Nhóm phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận những ý kiến xung quanh vấn đề này.
* Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TPHCM: Cần chuyển hướng sống chung với dịch
Bà Phạm Khánh Phong Lan
Thời điểm này, TPHCM đã dần trở lại trạng thái 'bình thường mới', dịch vụ ăn uống là một nhu cầu rất cấp thiết, tạo công ăn việc làm, giúp các doanh nghiệp bớt thiệt hại, phục vụ nhu cầu người dân… Tuy nhiên, cần phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn phòng chống dịch, các hàng quán phải đáp ứng các tiêu chí an toàn theo bộ tiêu chí của UBND TPHCM. Bên cạnh đó, ý thức của người dân cũng rất quan trọng trong việc bảo vệ chính mình.
Theo lẽ công bằng, không thể không mở cửa trở lại các dịch vụ ăn uống. Hiện Sở Công thương và Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) cũng đã đề xuất UBND TPHCM để xem xét.
Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, ở vùng xanh hoặc vùng vàng thì các dịch vụ ăn uống có thể hoạt động trở lại bình thường, không thể cấm mãi. Nguy cơ dịch thì có ở khắp nơi, kinh nghiệm của thành phố cũng đã có và cần chuyển hướng sống chung với dịch, vẫn tuân thủ biện pháp đề phòng như: khẩu trang, khử khuẩn, giữ vệ sinh hơn, bớt tụ tập đông người… thì sẽ kìm chế được dịch bệnh.
TPHCM xác định sống chung với dịch Covid-19, nghĩa là chấp nhận virus có thể lây nhưng hạn chế được bằng nhiều biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế.
Đã đến lúc thành phố từng bước trở lại bình thường, nên cho phép các dịch vụ ăn uống tại chỗ được phép hoạt động nhưng phải đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn của bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu của TPHCM là bình thường trở lại trên cơ sở cố gắng bảo đảm an toàn phòng chống dịch, cần xác định sống chung, sống lâu dài với dịch và để làm được điều đó thì người dân phải có điều kiện kinh tế để tự nuôi sống mình.
* Chị HUỲNH NHƯ NGỌC, chủ quán bún trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, TPHCM: Mong sớm được mở bán cho khách ăn tại chỗ
Chị Huỳnh Như Ngọc
Từ khi được mở bán mang về, gia đình tôi rất vui mừng. Tuy nhiên, hơn 2 tuần qua, lượng khách tới quán mua về không nhiều, một phần vì còn ít người ra đường, công nhân lao động mới dần quay lại làm việc, học sinh chưa đến trường.
Trước đây, mỗi ngày quán bán được hơn 200 tô bún, nhưng bán mang về chỉ khoảng 50-70 tô/ngày. Mặc dù cũng có thu nhập, nhưng sau khi trừ các chi phí như tiền công, tiền thuê mặt bằng, nguyên liệu thì vẫn chưa có lãi. Tâm lý chung của người dân khi ăn uống, nhất là các loại bún, phở, cháo, hủ tiếu thì được ăn tại chỗ, mua về vừa phiền hà mất thời gian vừa nguội lạnh.
Do đó, tôi rất mong thành phố sớm cho mở bán phục vụ khách ăn uống tại chỗ để tăng thêm nguồn thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình ổn định hơn. Tất nhiên, chúng tôi phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch như tuân thủ khoảng cách bàn ghế, mỗi bàn chỉ được ngồi 1-2 người.
Hiện nay, đa số người dân đều được tiêm vaccine Covid-19, có ý thức phòng chống dịch tốt hơn nên tôi cũng rất an tâm khi được mở bán tại chỗ.
* Anh BÙI HOÀNG CƯỜNG, quận Tân Bình, TPHCM: Phải tuân thủ và luôn ý thức phòng dịch
Anh Bùi Hoàng Cường
Theo tôi, việc cho phép buôn bán kinh doanh ăn uống tại chỗ thời điểm này là hợp lý, đáp ứng sự mong mỏi và nhu cầu kinh doanh của người dân. Khách được phục vụ tại chỗ phần đông cũng ăn uống thoải mái hơn.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, dịch Covid-19 ở TPHCM chỉ mới kiểm soát tạm ổn, khi cho phép phục vụ khách tại chỗ thì cơ quan quản lý nên thường xuyên giám sát, kiểm tra về ý thức chấp hành, tuân thủ phòng dịch của cơ sở.
Về phía người dân, người kinh doanh nhỏ lẻ cần ý thức rõ là dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nên phải tuyệt đối đề phòng, tuân thủ các quy định của Bộ Y tế và bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong các hoạt động.
Sắp tới, thành phố cũng công bố các mức độ dịch cho từng vùng, từng quận huyện nên người dân, hộ kinh doanh bám sát để có thể chủ động tính toán việc buôn bán, phục vụ khách cho phù hợp trong điều kiện bình thường mới. Trên hết, dù là 'vùng xanh', được ăn uống tại chỗ thì không chỉ chủ quán mà ngay cả khách cũng phải nghiêm túc, ý thức phòng dịch.
* Ông NGUYỄN NGỌC ANH, chủ nhà hàng AB Win Restaurant, 127 Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM: Sớm xác định cấp độ dịch để chủ động buôn bán
Ông Nguyễn Ngọc Anh
Ngồi quán cà phê, quán ăn, nhà hàng… đã trở thành sinh hoạt của nhiều người dân thành phố. Bên ly cà phê, chai bia lạnh, nhiều người bàn chuyện làm ăn, thăm hỏi động viên nhau về đời sống thường nhật.
Trước đây, khi thành phố chưa giãn cách, mỗi ngày nhà hàng đón hàng trăm khách đến thưởng thức các món ăn, đồ uống truyền thống, bàn chuyện hợp tác làm ăn. Qua 4 tháng đóng cửa, nay chúng tôi đã nóng lòng phục vụ trở lại. Một tuần nay, không riêng nhân viên mà nhiều khách quen gọi điện thoại hỏi thăm 'lúc nào hàng quán mở cửa để ghé đến'.
Hiện nay, nhiều người dân đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh đã được kiểm soát. Số lượng người nhiễm cũng như bệnh nhân không qua khỏi giảm nhanh từng ngày.
Với tình hình dịch bệnh được cải thiện như hiện nay, nếu mọi người chấp hành tốt 5K, tôi tin rằng chắc chắn dịch bệnh sẽ được ngăn chặn. Thành phố đã nới lỏng giãn cách, nay chúng tôi mong muốn chính quyền sớm xác định cấp độ dịch để cho người dân biết mà chuẩn bị mở cửa hàng quán kinh doanh, phục vụ theo từng cấp độ phù hợp.\