Nguyễn Đức Vinh được xác định là đối tượng cầm đầu, điều hành website 'thiendia2.cc'. Ảnh: CQCA cung cấp
Trang web đen hoạt động tinh vi
CA tỉnh Nghệ An phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vừa triệt phá một đường dây truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy với hơn 1,1 triệu thành viên.
Bước đầu cơ quan chức năng làm rõ, nhóm đối tượng này trực tiếp điều hành, quản lý website 'Thiendia2.cc' với hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu. Trong thời gian qua, thông qua website này, các đối tượng đã phát tán trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập.
Các đối tượng chia thành hàng chục tài khoản quản trị, phân cấp với 1 tài khoản Super Admin tổng được đặt tại nước ngoài. Nhóm đối tượng hoạt động theo phần việc được giao từ Super Admin, thông qua chat Telegram. Tiền công cho các chân rết được Super Admin trả hàng tháng bằng tiền ảo, tiền điện tử để thanh toán tiền công nhằm đối phó với cơ quan chức năng.
Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ tài liệu, lực lượng công an chia làm 12 tổ công tác đồng loạt khám xét, bắt giữ 12 đối tượng chân rết của website 'Thiên địa' tại Việt Nam. Cơ quan điều tra xác định, kẻ cầm đầu đường dây vận hành, quản lý trang web này là Nguyễn Đức Vinh, 49 tuổi, trú TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Lực lượng chức năng đã thu giữ 7 bộ máy tính bàn, 4 laptop, 20 điện thoại di động, qua đó phát hiện hàng triệu ảnh, truyện đồi trụy, nhiều file video đồi trụy, quan hệ tình dục trên diễn đàn 'Thiên địa'. Bước đầu cơ quan chức năng làm rõ, nhóm đối tượng này trực tiếp điều hành, quản lý website 'Thiendia2.cc' với hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu.
Trong thời gian qua, thông qua website này, các đối tượng đã phát tán trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập. Quá trình điều tra, xác định số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hoạt động truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy nói trên là hơn 3 tỷ đồng.
Hiện Phòng Cảnh sát hình sự CA Nghệ An đang tạm giữ 10 đối tượng để điều tra về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và đấu tranh mở rộng chuyên án. Riêng Nguyễn Đức Vinh và một đối tượng khác do đang bị bệnh nặng, được áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Chế tài xử phạt hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, những hành vi làm ra, sao chép, vận chuyển, lưu hành, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, không lành mạnh, trái với lối sống, đạo đức, thuần phong mỹ tục là những hành vi vi phạm pháp luật.
Các đối tượng bị công an bắt giữ khi triệt phá đường dây truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Ảnh: Văn Hậu
Những hành vi này làm cho các văn hóa phẩm đồi trụy được tạo ra, lưu giữ, truyền bá, phổ biến trong đời sống xã hội, tác động đến mọi chủ thể trong xã hội có thể làm phát sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Luật sư Nguyên cho biết, hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Còn nếu hành vi đến mức xử lý hình sự, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý về tội 'Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy' được quy định tại Điều 326, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội danh này có mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo đó, trường hợp dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 1 gigabyte (GB) đến dưới 5 GB; ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh; sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị; phổ biến cho từ 10 người đến 20 người; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 326, Bộ luật Hình sự, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Phạt tù từ 3 năm đến 10 năm trong trường hợp: có tổ chức; dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 5 GB đến dưới 10 GB; ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh; sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị; phổ biến cho từ 21 người đến 100 người; phổ biến cho người dưới 18 tuổi; sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội; tái phạm nguy hiểm.
Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm trong trường hợp: dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 GB trở lên; ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên; sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên; phổ biến cho 101 người trở lên.
Trong chuyên án nêu trên, các đối tượng thực hiện hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy với số lượng đặc biệt lớn nên có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất tới 15 năm tù. Cùng với đó, với số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu và xung vào công quỹ Nhà nước. Các tài sản do phạm tội mà có, sử dụng vào mục đích tội phạm sẽ bị cơ quan chức năng thu giữ. Ngoài ra, CQĐT sẽ làm rõ tất cả các tổ chức cá nhân có liên quan đến hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3, Nghị định 178/2004/NĐ-CP, 'đồi trụy' là sự thể hiện bằng hành động, hình ảnh, âm thanh, lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc.