16h51: Covid-19: Phép màu Hàn Quốc
Đó chính là chiến lược '4 sẵn sàng': Chuẩn bị luật pháp, ngân sách; hậu cần cung ứng vật tư thiết bị y tế; chuẩn bị cơ sở hạ tầng bệnh viện và năng lực hồi sức cấp cứu; tâm lý dân chúng.
Bị lây nhiễm nhiều nhất sau Vũ Hán ở giai đoạn đầu của dịch, Hàn Quốc lúc đó được thế giới minh họa là phản ứng uể oải với dịch. Thế nhưng, đến ngày 20-3, Hàn Quốc chỉ còn hơn 8.600 ca, sau Ý, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Iran và Pháp. Từ đầu dịch đến giờ chỉ 111 người chết.
Rõ ràng Hàn Quốc đã gây ấn tượng với cả thế giới về chiến lược quản trị khủng hoảng cực kỳ hiệu quả. Một chiến dịch test khổng lồ, đến ngày 19-3 thực hiện được 290.000 test cho phép nhận diện 8.000 ca dương tính, bình quân xét nghiệm 20.000 ca/ngày trong một nước có 50 triệu dân.
Bức tranh tương phản ở Mỹ: 327 triệu dân nhưng chỉ làm được 111.000 test tính đến ngày 16-3. (Tuy nhiên, đến cuối tuần vừa rồi, diễn biến ở Mỹ hoàn toàn khác, số lượng ca dương tính tăng ồ ạt, chứng tỏ lượt test tăng. Nền kinh tế và khoa học Mỹ hết sức cơ động). Pháp 2.500 test/ngày, 36.000 test từ ngày 24-2 đến 15-3.
16h34: 'Gói cứu trợ lớn nhất lịch sử Mỹ': Công dân Mỹ nào đủ điều kiện để được nhận 1.200 USD?
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) cùng Giám đốc pháp lý Nhà Trắng Eric Ueland (phải) và quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows trao đổi với truyền thông trước khi đến gặp lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell tại Capitol Hill, Washington, ngày 24/3/2020 (Ảnh: AP/Patrick Semansky)
Theo The Hill, gói hỗ trợ này sẽ đưa khoảng 2 nghìn tỉ USD vào nền kinh tế, bao gồm các khoản giảm thuế, gia hạn 4 tháng cho trợ cấp thất nghiệp cùng một loạt các điều khoản giảm thuế kinh doanh nhằm mục đích bảo vệ tài chính cá nhân, gia đình và doanh nghiệp.
Gói hỗ trợ bao gồm 500 tỉ USD cho các chương trình thanh khoản lớn thông qua Cục Dự trữ Liên bang, 367 tỉ USD cho các chương trình vay vốn dành cho doanh nghiệp nhỏ, 100 tỉ USD cho bệnh viện và 150 tỉ USD cho chính quyền bang và chính quyền địa phương.
Ngoài ra, gói hỗ trợ sẽ cung cấp 1.200 USD cho những công dân Mỹ có thu nhập dưới 75.000 USD/1 năm. Những cá nhân không có hoặc có ít nghĩa vụ thuế sẽ nhận được khoản tương tự trong khi đề xuất ban đầu chỉ là cung cấp 600 USD cho mỗi người.
Các khoản tiền được cung cấp thêm bao gồm 30 tỉ USD cho quỹ giáo dục khẩn cấp, 25 tỉ cho quỹ chuyển giao khẩn cấp, 25 tỉ USD hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các hãng hàng không, 4 tỉ USD cho các hãng vận chuyển hàng không.
Thỏa thuận này đã đạt được sau 5 ngày thảo luận căng thẳng. Lãnh đạo Đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện, ông Mitch McConnell, nói: 'Ít nhất chúng ta đã có thỏa thuận. Thượng Viện đã đạt được thỏa thuận lưỡng đảng'.
16h19: Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện dã chiến Mê Linh để khám, điều trị Covid-19
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nghe báo cáo về công trình bệnh viện dã chiến Mê Linh. Ảnh: HNM/Tiền Phong
Kiểm tra công trình Bệnh viện dã chiến Mê Linh, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Sở Y tế sẵn sàng đưa vào sử dụng ngay sau khi nhận bàn giao để khám, điều trị Covid-19.
Sáng 25/3, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đi kiểm tra tình hình triển khai Dự án cải tạo cơ sở cũ của Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh để khám và điều trị Covid-19 (Bệnh viện dã chiến Mê Linh - PV).
Cùng đi có ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP và lãnh đạo thành phố.
Bệnh viện dã chiến Mê Linh thành lập trên cơ sở cũ Bệnh viện Đa khoa Mê Linh đã bỏ không sử dụng từ giữa năm 2018, với hiện trạng gồm 2 tòa nhà (4 tầng và 3 tầng); tổng diện tích 12 ha và có tường rào bao quanh.
15h58: Thị trưởng Moskva thừa nhận số ca nhiễm vượt xa thống kê chính thức
Thị trưởng Moskva ông Sergei Sobyanin vừa báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng số ca nhiễm virus corona ở thủ đô nước này vượt xa con số chính thức. Ông Putin trước đó được trông thấy trong trang phục bảo hộ kín mít khi đến thăm một bệnh viện.
'Tình hình nghiêm trọng đang diễn ra', ông Sobyanin nói với ông Putin tại cuộc họp. Quan chức này nói rằng chưa rõ số ca nhiễm thực sự là bao nhiêu nhưng đang gia tăng nhanh chóng.
Ông Sobyanin cũng cho biết việc xét nghiệm không được triển khai rộng. Nhiều người Moskva trở về từ nước ngoài đang tự cách ly ở nhà hoặc đi nghỉ ở các vùng nông thôn và chưa được xét nghiệm.
15h52: Thượng nghị sĩ Dân chủ yêu cầu ngoại trưởng Mỹ ngưng dùng từ "virus Vũ Hán"
Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin, ủy viên Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, ngày 24/3 kêu gọi ngoại trưởng Mike Pompeo cùng các quan chức Bộ ngoại giao Mỹ ngưng sử dụng cụm từ "virus Vũ Hán" để đề cập virus SARS-Cov-2.
"Tôi cần phải chỉ ra rằng khi đề cập đại dịch toàn cầu này, ngoại trừ sử dụng tên y học phù hợp, bất kỳ tên gọi nào khác đều là vô ích. Trong tình huống tồi tệ nhất, khi đối diện với thời điểm nguy cơ về sức khỏe, điều này còn có thể làm trầm trọng thêm ấn tượng thành kiến, hoang mang và thù địch," ông Cardin viết trong lá thứ ngày 24.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin (Ảnh: The Hill)
"Thái độ mà ông (Mike Pompeo) cùng đội ngũ cấp cao của ông đặt ra cho các nhân viên của Bộ ngoại giao Mỹ là rất quan trọng.
Uy tín ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài không thể bị tổn hại bởi sự sử dụng vô trách nhiệm cụm từ 'virus Vũ Hán'," thượng nghị sĩ Mỹ gửi thông điệp đến ngoại trưởng Pompeo, yêu cầu ông Pompeo "thận trọng" và chỉ sử dụng "những tên gọi được công nhận cho dịch COVID-19 và virus gây ra dịch bệnh này: SARS-Cov-2".
12h45: Mỹ: Thượng viện và Nhà Trắng đạt thỏa thuận gói cứu trợ kinh tế 2.000 tỉ USD
Vào rạng sáng ngày 25/3 (giờ miền Đông), Nhà Trắng cùng các lãnh đạo Thượng viện Mỹ đã đạt thỏa thuận về gói cứu trợ kinh tế 2.000 tỉ USD, nhằm tạo "cú hích" cho nền kinh tế Mỹ vượt qua khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Gói lập pháp đạt được sau chuỗi ngày đàm phán "marathon" cho phép chi trả trực tiếp và trợ cấp thất nghiệp đến các cá nhân bị ảnh hưởng. Đây là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại - theo New York Times.
Gói cứu trợ cũng hướng đến hỗ trợ tài chính quan trọng cho các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, cũng như cứu trợ cho các gia đình và bệnh viện Mỹ đang phải chất vật vì sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 cùng sự gián đoạn của nền kinh tế.
"Chúng ta đã đạt được thỏa thuận," Giám đốc pháp lý Nhà Trắng Eric Ueland thông báo lúc 1h sáng.
Lãnh đạo đa số Thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnel dự kiến sẽ thông báo trước Thượng viện Mỹ về thỏa thuận đạt được với Nhà Trắng.
Những chi tiết của thỏa thuận về gói cứu trợ chưa được công bố toàn bộ, song dự kiến sẽ được kích hoạt chỉ trong vài ngày tới.
11h56: Mỹ có 55.000 ca nhiễm COVID-19, ông Trump vẫn muốn khởi động lại nền kinh tế trước Lễ Phục sinh
Tổng thống Donald Trump ngày 24/3 khiến báo chí cùng giới chức chính phủ Mỹ bất ngờ khi tuyên bố ông sẽ sớm tái khởi động nền kinh tế và mở cửa các doanh nghiệp vào dịp Lễ Phục sinh sắp tới, ngày 12/4.
Trong nỗ lực nới lỏng các biện pháp phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ông Trump cảnh báo các giải pháp này có thể phá hủy đất nước.
Trump thông báo, vào tuần tới ông sẽ tiến hành đánh giá khả năng dỡ bỏ các biện pháp cách ly và duy trì cách ly xã hội hay không, nhằm đưa nền kinh tế Mỹ trở lại quỹ đạo vận hành.
Nhóm chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng, do phó tổng thống Mike Pence đứng đầu, đã nhận được nhiều phản hồi từ các chuyên gia y tế cộng đồng, cảnh báo về ý định nới lỏng các chỉ dẫn cách ly xã hội trong tuần tới của tổng thống - đài CNN dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Nguồn tin tiết lộ, dù đã đề cập mục tiêu mở cửa đất nước trở lại vào dịp Phục sinh, tổng thống Trump vẫn chưa có quyết định cuối cùng về thời điểm nới lỏng các chỉ dẫn của chính phủ. Theo đó, ông chủ Nhà Trắng đã được các cố vấn thúc giục để đặt thời điểm lễ Phục sinh như một "mốc thời gian lý tưởng", và tổng thống hiểu rằng điều này giống như một mong muốn hơn là mục tiêu thực tế.
Giới quan sát và nhà đầu tư Mỹ cho rằng việc ông Trump cân nhắc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ, khi thời gian đóng cửa kéo dài 15 ngày sẽ kết thúc vào tuần tới, có thể sẽ phản tác dụng nếu số ca tử vong do COVID-19 tại nước này tăng cao hơn và khiến người dân không muốn ra ngoài.
11h39: Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Xây dựng kịch bản xấu nhất để có phương án tốt nhất
Chiều 24/3, tại Hà Nội, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã tổ chức họp để nghe báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Bộ Quốc phòng. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.
Sau khi nghe báo cáo của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo và các ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã phát biểu kết luận hội nghị.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Thường vụ Quân ủy Trung ương biểu dương các cơ quan, đơn vị toàn quân, nhất là Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch các cấp và lực lượng quân y đã tận tụy làm việc, tăng cường theo dõi, thăm khám cho hàng vạn công dân được cách ly, phối hợp nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm phát hiện virus Corona chủng mới, thiết thực phục vụ công tác phòng chống dịch.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng lưu ý, thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, vì vậy, với tinh thần 'chống dịch như chống giặc', Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị toàn quân tiếp tục quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của các cấp, xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hiện nay, là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình, từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm cao nhất lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ phòng chống dịch; khẳng định trong bất luận tình huống nào, quân đội cũng sẵn sàng đi đầu.
Các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận cách ly và giám sát sức khỏe phải quán triệt và thực hiện đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc; tuân thủ nghiêm ngặt, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch; bảo đảm tốt nhất về điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho người cách ly.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Bộ Quốc phòng thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, xây dựng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra để có phương án tốt nhất; chống tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, lơ là, giản đơn hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
11h24: Tổng thống Putin mặc đồ phòng hộ đến thăm bệnh nhân COVID-19
Một video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy Tổng thống Nga mặc trang phục bảo hộ đặc biệt màu vàng với một mặt nạ phòng độc, các nhân viên bệnh viện vây quanh ông.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó cho biết Phó Thủ tướng Tatyana Golikova, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin và Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko đã tổ chức một cuộc họp với sự có mặt của Tổng thống Putin.
Trong cuộc họp này, ông Putin đã thông báo rằng ông sẽ đến Kommunarka để kiểm tra trình trạng của cơ sở y tế.
11h22: Tây Ban Nha báo động đỏ: Hơn 5.000 nhân viên y tế nhiễm COVID-19
Giám đốc Trung tâm điều phối về Cảnh báo y tế, thuộc Bộ Y tế Tây Ban Nha, ông Fernando Simon, ngày 24/3 xác nhận nước này đã có hơn 5.000 nhân viên y tế bị lây nhiễm virus corona mới (SARS-Cov-2).
Xu hướng gia tăng số ca nhiễm [COVID-19] từng ngày vẫn tiếp tục, nhưng đã có sự trì hoãn quan trọng khoảng 7 đến 10 ngày giữa thời điểm xác định triệu chứng và xác nhận lây nhiễm. Đây là một tuần khó khăn khi chúng ta phải chờ đợi xem các giải pháp đã thực thi có phát huy tác dụng hay không.
Fernando Simon - Giám đốc Trung tâm điều phối về Cảnh báo y tế, Bộ Y tế Tây Ban Nha
Ông Simon cho hay khoảng 5.400 nhân viên y tế trên toàn quốc đã bị nhiễm COVID-19, chiếm khoảng 14% tổng số ca nhiễm tại Tây Ban Nha. Các công đoàn của y, bác sĩ tuyên bố đã nộp đơn kiện chính phủ và yêu cầu thực thi biện pháp khẩn cấp nhằm cung ứng vật tư bảo hộ cho đội ngũ y tế trong vòng 24 giờ.
Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Tây Ban Nha, tướng Miguel Ángel Villarroya, cho biết quân đội nước này đã tiến hành 'khử trùng tại 135 khu vực, 92 nhà cao cấp, và không loại trừ phương án tiếp tục trong những ngày tới'. Ông cho biết quân đội cũng hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân cũng như vật tư y tế bằng đường hàng không'.
Thông tin về mức độ lây lan virus corona trong đội ngũ y tế đã gây ra lo ngại rất lớn tại Tây Ban Nha. Thống kê của ĐH John Hopkins cho thấy, tính đến nay Tây Ban Nha đã xác nhận hơn 42.000 ca nhiễm COVID-19 và có gần 3.000 người tử vong.
10h26: Ông Trump gọi tổng thống Hàn Quốc nhờ cung cấp vật tư y tế chống COVID-19
Mỹ đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hàn Quốc và các nước khác nhằm có đủ nguồn cung vật tư trong nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19.
Thông cáo của Nhà Xanh mô tả cuộc điện đàm giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In với đồng cấp Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba (24/3) là cuộc trao đổi tập trung vào vấn đề dịch bệnh COVID-19. Ông Trump đã đưa ra "yêu cầu khẩn cấp", đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ cung ứng vật tư y tế cho Mỹ.
Trong cuộc gọi kéo dài 23 phút, ông Trump bảo đảm với ông Moon rằng sẽ giúp các nhà sản xuất của Hàn Quốc có được phê duyệt của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để thực hiện việc hỗ trợ vật tư nêu trên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 23/3/2020 (Ảnh: Reuters)
Ông chủ Nhà Trắng bày tỏ quan tâm tới xu hướng dịch COVID-19 tại Hàn Quốc và cho rằng nước này "đang làm rất tốt". Tổng thống Moon Jae In đnahs giá việc tạo ra dòng trao đổi tiền tệ 60 tỉ USD giữa Mỹ-Hàn vào đầu tuần này là giải pháp "kịp thời" giúp đổn định thị trường tài chính quốc tế.
Tạp chí Foreign Policy đưa tin, Bộ ngoại giao Mỹ cũng cử các đại sứ tại châu Âu và khu vực Âu-Á tới đề nghị chính quyền sở tại "đẩy mạnh xuất khẩu và sản xuất vật tư y tế và trang thiết bị bảo hộ cho Mỹ".
10h13: Mỹ trở thành nước đầu tiên có số ca nhiễm COVID-19 tăng trên 10.000 trong hai ngày liên tiếp
Thống kê của Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ) cho thấy, tính đến 18h47 ngày 24/3 (giờ địa phương, tức 6h47 ngày 25/3 theo giờ Việt Nam), nước Mỹ ghi nhận ít nhất 53.660 trường hợp lây nhiễm COVID-19, tăng 10.446 ca so với một ngày trước đó.
Cũng theo bảng thống kê này, tính đến 18h16 chiều ngày 23/3 (giờ địa phương), tổng số ca nhiễm ở Mỹ là 43.214 người, tăng 10.497 trường hợp so với báo cáo lúc 18h của ngày 22/3 (32.717 ca nhiễm).
Với các số liệu kể trên, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên có số ca nhiễm tăng hơn 10.000 người/ngày trong 2 ngày liên tiếp.
09h57: Iran cự tuyệt đề nghị giúp đỡ xây bệnh viện của tổ chức Bác sỹ không biên giới
Chính phủ Iran ngày 24/3 đã khước từ lời đề nghị hỗ trợ ứng phó dịch COVID-19 từ tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), có trụ sở tại Pháp.
Cố vấn cấp cao Bộ trưởng Y tế Iran, ông Alireza Vahabzade, thông báo trên Twitter cho hay, 'Nhờ có sự động viên toàn quốc chống lại virus [corona] cùng sự tận dụng đầy đủ năng lực y tế của các lực lượng vũ trang, [Iran] không cần có thêm giường bệnh do các lực lượng nước ngoài thực hiện, và sự hiện diện của họ không được xét đến.'
Trước đó, MSF hôm 22/3 cho biết đã lên kế hoạch cử một nhóm gồm 9 thành viên cùng trang thiết bị tới Iran để hỗ trợ tổ chức một bệnh viện dã chiến 50 giường. Giới lãnh đạo Iran phản đối đề nghị này và cáo buộc các nhân viên của MSF là gián điệp.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran, ông Kianoush Jahanpour, ngày 24/3 thông báo nước này xác nhận 1.762 ca nhiễm mới COVID-19 trong vòng 24 giờ - con số ca nhiễm gia tăng kỷ lục ở Iran.
Thống kê của Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ) cho thấy, tính đến nay Iran đã có tổng cộng hơn 24.800 ca nhiễm COVID-19 .
09h42: New Zealand ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc
New Zealand đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng tại nước này - Cơ quan quản lý khẩn cấp quốc gia (NEMA) thông báo ngày thứ Tư, 25/3 (giờ địa phương).
Động thái trên song song với việc New Zealand nâng mức cảnh báo lên Cấp 4 - mức cao nhất - kể từ 23h59 ngày 25/3.
Quyết định này được đưa ra hoàn toàn không dễ dàng. Nếu chúng ta nỗ lực thực hiện tốt phần việc của mình và ở trong nhà, thì chúng ta sẽ bảo vệ được nhiều sinh mạng.
Bộ trưởng Phòng vệ Dân sự New Zealand Peeni Henare
Tình trạng khẩn cấp tại New Zealand có ý nghĩa gì?
Người dân được yêu cầu ở nhà: NEMA cho biết, bất kỳ người nào 'không làm việc trong những ngành dịch vụ trọng yếu thì phải ở trong nhà và ngừng toàn bộ tương tác với mọi người bên ngoài nơi cư trú'.
Dịch vụ trọng yếu sẽ vận hành: Các dịch vụ y tế và cửa hàng thực phẩm như siêu thị sẽ tiếp tục hoạt động trong mùa dịch. Tuy nhiên, tất cả hoạt động trong nhà và ngoài trời khác sẽ bị cấm, và trường học sẽ đóng cửa.
Hạn chế giao thông công cộng: Giao thông công cộng chỉ phục vụ nhân viên làm việc trong các dịch vụ thiết yếu, hoặc để di chuyển tới siêu thị và vì các lý do y tế.
Lưu thông nội địa: Di chuyển hàng không trong nước sẽ bị giới hạn và chỉ phục vụ những người đang làm các dịch vụ trọng yếu.
09h37: Trung Quốc không có thêm ca nhiễm COVID-19 trong nước, đã chữa khỏi trên 90% bệnh nhân
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cáo cáo, từ 0h đến 24h ngày 24/3, trên 31 tỉnh thành của Trung Quốc Đại lục ghi nhận thêm 47 trường hợp nhiễm mới COVID-19. Tất cả ca bệnh mới đều là những người nhập cảnh vào nước này.
Đến nay, Trung Quốc đã xác nhận tổng cộng 81.218 ca nhiễm COVID-19 (gồm 474 bệnh nhân nhập cảnh), tổng số người đã tử vong do dịch bệnh là 3.281.
Tỉnh Hồ Bắc, vùng dịch bùng phát ban đầu ở Trung Quốc, cũng không xác nhận thêm ca nhiễm mới nào trong ngày 24.
Ngoài ra, tổng cộng 73.650 bệnh nhân ở Trung Quốc Đại lục được NHC báo cáo đã điều trị khỏi và được xuất viện, chiếm 90.68% tổng số ca nhiễm.
09h33: New Zealand sẽ tiến hành lệnh phong tỏa cuối ngày hôm nay
New Zealand vừa ghi nhận số ca nhiễm virus Corona chủng mới tăng 30% trong bối cảnh quốc gia này sắp tiến hành lệnh phong tỏa vào cuối ngày thứ Tư, theo Bộ trưởng Y tế New Zealand Ashley Bloomfield.
Hiện đã có thêm 47 ca nhiễm mới được ghi nhận và 3 ca nghi nhiễm, nâng tổng số người nhiễm ở quốc gia này lên con số 205 ca, ông Bloomfield nói trong cuộc họp báo hôm thứ Tư. Bộ trưởng Y tế New Zealand cũng dự đoán, số ca nhiễm trong 10 ngày nữa sẽ tiếp tục tăng lên trước khi chững lại.
09h32: 100.000 camera giám sát người cách ly Covid-19 ở Mátxcơva
Thành phố lắp đặt mạng lưới camera này ngay trước lúc bị dịch bệnh tấn công.
Từ tháng trước, hàng ngàn người dân Mátxcơva phải ở cách ly bắt buộc 14 ngày tại nhà sau khi trở về từ các nước có dịch, tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc có triệu chứng nhẹ.
Cảnh sát ghi lại thông tin chi tiết và cảnh báo họ rằng bất kỳ ai lẻn ra ngoài thành phố với đến 16 triệu dân và du khách có thể bị phạt 5 năm tù giam hoặc bị trục xuất nếu là người nước ngoài.
'Chúng tôi liên tục kiểm tra xem quy định có được tuân thủ hay không, trong đó có việc sử dụng các hệ thống nhận diện khuôn mặt', Thị trưởng Mátxcơva Sergei Sobyanin viết trên blog hồi tháng 2.
08h08: Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Trung Quốc vẫn che giấu thông tin về Covid-19
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về việc xử lý sự bùng phát của virus Corona chủng mới, cho rằng Bắc Kinh vẫn tiếp tục từ chối cung cấp những thông tin cần thiết cho thế giới để ngăn chặn các ca lây nhiễm tiếp theo.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình phát thanh của Washington Watch, ông Pompeo đã nhắc lại cáo buộc trước đây rằng Bắc Kinh chậm trễ trong việc chia sẻ thông tin về virus Corona chủng mới là nguyên nhân tạo ra rủi ro cho toàn thế giới. Điều này 'thực sự gây nguy hiểm cho hàng ngàn người', ông Pompeo nói thêm.
Ông Pompeo cũng cáo buộc Iran và Nga đã tiến hành các chiến dịch đưa thông tin sai lệch về virus này.
Chiến dịch thông tin sai lệch từ Nga và Iran cũng như Trung Quốc vẫn tiếp tục, ông nói. Các nước này nói về việc virus đến từ quân đội Mỹ và có lẽ bắt đầu ở Ý, tất cả điều này nhằm 'đổ vấy' trách nhiệm, Ngoại trưởng Mỹ nói.
07h51: Covid-19: Số ca nhiễm thực tế ở Ý có thể hơn 640.000
Người đứng đầu cơ quan thu thập dữ liệu ở Ý cho biết hôm 24-3 số ca nhiễm virus corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) ở Ý có thể cao gấp 10 lần so với số liệu chính thức trong bối cảnh chính phủ chuẩn bị các biện pháp mới nhằm buộc người dân ở nhà.
Ý hiện chứng kiến số trường hợp tử vong do Covid-19 cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Khoảng 743 người chết được ghi nhận trong ngày 24-3, mức cao nhất thứ hai trong một ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở khu vực phía Bắc nước này vào ngày 21-2, nâng tổng ca tử vong lên 6.820 và tăng trở lại sau hai ngày ghi nhận ca tử vong giảm.
07h16: Mỹ có thể thành tâm dịch mới
Mỹ có thể trở thành tâm điểm toàn cầu của đại dịch coronavirus, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hôm thứ Ba.
Tại Geneva, phát ngôn viên của WHO Margaret Harris cho biết các ca nhiễm bệnh ở Mỹ đã gia tăng rất nhiều.
Trong 24 giờ qua, 85% các trường hợp nhiễm bệnh mới là ở Châu Âu và Mỹ, và trong số đó, 40% là ở Mỹ.
Đến nay, Mỹ ghi nhận tổng cộng 53.996 trường hợp mắc Covid-19 và 685 ca tử vong, tăng 132 trường hợp so với một ngày trước đó. Mỹ trở thành nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 thế giới bởi dịch Covid-19, sau Trung Quốc và Italy.
Khi được hỏi liệu Mỹ có thể trở thành tâm dịch mới hay không, bà Harris cho biết: 'Hiện tại chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng rất nhanh về các trường hợp nhiễm bệnh ở Mỹ. Vì vậy, điều này có khả năng'.
Dịch bệnh Covid-19 tới nay đã xuất hiện tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong vòng 24 giờ qua có thêm 2.091 người thiệt mạng và 38.816 ca bệnh mới, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn thế giới lên trên 417.600 người và khiến 18.605 người tử vong.