Trong 24h qua (từ 16h ngày 7/12 đến 16h ngày 8/12, Việt Nam ghi nhận 14.599 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong đó, 4 ca nhập cảnh và 14.595 ca ghi nhận trong nước (tăng 760 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 8.322 ca trong cộng đồng).
Trong số 157 ca dương tính được ghi nhận ngày 8/12 ở Hải Phòng có hơn 40 ca là công nhân KCN VSIP. (Nguồn: SK&ĐS)
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.352.122 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.714 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.346.811 ca, trong đó có 1.033.576 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (481.923), Bình Dương (285.589), Đồng Nai (90.555), Long An (38.960), Tây Ninh (35.085).
Hà Nội phát thông báo khẩn, người dân Thủ đô chủ quan trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Ba Đình thông báo: Tất cả những người từng đến các địa điểm sau nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế:
- Ngày 1/12: Khoảng 14h tại Miếu Cô Bé Nữ Hoàng Mai Hoa - 18 Tam Trinh, Kim Ngưu.
- Ngày 3/12 tại các điểm:
+ Buổi sáng tại hiệu thuốc số 8 Hàng Than.
+ Buổi trưa tại hiệu sách Ba Đình, 12 Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực.
- Ngày 4/12, tại các điểm:
+ 7h-9h tại quán phở - 58 phố Cửa Bắc.
+ 19h tại Haidilao tầng 6 Vincom Nguyễn Chí Thanh - L6, số 54A Nguyễn Chí Thanh.
Tất cả những người từng đến các địa điểm trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại đến CDC Hà Nội số 0969.082.115 hoặc số 0949.396.115.
Tính đến chiều 8/12, Hà Nội ghi nhận 709 ca dương tính với SARS-CoV-2 và có nhiều diễn biến phức tạp, ai cũng có thể trở thành F0, nhiều nơi có thể bị phong toả. Cộng dồn số ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 (ngày 29/4) đến nay, Hà Nội có tổng 15.255 ca mắc Covid-19, trong đó 5.847 ca cộng đồng và 9.408 người đã được cách ly.
Tuy nhiên, trước tình hình trên, nhiều người dân Thủ đô đang có biểu hiện chủ quan với các biện pháp phòng, chống dịch, xem nhẹ việc tuân thủ 5K.
WHO khuyến cáo ứng phó chủng Omicron ở Việt Nam
Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của virus SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại Nam Phi. Biến chủng này đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, được các chuyên gia nhận định 'có nhiều đột biến hơn tất cả các biến thể trước đó'.
Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận biến chủng mới Omicron, tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo để Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam xem xét một số hành động. Theo đó, Việt Nam nên tăng cường giám sát bao gồm giải trình tự gen của các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành và gửi trình tự gen hoàn chỉnh cũng như các dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu công khai đã có sẵn, ví dụ như Tổ chức Sáng kiến chia sẻ toàn bộ dữ liệu về cúm mùa (GISAID).
Về biện pháp 5K và vaccine, Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh việc đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao ở tất cả các nhóm đủ điều kiện tiêm; kết hợp với biện pháp 5K - phương pháp hiệu quả nhất để phòng, chống dịch này.
Theo Tiến sỹ Kidong Park, sự bùng phát của dịch Covid-19 ở Việt Nam và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới đã chứng minh rằng, ngay cả khi chúng ta nỗ lực hết sức, trên toàn cầu, virus cũng sẽ không biến mất trong thời gian gần.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực y tế và y tế công cộng trong việc phối hợp nhịp nhàng hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân, từ chăm sóc ban đầu đến chăm sóc đặc biệt, để quản lý sự gia tăng các ca bệnh.
Thay đổi quy định về cách ly đối với người nhập cảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành chiều ngày 8/12 về rà soát công tác phòng, chống dịch Covid-19 liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Báo cáo của các bộ, ngành tại cuộc họp cho biết từ đầu dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam đã đón trên 200.000 chuyên gia, kỹ sư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều chuyến bay đón công dân Việt Nam có nhu cầu thật sự khẩn thiết về nước, bảo đảm nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh cũng như năng lực cách ly trong nước. Vừa qua, một số địa phương đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Các bộ đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế Tổ công tác 5 Bộ (Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải) để giải quyết cho công dân về nước; chuyên gia, kỹ sư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các Bộ phải phối hợp, giải quyết sớm nhất, thuận lợi nhất nhu cầu về nước chính đáng của người dân.
Đặc biệt, Bộ Y tế phải ban hành hướng dẫn mới về việc cách ly, theo dõi sức khoẻ đối với người nhập cảnh vào Việt Nam chậm nhất trước ngày 15/12, trên tinh thần tương tự như đối với người từ vùng dịch đến các địa phương khác ở trong nước.
Cụ thể, đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính chỉ tự cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà với thời gian bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đối với người chưa tiêm vaccine phải có cơ sở cách ly trong nước với thời gian, điều kiện tốt nhất, thuận lợi cho bà con và tổ chức tiêm vaccine.
Thanh Hóa có số ca mắc Covid-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay
Ngày 8/12, Thanh Hóa ghi nhận 219 bệnh nhân mắc Covid-19, đây là số ca bệnh ghi nhận trong ngày nhiều nhất từ trước đến nay, cùng với đó xuất hiện thêm những điểm dịch mới phức tạp và bệnh nhân từ các địa phương khác trở về cũng tăng lên.
Có 124 bệnh nhân phát sinh trong tỉnh và 95 bệnh nhân trở về từ các tỉnh, thành phố khác đang cách ly theo quy định.
Hiện Thanh Hóa ghi nhận có 10 ổ dịch, trong đó ổ dịch mới xuất hiện tại huyện Hậu Lộc với 21 bệnh nhân (xã Đa Lộc 7, Hưng Lộc 3, Minh Lộc 2, Ngư Lộc 4). Trong số này có 7 bệnh nhân thuộc Công ty may Vling tại xã Đa Lộc.
Hải Phòng phát hiện nhiều F0 trong khu công nghiệp
Ngành Y tế TP Hải Phòng vừa thông tin, ngày 8/12, địa phương ghi nhận thêm 157 ca dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc toàn thành phố là 1697 ca.
Cụ thể, huyện Thủy Nguyên ghi nhận 45 ca dương tính, trong đó 37 ca là các trường hợp sàng lọc tại công ty Regina KCN VSIP, các trường hợp còn lại là các trường hợp F1.
Huyện Tiên Lãng ghi nhận 30 ca, chủ yếu là các trường hợp F1, các trường hợp lấy mẫu sàng lọc tại cộng đồng tại các xã của huyện.
Tại quận Hồng Bàng có 17 ca, trong đó 2 ca là trường hợp được sàng lọc tại công ty Regina KCN VSIP Thủy Nguyên. Các trường hợp còn lại là các trường hợp sàng lọc tại cộng đồng, bệnh viện và trường hợp F1 của các F0 trước đó.
Quận Ngô Quyền ghi nhận 17 ca, trong đó 1 trường hợp có triệu chứng ho sốt, làm test nhanh dương tính, 10 ca là công nhân của ECOBA làm việc tại công trường Hoàng Huy tại Hồng Bàng, các trường hợp còn lại sàng lọc tại cộng đồng và trường hợp F1 của các F0 trước đó.
Quận Lê Chân có 16 ca, trong đó 1 trường hợp làm xét nghiệm sàng lọc tại công ty Regina của KCN VSIP, 2 trường hợp có liên quan tới chợ Sắt, các trường hợp còn lại là các trường hợp sàng lọc tại cộng đồng và các trường hợp F1.
Quận Hải An tiếp tục ghi nhận số ca dương tính tăng, trong đó 2 trường hợp sàng lọc cộng đồng, các trường hợp còn lại là trường hợp F1 của các F0 trước đó.
Ngoài ra có 5 ca tại Kiến An, 5 ca huyện Kiến Thụy, 4 ca quận Đồ Sơn, 2 ca huyện An Dương, An Lão 1 ca, 2 ca huyện Vĩnh Bảo (trong đó 1 trường hợp là học sinh tại trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm), còn lại chủ yếu là F1.