'Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm', không ít người chồng vẫn vin vào câu nói này cho mình quyền chỉ đạo cuộc sống gia đình mà bất chấp cảm nhận, suy nghĩ của vợ. Trong khi thực tế, xã hội hiện đại, phụ nữ tham gia gánh vác lo làm kinh tế không hề thua kém đàn ông. Khi trở về tổ ấm, họ còn phải làm cả núi việc mà chồng đặt riêng tên là 'việc của đàn bà'.
Vì quá bức xúc với quan điểm bảo thủ này của chồng mình, một người vợ đã vào diễn đàn xã hội chia sẻ câu chuyện của chính gia đình cô.
Chuyện như sau: 'Chồng em làm văn phòng, lương 9 triệu mà tự đắc như thể 19, 20 triệu không bằng. Tới tháng nhận lương, anh đưa em được 4 triệu thế là coi như xong trách nhiệm. Vợ chi tiêu thừa thiếu thế nào không quan tâm. Công to việc lớn trong nhà, em phải đảm đương hết, chồng chỉ biết đi làm về có cơm dẻo canh ngọt phục vụ tận nơi. Con cái anh cũng không chăm lo, nhiều lúc em bận quá nhờ cắm giúp nồi cơm hoặc phơi hộ chậu quần áo, anh khó chịu gắt bảo đó là việc của đàn bà. Anh phân rõ rồi, mấy việc vớ vẩn ấy em đừng bao giờ bảo anh làm.
Bài chia sẻ của người vợ
Hôm vừa rồi nhà em có giỗ làm 3 mâm, cũng chỉ có anh em con cháu trong nhà. Sáng ấy em phải dậy từ 4h sáng lo đồ xôi, thịt gà, 5h sáng đi chợ mua đồ ăn. Chồng cứ nằm ôm gối ngủ một mạch tới sáng.
Thắp hương xong, mọi người ngồi ăn uống kể chuyện tới gần 1h. Con em chơi tới giờ ấy, buồn ngủ gắt ầm. Chị chồng nhìn vậy giục em cứ đưa con về phòng ngủ, để bát đĩa cho mấy chị em dọn. Thực ra mọi người cũng biết ý vì về muộn, việc nặng em đã phải làm hết rồi. Thế nhưng chồng em lại quát vợ: 'Con khóc tí đã làm sao mà phải viện lý do trốn việc. Các chị cứ về nghỉ đi, để đồ đấy vợ em rửa. Em lấy vợ về để rửa bát chứ để làm gì'.
Chồng em có tính sỹ diện, thích thể hiện trước mặt mọi người, sai bảo quát tháo vợ như kiểu sai người làm. Không ít lần em góp ý mà vẫn cứ thế. Hôm ấy ức quá rồi, không nhịn được nữa em vác con lên vai, quay ra đanh giọng đáp lời trước tất cả mọi người: 'Nếu lấy anh tôi chỉ phải rửa bát không thôi thì nhàn quá. Đằng này anh nghĩ lại xem, làm vợ anh tôi phải làm những gì. Kinh tế 1 tháng anh đưa vợ 4 triệu. Anh nghĩ nhà 4 miệng ăn, còn chưa nói tới bỉm sữa, tiền học của 2 đứa con. 4 triệu của anh có đủ trang trải không. Hay cũng lại tới tay vợ anh lo liệu.
Làm vợ anh, ngoài làm những việc mà anh bảo nhỏ nhặt của đàn bà ra thì tôi cũng phải gánh cả những việc mà người chồng như anh không lo nổi đó'.
Cả nhà biết em nổi nóng rồi nên tất cả cũng ngồi im để em xả giận. Chồng em mặt chuyển từ đỏ sang tím tái cũng không cất miệng lên nói được câu nào. Sau chị chồng đứng lên giải hòa: 'Chị thấy vợ cậu nói đúng đó. Mợ ấy vất vả, lúc nào chị cũng thấy mợ ấy tất bật lo công lo việc. Em là chồng không biết đỡ đần vợ còn giở cái giọng ấy ra. Thật không chấp nhận được'.
Mỗi người ngồi ấy thêm vào 1 câu khiến chồng em càng 'câm nín'. Không nói được lại, anh ấy cau mặt bảo vợ láo rồi đi vào phòng đóng cửa rầm cái. Tối ấy mọi người về hết rồi, em lại bắt đầu công việc của mình, nấu nướng tắm giặt cho con. Chồng em dằn dỗi vẫn nằm trong phòng, tới bữa con vào gọi ra ăn không ra, em kệ luôn. Ăn xong em dọn đồ bỏ hết vào tủ.
Ảnh minh họa
Lần này em quyết không xuống nước nhượng bộ để cho anh ấy tự nhận ra mình là ai, mình đã làm được gì cho vợ con mà lúc nào cũng làm vương làm tướng, coi thường vợ'.
Cuộc sống gia đình luôn khó tránh khỏi những lúc vợ chồng bất đồng quan điểm. Tuy nhiên cách hành xử của anh chồng trong câu chuyện trên quả thật đã khiến không chỉ vợ anh mà tất cả chị em phụ nữ đều bất bình.
Hôn nhân chỉ có thể bền vững viên mãn khi vợ chồng đồng thuận, đôi bên tôn trọng lẫn nhau. Nam nữa vốn bình quyền, anh chồng này lại đã vi phạm nguyên tắc hôn nhân là quá xem thường vợ nên vợ anh bất bình 'nổi dậy' là đúng. Hi vọng, sau chuyện lần này anh sẽ biết nhìn nhận, sửa đổi bản thân để vợ chồng được hạnh phúc.