Đội thanh niên tình nguyện thuộc Tỉnh đoàn Bình Dương hỗ trợ ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm tại 'vùng đỏ' của 15 phường trên địa bàn thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Ngày 29/8, tỉnh Bình Dương ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới kỷ lục với 5.414 ca, tăng 33,7% so với ngày 28/8. Như vậy, đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận vượt hơn 104.000 ca mắc COVID-19.
Trước tình hình trên, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương vừa ban hành kết luận cuộc họp về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại các 'vùng đỏ'; tiếp tục 'khóa chặt, đông cứng' 15 phường tại thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An và thị xã Tân Uyên.
Không để lọt F0 trong cộng đồng
Theo kế hoạch trước đó, các 'vùng đỏ' tại ba đô thị lớn gồm: thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An và hai thị xã Tân Uyên, Bến Cát thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 31/8 và phấn đấu kiểm soát được dịch, đưa Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới từ 1/9.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tại khu vực này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 đến nay vượt 104.000 trường hợp, kế hoạch đề ra kiểm soát dịch chưa đạt được nên Bình Dương tiếp tục giãn cách xã hội thêm 15 ngày đến hết ngày 15/9 tại những địa phương còn 'vùng đỏ'; thực hiện 'khóa chặt, đông cứng' 11 phường 'vùng đỏ đậm đặc' với hơn 700.000 người dân.
Trong thời gian này, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chỉ đạo các địa phương đang thuộc 'vùng đỏ' phải triển khai nhanh công tác xét nghiệm, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, với yêu cầu khi có kết quả test nhanh nếu phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thì đưa ngay đến khu điều trị mà không chờ kết quả PCR.
Các địa phương cũng cần chuẩn bị tốt về công tác tác hậu cần mua sắm thuốc điều trị, tiếp tục phát huy kết quả điều trị về nâng tầng, phân tầng điều trị tại các bệnh viện; tập trung phân loại nhanh F0 sau khi ghi nhận để nhanh chóng tư vấn, điều trị kịp thời ngay tại địa phương, tránh những trường hợp chuyển nặng chuyển viện lên tuyến trên.
Đặc biệt, tỉnh Bình Dương yêu cầu công tác xét nghiệm không để sót, lọt F0 trong cộng đồng; yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu để xảy ra tình trạng bỏ sót đối tượng lấy mẫu xét nghiệm và để người dân né tránh lấy mẫu mà không có biện pháp xử lý kịp thời.
Tỉnh giao Sở Y tế phối hợp, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc việc lấy mẫu, xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng né tránh lấy mẫu.
Trường hợp phát hiện vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền thì xử lý nghiêm và buộc phải thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định.
Mặt khác, chính quyền các địa phương thuộc 'vùng đỏ' cần huy động phương tiện chuyên chở hàng hóa về tập kết sẵn để lo cho người dân đủ ăn trong những ngày 'khóa chặt'; đồng thời chủ động những phường, xã là 'pháo đài' theo yêu cầu với phương châm '4 tại chỗ.'
Mở thêm hàng loạt bệnh viện dã chiến
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các đơn vị, lực lượng đẩy nhanh nhất có thể tiến độ, sớm hoàn thành các cơ sở, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn.
Theo ghi nhận, Khu điều trị dã chiến tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng với quy mô 1.000 giường đang gấp rút hoàn thành vào ngày 30/8. Tại Bệnh viện dã chiến thị xã Tân Uyên có quy mô 2.800 giường cũng đang chạy đua ngày đêm để kịp hoàn thành thu dung, điều trị bệnh nhân tại 'vùng đỏ' trong những ngày tới.
Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 dã chiến tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với quy mô 1.000 giường đang gấp rút được hoàn thành. (Ảnh: TTXVN)
Trong khi đó, tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương khảo sát tận dụng các cơ sở nhà cửa do Tổng Công ty Thanh Lễ làm Chủ đầu tư để mở bệnh viện dã chiến quy mô khoảng 600 giường; trong đó bố trí khu vực điều trị bệnh nhân gồm 100 giường. Hiện, thành phố Thủ Dầu Một có hàng chục khu cách ly y tế với 13.000 giường bệnh.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã chấp thuận cho dự án cải tạo Bệnh viện dã chiến tại khu nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dệt Liên Châu có quy mô khoảng 1.580 giường bệnh trên diện tích lô đất khoảng 16.394 m2 tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3, thành phố Thủ Dầu Một; dự kiến hoàn thành trong vòng 25 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định lệnh công trình khẩn cấp 23/8.
Cùng với đó, tỉnh cũng chấp thuận dự án Bệnh viện dã chiến do Công ty Cổ phần Cao su Tài Phát hỗ trợ có quy mô khoảng 1.000 giường thực hiện trên diện tích khu đất thực hiện dự án khoảng 154.221,6m2, tổng diện tích xây dựng 21.847m2 tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát...
Tập trung vaccine cho 4 địa phương ' vùng đỏ'
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, các địa phương 'vùng đỏ' tăng mạnh ca nhiễm COVI-19 mới tại ba đô thị lớn gồm: thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên. Số ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa (84,3%) và sàng lọc cộng đồng (12%).
Tâm dịch vẫn đang 'hoành hành' tại thành phố Thuận An với số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua lên đến 3.341 trường hợp; trong đó có 3.120 trong khu phong tỏa, 201 trường hợp qua sàng lọc trong cộng đồng; tiếp đến là thành phố Dĩ An với 699 ca, trong đó qua sàng lọc trong cộng đồng là 146 ca…
Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 104.208 ca mắc COVID-19; có 819 ca tử vong. Cùng thời gian trên, có hơn 55.000 ca điều trị xuất viện do khỏi bệnh.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 mới đang gia tăng, để tập trung ngăn chặn dịch lây lan, ứng phó tại các đô thị 'vùng đỏ,' Sở Y tế tỉnh Bình Dương lên kế hoạch ưu tiên vaccine cho những khu vực 'vùng đỏ đậm đặc.
Căn cứ quy định về nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ, đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đề xuất tiêm 101.190 liều vaccine cho các nhóm đối tượng sau: người dân trong vùng nguy cơ cao thuộc thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên; tiếp tục tiêm mũi 1 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; người trên 65 tuổi, các đối tượng hoãn tiêm ở các đợt trước do có bệnh lý nền kèm theo nhưng đủ điều kiện tiêm vaccine; phụ nữ có thai…
Lũy kế đến ngày 28/8, toàn tỉnh Bình Dương đã tiêm 856.441 liều vaccine phòng COVID-19 (gồm: 818.514 mũi 1 và 37.927 mũi 2) cho người dân (trong đó, đã tiêm vaccine cho 15.600 chuyên gia nước ngoài)./.
Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đến 18h ngày 29/8
Bình Dương:
- Số ca nhiễm: 104.208 ca
- Số ca khỏi bệnh: Hơn 55.000 ca
- Số ca tử vong: 819 ca
- Tiêm chủng: 856.441 liều
Trong nước:
- Số ca nhiễm: 435.265 ca
- Số ca tử vong: 10.749 ca, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh: 8.624 ca; Thủ đô Hà Nội: 38 ca.
- Số ca khỏi bệnh: 219.802 ca.
- Số tiêm chủng: 19.431.093 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.999.888 liều, tiêm mũi 2 là 2.431.205 liều.
Thế giới:
- Số ca nhiễm: 216.868.264
- Số ca tử vong: 4.510.135
- Số ca hồi phục: 193.803.759