Khoảng 16 giờ ngày 16/1, người dân sinh sống trên trục đường Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bàng hoàng phát hiện một thai nhi khoảng 8 tháng tuổi bị vứt ở chân thùng rác ven đường. Đau xót hơn khi thai nhi đựng trong túi vô tình bị một chiếc xe ô tô cán qua. Người dân trong khu vực cũng mua hương đến lo hậu sự cho thai nhi xấu số.
Đại diện Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, qua trích xuất camera khu vực thì bước đầu ghi nhận, đã có người nạo phá thai ở một cơ sở y tế trong khu vực rồi bọc thai nhi trong túi nilon và mang đặt cạnh thùng rác. Từ đó dẫn đến sự việc đau lòng thai nhi xấu số đặt cạnh thùng rác bị bánh xe ô tô cán qua.
Hiện trường thai nhi xấu số được người dân phát hiện sau khi máu đỏ tràn ra từ bọc nilon bên cạnh thùng rác trên đường Lê Duẩn.
Trò chuyện với phóng viên về vụ việc đau lòng trên, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đây là hành vi hết sức nhẫn tâm, thiếu đạo đức của người làm mẹ. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ ai là người vứt thai nhi ra vị trí này để có hình thức xử lý và thực hiện các giải pháp phòng ngừa theo quy định pháp luật.
Trong quá trình xác minh, cơ quan điều tra sẽ làm rõ khi vứt bỏ thai nhi được bao nhiêu tháng, có còn sống hay không. Hành vi là nạo phá thai hay sinh non tự nhiên? Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người mẹ đã đẻ non, đứa trẻ sinh ra còn sống nhưng đã vứt bỏ khiến đứa trẻ tử vong thì sẽ xử lý hình sự về tội 'Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ' theo Điều 124 (Bộ luật Hình sự 2015) hoặc tội 'Giết người' được quy định tại Điều 123 (BLHS 2015).
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đây là thai nhi, sản phụ chưa sinh và có việc phá thai đối với thai nhi đã trên 22 tuần tuổi thì cần làm rõ cơ sở nào đã thực hiện hành vi nào phá thai trái pháp luật để tiến hành có những biện pháp xử lý phù hợp với quy định pháp luật. 'Phá thai là tình trạng thai kỳ kết thúc sớm do sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ phôi thai hay bào thai và nhau thai ra khỏi tử cung. Chỉ những bác sĩ có giấy phép mới thực hiện được các thủ thuật này.
Tại phần VII - Phá thai an toàn của Quyết định số 4620/QĐ-BYT đã nêu: 'Phá thai là chủ động sử dụng các phương pháp khác nhau để chấm dứt thai trong tử cung cho thai đến hết 22 tuần tuổi'. Mọi hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi, phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi đều bị nghiêm cấm. Pháp luật chỉ cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật...', luật sư Cường phân tích.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi của người mẹ rất đáng trách và có thể vi phạm pháp luật
Cũng theo luật sư Cường, đối với hành vi phá thai trái phép thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, nếu hậu quả xảy ra chết người hoặc gây thương tích nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội 'Phá thai trái phép' theo Điều 316 (BLHS 2015). Theo đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ số tuần tuổi của thai nhi. Trường hợp không phải là do sinh non tự nhiên mà là do phá thai thì sẽ làm rõ nguyên nhân phá thai và cơ sở phá thai nếu có để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Trong trường hợp khi thai nhi sinh ra còn sống, sau đó tử vong thì được xác định là con người. Nếu người mẹ hoặc cơ sở y tế biết là đứa trẻ tử vong mà không mai táng theo phong tục địa phương, đem vứt ra nơi tập kết rác thì có thể bị xử lý hình sự về tội 'Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt' theo Điều 319 (BLHS 2015).
'Có thể nói rằng sự việc trên gây ám ảnh, kinh hãi cho nhiều người và xót xa cho thai nhi. Hành vi trên là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Người mẹ trong trường hợp này có thể rất đáng trách, thậm chí còn đáng tội. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi này là của ai, việc phá, vứt bỏ thai xảy ra như thế nào, những ai có liên quan để xem xét trách nhiệm theo quy định pháp luật nêu trên', luật sư Cường chia sẻ.
'Điều 316. Tội phá thai trái phép
1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121 %;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.'.