng. Khách hàng cần xem các hướng dẫn chi tiết để hiểu. Sau khi nhận thẻ, phải đến trạm ATM để kích hoạt thì mới có thể sử dụng được. Đó là điều chắc chắn. Trường hợp khách hàng nợ lên đến cả tỷ đồng, họ có thể không nắm được những hướng dẫn như vậy.
Chuyên gia kinh tế khuyến cáo người tiêu dùng, dù chỉ nợ một món tiền nhỏ nhưng nếu không chú ý, vô tình không trả nợ sẽ rất phiền phức. Cụ thể như câu chuyện nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành hơn 8,8 tỷ, khi cần vay vốn ở ngân hàng thì không được vì vướng nợ xấu. Do đó, khi đã vay tiền ngân hàng thì khách hàng phải nhớ thời gian trả nợ và đã làm việc với ngân hàng luôn phải căn cứ vào quy định pháp lý.
'Để sử dụng thẻ tín dụng an toàn, người có thẻ phải hiểu tất cả những hướng dẫn sử dụng; lập mật khẩu và giữ mật khẩu không để lộ ra ngoài; trả nợ đúng hạn để không bị tính lãi. Quan trọng hơn nữa là khi mua món hàng nào đó phải xem mình có đủ khả năng trả nợ hay không. Thường thường ngân hàng dùng chỉ tiêu nợ mỗi tháng chia cho thu nhập của người đó. Tỷ lệ an toàn nhất là 50%. Tỷ lệ này lên càng cao thì càng rủi ro' - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Làm rõ nguyên nhân và có hướng giải quyết phù hợp
Sau vụ việc nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành hơn 8,8 tỷ đồng, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, nếu trường hợp khách hàng không trả số tiền lãi trên thì có bị xem xét xử lý hình sự? Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trường hợp khách hàng không đồng ý trả số tiền vì cho rằng việc tính lãi không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của khách hàng, ngân hàng có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Khi tòa án giải quyết, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tính lãi suất trong các hợp đồng tín dụng mà thấy việc tính lãi như trên là đúng pháp luật, tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Còn nếu tòa án xác định việc tính lãi suất như vậy là không phù hợp với quy định pháp luật, tòa án sẽ bác yêu cầu khởi kiện.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, vấn đề cần quan tâm trong vụ việc này là thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng có còn hay không? Bởi, theo Điều 429, Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Như vậy, pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng là trong thời hạn 3 năm kể từ ngày quyền và lợi ích bị xâm phạm. Vì thế, nếu trong thời hạn 3 năm khi mà người vay không trả nợ, bên cho vay không nhắc nợ, không khởi kiện đến tòa án để được xem xét giải quyết trong thời hạn này, đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện, ngân hàng có khởi kiện có thể tòa án cũng không giải quyết.
'Tuy nhiên, vụ việc này cần thông tin, kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước để xác định việc tính lãi suất có đúng hay không. Các bên cũng có thể khởi kiện để được tòa án giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp thời hiệu khởi kiện không còn, Ngân hàng không có quyền khởi kiện để đòi số tiền này của khách hàng' - luật sư Nguyễn Hồng Thái nêu quan điểm.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng cho biết, quan hệ dân sự vay tài sản chỉ trở thành hình sự nếu người vay tiền gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả nợ hoặc sử dụng tài sản vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả nợ, khi đó sẽ xử lý về tội 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản' theo quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015.